Tiềm năng phát triển kinh tế
Từ một tỉnh thuộc nhóm nghèo nhất của mảnh đất miền Trung, kinh tế Quảng Nam nhiều năm qua có bước tiến nhảy vọt, đưa địa phương này trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Năm 2019, tỉnh đạt tổng thu ngân sách nhà nước là 23.278 tỷ đồng, với thu nhập nội địa gần 19.000 tỷ đồng.
Ngày 5/5/2020, theo báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Quảng Nam xếp thứ 6 toàn quốc, là địa phương thuộc nhóm điều hành tốt. Đây là năm thứ 5 liên tiếp địa phương này góp mặt trong danh sách 10 tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế đứng đầu cả nước.
Có được kết quả đó là nhờ chính sách “trải thảm đỏ” nhằm thu hút vốn đầu tư của chính quyền địa phương. Tại thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, Quảng Nam chỉ có 13 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 230 triệu USD, thì đến quý I/2020, tổng số dự án FDI còn hiệu lực là 195, tổng vốn đầu tư 5,9 tỷ USD.
Sông Cổ Cò nối cảng Đà Nẵng với thương cảng Hội An, được ví như con đường tơ lụa để các thương nhân Nhật Bản và Trung Hoa giao thương.
Đáng chú ý là ngay trong thời điểm đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi ngành kinh tế, tình hình thu hút đầu nước ngoài tại Quảng Nam vẫn rất tích cực. Có đến 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 19 triệu USD đã được cấp mới trong quý I, tăng hơn 3 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019.
Những năm gần đây, cơ cấu nền kinh tế Quảng Nam chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ, đưa địa phương trở thành tâm điểm của nhiều dự án về công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, điện tử, công nghiệp chế biến…
Trong đó, sự đầu tư nghiêm túc và bài bản trong ngành “công nghiệp không khói” du lịch, tạo đà cho sự bứt phá mạnh mẽ của địa phương này.
Sức hút của du lịch Quảng Nam
Quảng Nam được đánh giá là địa phương sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Tỉnh có khoảng 307 di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng, danh thắng cùng 48 di tích quốc gia, 256 di tích cấp tỉnh, 2 di sản văn hoá thế giới…
Phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm là những địa danh du lịch nổi tiếng của địa phương. Ngoài ra, hai bãi biển Cửa Đại và An Bàng của Quảng Nam thường xuyên lọt top những bãi biển đẹp nhất thế giới, theo đánh giá của cộng đồng khách du lịch quốc tế và nhiều tạp chí uy tín.
Không chỉ dừng ở lợi thế về tự nhiên, điều làm nên thành công cho du lịch Quảng Nam còn là việc đa dạng các loại hình du lịch. Địa phương không chỉ là địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng mà còn là nơi nghiên cứu và trải nghiệm văn hoá hấp dẫn…
Các làng nghề gắn với du lịch được đầu tư phát triển như: rừng dừa Cẩm Thanh, du lịch cộng đồng nhà vườn Triêm Tây, điểm du lịch khám phá ở vùng đồng bào thiểu số miền núi phía tây tỉnh như: Làng Bhờ Hôồng, làng Dhờ Rôồng, làng dệt thổ cẩm Za-ra, thác Grăng, làng truyền thống Cơ-tu, vườn cây Pơ-mu…
Tỉnh được coi là hình mẫu trong việc phát triển du lịch, với nhiều giải pháp sáng tạo. Mới đây nhất, để kích cầu du lịch sau thời gian giãn cách xã hội, từ 1/6 đến 30/9/2020, 32 đơn vị du lịch lữ hành trên địa bàn áp dụng chương trình tri ân mang tên “Cảm ơn – Thank You” cho các y bác sỹ. 200 phòng lưu trú khách sạn từ 3 - 5 sao tại Hội An, Mỹ Sơn, Phú Ninh, cùng 100 suất tour free & easy miễn phí đã được thiết kế dành cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch. Gói kích cầu “ở 3 trả 2” cũng được tung ra dành cho du khách nội địa.
Dịp này, các nhà hàng, cửa hàng lưu niệm tại phố cổ Hội An tặng nhiều voucher miễn phí bữa ăn, giải khát, quà lưu niệm. Bên cạnh đó, địa phương bán vé lại tại các địa điểm tham quan, phố đêm, phố đi bộ và xe không động cơ và các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, trình diễn nghề… tại phố cổ Hội An, làng gốm Thanh Hà và làng rau Trà Quế.
Phố cổ Hội An, biểu tượng của du lịch Quảng Nam
Hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, với đầy đủ loại hình từ đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không cũng giúp du lịch Quảng Nam “cất cánh”.
Đòn bẩy cho thị trường bất động sản
Sự bứt phá mạnh mẽ của nền kinh tế là đòn bẩy cho địa ốc Quảng Nam phát triển rầm rộ vài năm gần đây.
Cuối năm 2019, thị trường bất động sản khu vực Bắc Quảng Nam, nơi giáp ranh với Đà Nẵng là điểm nóng đầu tư khi tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 7 dự án bất động sản tại Điện Nam.
Cùng với đó, dự án khơi thông tuyến sông Cổ Cò huyết mạch kết nối Đà Nẵng – Quảng Nam được kỳ vọng đem lại cơ hội bứt phá cho khu vực Đông Nam Đà Nẵng. Một số dự án quy mô lớn rục rịch được triển khai tại đây, đáng chú ý là 14 dự án đô thị dọc tuyến sông Cổ Cò vừa được UBND Đà Nẵng thông qua.
Sau quãng thời gian im ắng do ảnh hưởng của Covid-19, thị trường bất động sản Quảng Nam có nhiều tín hiệu khởi sắc. Ghi nhận tại nhiều sàn giao dịch bất động sản cho thấy giới đầu tư đang dần quay trở lại thị trường. Nhiều chủ đầu tư cũng lần lượt bung hàng sau quãng thời gian “ngủ đông”. Tại thị trường sơ cấp và thứ cấp, nhiều dự án bắt đầu được rao bán trở lại, ghi nhận lượng thanh khoản tích cực hơn.
Theo một số chuyên gia, Covid-19 có thể coi là phép thử giúp “thanh lọc” thị trường bất động sản. Đây là thời điểm mà những doanh nghiệp địa ốc làm ăn chụp giật, thiếu chuyên nghiệp bị loại khỏi cuộc đua, nhường chỗ cho những chủ đầu tư có năng lực, có định hướng bài bản. Đây cũng là yếu tố khiến không ít nhà đầu tư bày tỏ sự yên tâm khi đầu tư vào địa ốc Quảng Nam hậu Covid-19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.