"Phi hạt nhân hóa": Khác biệt kiểu Mỹ và kiểu Triều Tiên

Tiểu Đào Thứ bảy, ngày 21/04/2018 13:05 PM (GMT+7)
Trong hai cuộc gặp Thượng đỉnh Hàn-Triều và Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới, chủ đề quan trọng nhất sẽ là “phi hạt nhân hóa”. Thế nhưng, chưa chắc Washington, Seoul và Bình Nhưỡng có cái nhìn giống nhau về khái niệm này.
Bình luận 0

Tình hình bán đảo Triều Tiên đang cải thiện nhanh chóng và đã đạt được bước tiến đặc biệt khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Không chỉ có vậy, theo lời Tổng thống Moon Jae-in, ông Kim còn sẵn sàng bỏ qua điều kiện tiên quyết bấy lâu này của Triều Tiên là Mỹ phải rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên để tạo điều kiện cho các cuộc gặp thượng đỉnh song phương sắp tới.

Mới đây nhất vào hôm nay (21.4), ông Kim còn tuyên bố đình chỉ toàn bộ việc thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và vũ khí hạt nhân, cũng như đóng cửa một khu vực thử hạt nhân – một động thái được cả Mỹ và Hàn Quốc hoan nghênh chào đón.

Tất cả đều chỉ vì một từ “denuclearization” (phi hạt nhân hóa).

Thế nhưng, dù được nhắc đến liên tục, thuật ngữ này lại chưa được diễn giải một cách đồng thuận giữa tất cả các bên. Tới thời điểm hiện tại, truyền thông Triều Tiên chưa nhắc gì đến việc này còn tuyên bố của ông Kim cũng “mơ hồ”.

“Quan điểm nhất quán của chúng tôi là cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo ý chí của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và cố lãnh đạo Kim Jong-il”, cơ quan thông tấn Xinhua của Trung Quốc dẫn lại lời phát biểu của nhà lãnh đạo Triều Tiên trong chuyến thăm tới Bắc Kinh vào hôm 27.3.

Vậy, “phi hạt nhân hóa” kiểu Triều Tiên và kiểu Mỹ-Hàn Quốc có gì khác nhau?

Phi hạt nhân kiểu Mỹ-Hàn Quốc

img

Mỹ và Hàn Quốc quan niệm "phi hạt nhân hóa" phải theo "chuẩn CVID". Ảnh: AP.

Trong suốt một thập kỷ quan, Mỹ và Hàn Quốc luôn duy trì quan điểm rằng “phi hạt nhân hóa” phải là “CVID”.

“Hoàn toàn (complete), dễ kiểm chứng (verifiable), không thể đảo ngược (irreversible) và tháo dỡ (dismantlement) – đó là CVID, là những gì mà Mỹ và Hàn Quốc muốn với chương trình hạt nhân của Triều Tiên”, ông Josh Pollack – nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey giải thích.

Định nghĩa này cũng đã được sử dụng thường xuyên tại Hội đồng Bảo an LHQ trong các nghị quyết lên án, chỉ trích Triều Tiên từ tháng 10.2006 cho tới nay.

Theo ông Pollack, “không thể đảo ngược” là để đảm bảo các cơ sở hạt nhân hiện tại không thể tái khởi động sau khi bị tháo dỡ. Ngoài ra, bất kỳ thỏa thuận phi hạt nhân hóa nào cũng cần phải có chuỗi các bước “dễ kiểm chứng” được thực hiện bởi các nhà quan sát độc lập như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế nhằm đảm bảo việc tháo dỡ chương trình hạt nhân không đi chệch hướng.

Phi hạt nhân kiểu Triều Tiên

img

Triều Tiên cho rằng "phi hạt nhân hóa" phải áp dụng trên cả bán đảo Triều Tiên. Ảnh: The Daily Beast.

Khi đang thăm Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có hứa sẽ đối thoại về việc phi hạt nhân hóa. Thế nhưng, điều đáng chú ý là ông nói “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” chứ không đả động gì đến việc “kết thúc” chương trình hạt nhân của nước này

“Với ông Kim, việc phi hạt nhân hóa phải áp dụng trên toàn bộ bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả ở Hàn Quốc”, ông David Maxwell – cựu đại tá Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ, đồng thời là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Mỹ-Hàn Quốc nhận định.

Theo các chuyên gia, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc vẫn luôn là cái gai trong mắt Triều Tiên và lập trường này chưa hề thay đổi, kể cả sau tuyên bố hôm thứ Năm (19.4) của Tổng thống Moon. Nhà nghiên cứu Pollack cho rằng, mặc dù từ năm 1992, Mỹ đã không triển khai bất kỳ vũ khí hạt nhân nào ở Hàn Quốc, Triều Tiên vẫn coi sự hiện diện của Washington tại bán đảo Triều Tiên chính là một “mối đe dọa hạt nhân”.

“Do lo ngại sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ và Hàn Quốc, Triều Tiên cần tới vũ khí hạt nhân để ngăn chặn một cuộc xâm lược tiềm năng”, ông Pollack cho hay. “Họ cảm thấy phải cân bằng chương trình hạt nhân của mình với liên minh quân sự Mỹ-Hàn, cho rằng liên minh này là một mối đe dọa hạt nhân dù không có cơ sở nào để khẳng định quan điểm này”.

Các chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, việc thay đổi quan điểm về sự hiện diện của binh lính Mỹ tại Hàn Quốc dường như là nhượng bộ tạm thời hoặc thậm chí là một nỗ lực nhằm chia rẽ Washington và Seoul.

“Có thể lý giải rằng, chiến thuật của ông Kim là nhượng bộ kín từng bước một để cho Tổng thống Moon thấy, ông là một người ‘thượng lượng được’”, Pollack nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem