Phim Quân đội Vương Bài xuyên tạc lịch sử Việt Nam
Phim "Quân đội Vương Bài" xuyên tạc lịch sử Việt Nam: Không đơn thuần là câu chuyện văn hóa
Thúy Phương - Khánh Đăng
Thứ sáu, ngày 01/10/2021 06:31 AM (GMT+7)
Trước sự việc bộ phim "Quân đội Vương Bài" xuyên tạc lịch sử Việt Nam, Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Trần Luân Kim và các đạo diễn, biên kịch về vấn đề này.
Trước câu chuyện của phim "Quân đội Vương Bài", PGS.TS. Trần Luân Kim - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đưa ra quan điểm với Dân Việt: "Đoàn làm phim "Quân đội Vương Bài" đã vi phạm nguyên tắc hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, đồng thời thể hiện sự thiếu khách quan trên phương diện lịch sử. Là những công dân Việt Nam, chúng ta cần giữ thái độ chuẩn mực, đồng thời cần thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sáng suốt trước mọi thông tin. Đây là cách giúp chúng ta thể hiện tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ lẽ phải trước những thông tin sai trái, xuyên tạc lịch sử dân tộc".
"Quân đội Vương Bài" nếu công chiếu sẽ rất nguy hiểm!
Trò chuyện với Dân Việt, đạo diễn, biên kịch kiêm nhà sản xuất Mai Thế Hiệp đã tỏthái độ bất bình trước việc phim "Quân đội Vương Bài" xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Anh cho biết, đây là sự việc nghiêm trọng dù mới qua trailer rất ngắn chưa rõ nội dung. Nam đạo diễn cho rằng, nhìn vào những hình ảnh xuất hiện trong trailer, nhiều người đã nhận ra những ý đồ của nhà sản xuất phim. Và khán giả Việt Nam tẩy chay phim là đúng vì không khán giả Việt nào chấp nhận phim này.
Tuy vậy, đây vẫn là cách phản ứng thụ động vì ngoài khán giả tại Việt Nam còn có khán giả các nước khác vẫn có thể xem và có thể họ sẽ bị "tiêm" vào đầu những suy nghĩ lệch lạc không đúng sự thật, không đúng lịch sử. Nếu bộ phim công chiếu sẽ rất nguy hiểm, khán giả Trung Quốc và khán giả các nước khác sẽ hiểu sai lệch về lịch sử. Vì vậy, đạo diễn Mai Thế Hiệp cho rằng, Nhà nước Việt Nam, Cục Điện ảnh phải có tác động bằng hình thức nào đó để bộ phim không phát hành trên thị trường.
Trước việc một số khán giả bảo vệ các diễn viên thần tượng tham gia phim "Quân đội Vương Bài", đạo diễn Mai Thế Hiệp cho rằng, việc ủng hộ diễn viên thần tượng tham gia phim không quan trọng, quan trọng là thông điệp về phim cần chấm dứt vì rất nhạy cảm, những thông điệp không đúng sự thật cần chấm dứt là để bảo vệ mối quan hệ 2 nước.
Trước câu hỏi về quan điểm cá nhân khi làm phim lịch sử, đạo diễn Mai Thế Hiệp cho biết: "Nếu làm phim lịch sử tôi sẽ có quan điểm theo hướng khác lạ. Lý do là phim lịch sử nguyên bản rất khô khan nên đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch sẽ thêm thắt nhiều yếu tố. Ví dụ như thêm yếu tố tình cảm, hư cấu cho phim bớt khô khan để khán giả dễ xem hơn nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tôn trọng sự kiện lịch sử".
"Chúng ta đang thiếu những tác phẩm lớn để khán giả hiểu tường tận về lịch sử dân tộc"
Đạo diễn Dũng Nghệ cũng chia sẻ quan điểm của mình với Dân Việt rằng, hành động của ê-kíp và các diễn viên phim "Quân đội Vương Bài" là điều không khó lý giải. Bởi lẽ, trên tình thần tự hào dân tộc của họ, họ sẽ thực hiện các bộ phim nhằm bảo vệ quyền lợi quốc gia của họ.
Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, ngành điện ảnh của chúng ta khó lòng thực hiện các bộ phim có nội dung tương tự do những cản trở về quy định và luật. Trong dự thảo Luật Điện ảnh của Việt Nam hiện nay hạn chế việc thực hiện các bộ phim gây thù hằn, kích động chiến tranh giữa các quốc gia. Do đó, một bộ phận công chúng nhất là giới trẻ của Việt Nam ít có hiểu biết về bối cảnh lịch sử dân tộc.
Đạo diễn Dũng Nghệ cho biết thêm, anh không hề trách giới trẻ hiện nay thần tượng diễn viên Hoa ngữ mà không hiểu gì về lịch sử đấu tranh của dân tộc. Bởi lẽ, về mặt văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh và truyền hình, anh tự thấy xấu hổ khi không tạo ra được một hình tượng nào để các bạn trẻ thấy yêu, tự hào về quê hương đất nước.
"Đến chúng tôi là người làm phim tôi thấy xấu hổ vì không tạo ra được hình tượng nào để cho các bạn trẻ thần tượng cả. Vì sao thì có lẽ có những nguyên nhân sâu xa cần phải mổ xẻ. Có những người hoạch định chiến lược về văn hóa, những người làm Luật Điện ảnh sắp tới phải nghĩ đến điều đó.
Bản thân chúng tôi là nghệ sĩ, chúng tôi không thể làm được nếu không có cơ chế của các lãnh đạo ở trên, người hoạch định văn hóa, chiến lược văn hóa quốc gia. Đây là bài toán đặt ra với nền điện ảnh nước nhà. Do đó cần có những chính sách để chúng ta thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức lịch sử với đông đảo công chúng", đạo diễn Dũng Nghệ khẳng định.
Nhận định về câu chuyện của phim "Quân đội Vương Bài", đạo diễn Dũng Nghệ cho rằng, đây là những câu chuyện xuyên tạc, thể hiện thái độ một chiều đứng dưới góc độ quốc gia và dân tộc của họ. Họ đã vẽ ra những thứ không có thật để có lợi cho vị thế dân tộc họ và giáo dục cho khán giả trẻ của họ.
"Để đối trọng với vấn đề này, chúng ta cần xây dựng những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh lớn để cho khán giả của mình, để những bạn trẻ hiểu được một cách tường tận về văn hóa, lịch sử của dân tộc, đặc biệt là tất các cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp, Mỹ chứ không riêng gì Trung Quốc. Mình không làm được, hay là chưa làm được chuyện đó. Đó là nỗi đau với tất cả những người làm văn học nghệ thuật, đặc biệt là người làm điện ảnh và truyền hình", đạo diễn Dũng Nghệ cho hay.
Chia sẻ quan điểm khi làm phim lịch sử, đạo diễn Dũng Nghệ cho biết thêm: "Nếu làm phim lịch sử tôi nghĩ phải tôn trọng sự thật lịch sử. Bất cứ nghệ sĩ nào cũng phải đứng về phía dân tộc quốc gia của mình. Để cho các bạn trẻ hiểu thực tế hy sinh mất mát của đất nước mình trong cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Bản thân tôi cũng có người cậu đã hy sinh ở Cao Bằng đến năm 1990 mới tìm được hài cốt về.
Ngày xưa đạo diễn Đặng Nhật Minh đã làm phim "Thị xã trong tầm tay" về đề tài phản chiến. Ngay sau khi cuộc chiến vừa mới kết thúc được vài tháng, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã lên biên giới và quay bộ phim này và Nhà nước mình đã công nhận đó là một trong những tác phẩm giá trị rất lớn về đề tài hậu chiến. "Tại sao bây giờ mình né chuyện đó, mình không làm là lỗi của mình chứ không phải của ai cả", đạo diễn Dũng Nghệ nhận định.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, ông đã nắm được thông tin về trailer bộ phim "Quân đội Vương Bài" đang gây nhiều tranh cãi. Ông sẽ cho kiểm tra cụ thể và kỹ càng trước khi có ý kiến tham mưu với các cấp lãnh đạo. Vì đây là một vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính trị và ngoại giao chứ không đơn thuần là câu chuyện văn hóa nên sẽ phải rất thận trọng.
"Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi không thể phát biểu được điều gì. Tôi cũng cảm thấy rất quan ngại khi trailer của phim vừa xuất hiện đã gây ra nhiều bất bình", ông Vi Kiến Thành nói.
Theo thông tin giới thiệu từ Baidu, "Quân đội Vương Bài" là bộ phimlấy bối cảnh thời gian những năm 1983. Phim tái hiện hình ảnh các nhân vật tham gia chiến đấu và rà phá bom mìn tại Quảng Tây – một tỉnh giáp biên giới với Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh của Việt Nam. Đối chiếu với lịch sử, không ít khán giả Việt lên tiếng cho rằng, bộ phim có những chi tiết có liên quan đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam, bắt đầu từ năm 1979.
Trong trailer phim có các phân cảnh quân đội Trung Quốcgiáp lá cà và đánh với đối phương là những người "ngụy trang trong lớp lá cây, cỏ", "dùng súng tiểu liên AK". Không chỉ vậy, trang phục mà các diễn viên Trung Quốc mặc trong bộ phim này trùng khớp với quân phục giai đoạn họ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam năm 1979.
Nhiều khung cảnh xuất hiện trong trailer, quân đội Trung Quốc bắn pháo binh. Pháo binh cũng là lực lượng được Trung Quốc sử dụng nhiều nhất trong các trận chiến ở Vị Xuyên (Hà Giang), chiến địa được những người lính Việt Nam vệ quốc hơn 30 năm trước gọi là "lò vôi thế kỷ" với hơn 2.000 hài cốt liệt sĩ nằm rải rác trên các cao điểm núi đá biên giới Việt – Trung.
Trên Weibo (mạng xã hội của Trung Quốc), một số tài khoản đã lan truyền những thông tin lịch sử sai sự thật được lồng vào phim. Theo đó, một số ý kiến này cho rằng phim "Quân đội Vương Bài" lấy bối cảnh phim là những năm 1980, khi lực lượng quân sự của Việt Nam mạnh lên không ngừng và có ý nghĩ xấu đối với lãnh thổ của Trung Quốc và phát động một loạt cuộc quấy rối và xâm phạm biên giới của Trung Quốc.
Trước những thông tin đó, khán giả Việt đồng loạt lên tiếng phản đối, kêu gọi tẩy chay bộ phim này. Nhiều khán giả Việt Nam cho rằng, việc ủng hộ, chia sẻ và quảng cáo cho phim đều là sự xúc phạm to lớn đến lịch sử nước nhà, quay lưng lại với sự hy sinh của cha ông. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến ủng hộ và bảo vệ hai thần tượng là Tiêu Chiến và Hoàng Cảnh Du.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.