Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam: Nhìn cảnh nhà cửa, cây cối, trang trại hư hỏng mà đau xót
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam: Nhìn cảnh nhà cửa, cây cối, trang trại hư hỏng mà đau xót
Trương Hồng
Thứ hai, ngày 09/11/2020 15:50 PM (GMT+7)
Ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam đau xót khi nhìn nhiều ngôi nhà người dân cùng hàng ngàn ha cây keo, cây ăn quả của người dân trên địa bàn ngã đổ do bão gây ra mà ông không kìm được lòng.
Hôm qua (8/11), ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cùng lãnh đạo huyện Tiên Phước đã có chuyến kiểm tra, nắm bắt tình hình và đưa ra phương án khắc phục hậu quả sau cơn bão số 9 gây ra trên địa bàn.
Bão vờn một tiếng, cây ăn quả trồng 10 năm tan tành
Có mặt tại trụ sở UBND xã miền núi Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, lúc này rất nhiều người dân địa phương đã có mặt để nhận sự chia sẻ của lãnh đạo tỉnh cũng như các nhà hảo tâm.
Ông Lê Văn Dũng ân cần đi đến từng người ở dưới hội trường để hỏi thăm về gia cảnh, nhà cửa, nhất là người già, trẻ em, gia đình khó khăn.
"Cơn bão số 9 đi qua không những làm thiệt hại rất nặng nề đối với huyện Tiên Phước mà còn gây thiệt hại cho cả tỉnh. Sáng nay, lãnh đạo tỉnh về đây cũng nhằm mục đích chia sẻ đau thương với người dân sau bão số 9 gây ra.
Không những nhà dân bị hư hỏng, mà thiệt hại nặng nhất của bà con Tiên Phước là kinh tế vườn. Vì Tiên Phước là một vùng trọng điểm kinh tế vườn của tỉnh Quảng Nam, hiện nay có hơn 70% người dân làm kinh tế vườn, nhất là trồng keo, cây ăn quả, trang trại, gia trại.
Để có được một khu vườn cây ăn quả phải mất 7 đến 10 năm mới thu hoạch, nhưng cơn bão số 9 đi qua đã gây thiệt hại rất là nặng, cây cối ngã đổ hư hỏng toàn bộ. Nỗi khổ này của bà con chúng ta không gì có thể để bù đắp được. Nhìn cảnh nhà cửa, cây cối, trang trại hư hỏng như vậy mà ai không đau xót…", ông Lê Văn Dũng chia sẻ.
Ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cho biết, có thể khẳng định, bão số 9 đã đổ bộ ảnh hưởng trực tiếp vào địa bàn huyện Tiên Phước ngày 28/10, với cường độ cấp bão rất mạnh, bán kính hoạt động rộng, bão đi chậm, dẫn đến mức độ càng quét, tàn phá tàn khốc. Đây là cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn huyện Tiên Phước trong 20 năm qua.
20201108_102913
Vườn cao su tiểu điền của người dân xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước bị bão số 9 quật ngã
Qua kết quả báo cáo sơ bộ của các địa phương, tình hình thiệt hại do bão số 9 ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 1.505.210.000.000 đồng. Do cấp độ bão số 9 quá lớn, bão đi chậm, mức độ càn quét mạnh, theo thống kê sơ bộ có trên 7.000 nhà hư hỏng, chủ yếu tốc mái, bay tôn, bay ngói, cây ngã đổ đập vào nhà; nhiều hộ gia đình đi sơ tán về nhà bị hư hỏng phải ở tạm nhà của người thân.
Đặc biệt nhất là lĩnh vực kinh tế nông lâm nghiệp, kinh tế vườn bị thiệt hại hết sức nặng nề, qua báo cáo sơ bộ của 15 xã, thị trấn, trên 70% diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế trên địa bàn huyện bị trốc gốc, gãy, ngã đổ… trên 2.000 ha/5882 ha vườn, trên 600 ha cây trồng lâu năm và trên 10.000 ha rừng keo bị thiệt hại; 41 con gia súc (40 con heo, 1 con bò), trên 26.000 con gia 4 cầm bị chết.
Nhiều mô hình trồng cây ăn quả, mô hình chỉnh trang vườn điển hình theo Đề án 548 ở các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu bị thiệt hại nặng trên 80%.
Ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước báo cáo với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam về thiệt hại sau báo số 9
Ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước thông tin về thiệt hại sau cơn bão số 9 xảy ra trên địa bàn
"Về kinh tế vườn, đối với huyện Tiên Phước mỗi năm UBND tỉnh hỗ trợ 10 tỷ đồng, đến nay đã 3 năm được 30 tỷ đồng và cộng với huy động các nguồn lực khác, đến nay kinh tế vườn tại Tiên Phước đã được đầu tư 57 tỷ đồng. Nhưng qua cơn bão số 9 đã thiệt hại rất nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân rất lớn.
Hiện tại lãnh đạo huyện đã tìm mọi biện pháp để giúp người dân cứu những loại cây còn sống sót nhằm gầy dựng lại, giảm bớt thiệt hại và kiến nghị với UBND tỉnh sớm giúp người dân ổn định cuộc sống.
Về lâu dài, để khắc phục sau bão là rất lâu, nhưng khi có nguồn kinh phí hỗ trợ từ cấp trên chúng tôi sẽ phân bổ ngay đến địa phương, nhất là giống cây trồng, con vật nuôi để người dân từng bước làm lại kinh tế vườn, ổn định cuộc sống…", ông Hương nói.
Cần chuyển đổi cây trồng hợp với vùng gió bão.
Có mặt tại khu vườn cây ăn quả của anh Nguyễn Hữu Dân (SN 1989, trú thôn Hội Lâm, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước), đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam đã quá đau xót khi nhìn 3 héc ta cây chuối, cây ăn quả trong vườn đang trong giai đoạn "hái" ra tiền nhưng bị bão số 9 quật ngã không còn một cây nào.
Anh Nguyễn Hữu Dân cho biết, khu vườn chuối 3 héc ta này anh đã trồng khoảng 5 năm, nhưng qua cơn bão số 9 vừa rồi đã làm cho hàng ngàn cây chuối đã trổ buồn bị ngã đổ, chết la liệt.
"Ngày thường bình quân vườn chuối này tôi thu nhập khoảng 400 nghìn đồng/ngày. Nhưng cơn bão số 9 vừa qua đã làm ngã đổ hết, hiện hư hỏng coi như 100%, ước tính thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Mong sao các cấp chính quyền có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân sớm để ổn định lại cuộc sống, nhất là các khoản vay ngân hàng…", anh Dân mong muốn.
Anh Nguyễn Hữu Dân chia sẻ thiệt hại với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam
Ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh thêm, cơn bão số 9 đã làm thiệt hại nặng về kinh tế vườn và rừng của bà con nhân dân tỉnh.
"Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã có nhiều suy nghĩ, đặc biêt là tính toán chủ trương chuyển đổi loại cây trồng phù hợp với vùng thường xuyên hứng chịu gió bão như Tiên Phước, nhất những loại cây ăn quả có tầm thấp, cứng chắc. Có thể nói rằng, thiệt hại của bà con là rất nặng nề, bây giờ khắc phục việc này không thể một sớm, một chiều được, mà có quá trình nhiều năm…", ông Dũng nói.
Dạo quanh một vòng ở vườn cây ăn quả của anh Nguyễn Hữu Dân, ông Lê Văn Dũng nói thêm: Như khu vườn của anh Dân ở đây đã bị hư hại tòa bộ, nếu bây giờ khắc phục nguyên vẹn được như trước kia thì phải mất đến 7 đến 10 năm...".
""Vì thế, để cho kinh tế vườn phát triển bền vững, bây giờ phải chuyển đổi mô hình và điều kiện phù hợp với từng vùng gió bão. Không biết bao giờ người dân mới khắc phụ lại được tài sản mà đã bỏ ra quá nhiều như hiện nay", ông Dũng chua xót nói.
Ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam đưa ra chủ trương chuyển đổi cây trồng cho người dân vùng ảnh hưởng gió bão
Cũng theo ông Lê Văn Dũng, để hỗ trợ người dân sau bão, tỉnh Quảng Nam sẽ sớm đề nghị với các Bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ NN PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu để đưa ra khuyến cáo thật là cụ thể, nhất là miền núi.
"Đặc biệt nhất là chúng ta đang triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về kinh tế miền núi và dân tộc thiểu số. Tiên Phước cũng là một trong những vùng miền núi nên cần được nghiên cứu đến Nghị quyết 88, trong đó có một dự án mà Chính phủ đang tập trung xây dựng đó là dự án phát triển kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc miền núi, nên cần có tính toán lâu dài để thực hiện được Nghị quyết này thật thiết thực cho miền núi của Quảng Nam", ông Dũng nêu rõ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.