dd/mm/yyyy

Phố lưu dấu nhiều cổng làng giữa Thủ đô

Một đoạn phố chưa đầy cây số, tính từ đền Voi Phục xuống đến dưới chợ Bưởi đã có hơn 10 cổng làng - thực đáng được ghi vào guiness của Thủ đô.

Nhiều cổng làng như phố Thụy Khuê

Hà Nội là một trong hai thành phố có mật độ đô thị hóa cao nhất nước ta với trên 40%, con số mà đến 2020 cả nước mới đạt được. 4 hướng cửa ngõ Thủ đô nở rộ các tòa nhà chọc trời từ 30 tầng đến 72 tầng (tòa tháp Keangnam). Đô thị hóa len lỏi đến cả các làng ven ngoại thành, những Chèm, Vẽ, Sét, Vòng, Tây Tựu, Đồng Lầm, Yên Phụ… với đặc trưng nhà cao tầng, đường làng lát bê tông, ao hồ bị lấp gần hết. Chính vì thế, thật kỳ lạ và thú vị khi ngay tại trung tâm Thủ đô Hà Nội như phố Thụy Khuê, giữa mịt mù khói xăng xe cộ của nạn tắc đường kinh niên, vẫn thấp thoáng hiện ra những chiếc cổng làng bề thế, phủ nguyên từng lớp bụi thời gian tính bằng thế kỷ có dư.

Cổng làng Hồ, số 374, phố Thụy Khuê. Ảnh: Hồng Anh.
Cổng làng Hồ, số 374, phố Thụy Khuê. Ảnh: Hồng Anh.

Dài trên 3 cây số, Thụy Khuê là phố có nhiều cổng làng nhất Hà Nội. Nhiều người tự hỏi, vì sao cổng làng ở đây chỉ xuất hiện bên dãy nhà số chẵn? Xin thưa, đó là ranh giới phía ngoài của các làng Yên Thái, An Thọ, Hồ Khẩu, Đông Xã, Thụy Khuê… mà trước kia gọi chung là kẻ Bưởi. Cụ Đỗ Ngọc Lâm, 86 tuổi, người kẻ Bưởi từ 6 đời nay cho biết, trải qua các triều đại phong kiến, cách phân chia địa giới và tổ chức bộ máy hành chính có nhiều thay đổi, nhưng tên làng và tên cổng làng vẫn giữ nguyên.

Những chiếc cổng làng xưa kia, nay trên thực tế là những con ngõ, dù đã được đánh số rõ ràng, khá tiện lợi cho việc gửi thư, tìm nhà… nhưng không mấy người dân ở đây nhớ, họ vẫn gọi theo lối xưa: cổng Giếng, cổng Chùa, cổng Xanh, cổng Hầu, cổng Đông, cổng Cái… Hy hữu thay, một đoạn phố chưa đầy cây số, tính từ đền Voi Phục xuống đến dưới chợ Bưởi đã có hơn 10 cổng làng - thực đáng được ghi vào guiness của Thủ đô.

Vì sao Thụy Khuê có nhiều cổng làng? Vì ở đó có nhiều làng. Vì sao các làng quần tụ nơi đây? Vì làng ở phố là làng nghề; nghề giấy du nhập vào Yên Thái, Đông Xã, Hồ Khẩu, An Thọ vì 4 làng này nằm ven Hồ Tây, tiện lợi cho việc tập kết và ngâm vật liệu để sản xuất thành giấy. Làng Thụy Khuê trồng hoa, đương nhiên phải ở vùng có nước như Hồ Tây… Đó là cách giải thích của các cụ cao niên ở làng Hồ Khẩu với bất cứ ai quan tâm đến những vấn đề của “kẻ Bưởi”.

Dấu quê xưa còn lại

Cụ Đỗ Ngọc Lâm nói rằng, dưới triều phong kiến có nhiều thời kỳ loạn lạc, quyền lực của trung ương chỉ đảm bảo an ninh đến đến huyện, phủ; xuống đến làng xã dân phải tự bảo vệ mình nên mới sinh ra cái cổng. Cổng làng là một kiến trúc không thể thiếu trong đời sống văn hóa làng xã nước ta xưa kia. Khi bước qua cổng là bước vào một không gian văn hóa riêng, với những quy ước và tập quán riêng khiến khách lạ bất giác tự thấy mình phải có nghĩa vụ tìm hiểu để hành xử cho hài hòa, thích ứng. Làng bao giờ cũng có hai cổng.

Lối vào trước làng là cổng tiền - nơi phân chia ranh giới giữa đất thổ cư (đất ở, vườn) và đất canh tác (trồng lúa, hoa màu). Lối ra sau làng là cổng hậu - ranh giới giữa đất ở trong làng và nghĩa địa. Cổng tiền thành nơi đi lại, làm việc của người sống; cổng hậu dành để tiễn đưa người chết, hoặc tống cổ những người bị phạt vạ ra khỏi làng. Tất cả những chiếc cổng trên phố Thụy Khuê đều thuộc về cổng tiền.

Sau ngày giải phóng Thủ đô, tháng 10.1954, chiếc cổng làng không còn chức năng bảo vệ sự xâm nhập từ bên ngoài, thế nhưng, người kẻ Bưởi nặng lòng hoài cổ vẫn quan tâm bảo tồn hình hài nguyên thủy của nó. Qua bao nhiêu lần tu bổ, tôn tạo, những chiếc cổng nơi đây vẫn mang dáng vẻ bề thế của một công trình phòng thủ như thuở xưa. Cổng vẫn là cổng tam quan, gồm một lối đi chính ở giữa, hai bên có lối đi phụ. Các cổng đều xây cuốn tò vò, trên có mái che.

Hai bên cổng gắn đôi vế đối bằng chữ Hán, hoặc chữ Nôm, nội dung thường là đúc kết những tinh hoa của làng hay cầu mong những điều tốt lành. Đây là điều đáng mừng bởi ngay ở cả những làng ngoại thành, đang có xu hướng cách tân hóa cổng làng. Cái thì mô phỏng hình dáng Khải Hoàn Môn của nước Pháp, cái thì xây gác như vọng lâu bên Trung Quốc, cái thì đắp gạch men trang trí họa tiết hiện đại, cái thì lắp cánh cổng bằng sắt…

XEM THÊM >> Chị em Hà thành "dốc tiền" mua xơ mít để làm gì?

Ngay bên trong cổng là quán hàng nước, phiên chợ cóc mở hàng sáng mà hàng hóa chủ yếu là thực phẩm dùng trong ngày, mang đậm dáng dấp của đời sống nông thôn xưa. Nếp sinh hoạt phía sau cổng làng dường như cũng chất phác, hồn hậu và thong thả hơn, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ông già đánh cờ, những bà già chải tóc trước hiên, hay tiếng lũ trẻ nô đùa trong sân gạch. Nhiều làng còn giữ được kiến trúc nguyên thủy như làng Yên Thái với con đường lát gạch nghiêng dài gần 300 mét. Điều đáng trân trọng là, qua nhiều lần phải đào xới phục vụ cho việc cải tạo lại hệ thống điện, nước nhưng dân làng hết sức bảo vệ nguyên trạng con đường đã hơn trăm tuổi này.

Cùng với cơn lốc đô thị hóa, những ngôi nhà trong 5 làng của kẻ Bưởi đã khoác lên mình những tấm áo mới, màu mè hơn, nhà cao tầng ngày càng nhiều hơn, kiến trúc “5 gian, 2 chái” dần lùi xa, nhưng sự hiện diện của những chiếc cổng làng còn nguyên vẹn kiến trúc xưa đã mang đến một không gian làng xã ấm cúng cho con phố Thụy Khuê.

S.T