Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc giao nhiệm vụ cho lãnh đạo 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc giao nhiệm vụ cho lãnh đạo 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa
Công Tâm
Thứ năm, ngày 13/03/2025 15:47 PM (GMT+7)
Tại buổi làm việc với 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc yêu cầu các địa phương cần triển khai các nghị quyết liên quan một cách hiệu quả, tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế.
Ngày 13/3, tại Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xuất nhập khẩu, các chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu đạt và vượt mức tăng trưởng năm 2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu.
Báo cáo với đoàn, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa đã xây dựng và ban hành kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Các nội dung chủ yếu như: Tăng trưởng GRDP đạt 10,5%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 96.682 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2024; thu ngân sách nhà nước ước đạt 24.532 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2024; kim ngạch xuất khẩu đạt 2.198 triệu USD; khách du lịch quốc tế đạt khoảng 5,2 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 6,6 triệu lượt.
Ông Tuân cho biết thêm, hai tháng đầu năm 2025, tình hình kinh tế Khánh Hòa tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, tốt hơn so với cùng kỳ năm 2024.
Hai tháng đầu năm sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, tổng sản lượng thủy sản được trên 19.628 tấn tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch đạt trên 10.362 tỷ đồng, tăng trên 27% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu.
Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát được địa phương triển khai quyết liệt. Đến thời điểm hiện nay, đã hoàn thành sửa chữa 797 nhà/1.407 căn theo kế hoạch của tỉnh được phê duyệt.
Hiện nay, Khánh Hòa đang tập trung giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư để giải phóng tối đa các nguồn lực đang còn tồn đọng cho tăng trưởng và phát triển.
Tỉnh Khánh Hòa đề xuất trung ương điều chỉnh quy hoạch tỉnh và bổ sung chỉ tiêu đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản, chỉ tiêu đất khu công nghiệp; bổ sung dự án nhà máy điện LNG Vân Phong 2 vào quy hoạch điện VIII, kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII và nghiên cứu quy hoạch hình thành trung tâm điện sạch quốc gia đặt tại khu kinh tế Vân Phong.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, phấn đấu tăng trưởng GRDP toàn ngành nông, lâm ngư nghiệp năm 2025 từ 3,6 - 3,8%. Trong thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao như: Dừa, bưởi, xoài, hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất chuyên canh tập trung gắn với chuỗi sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Về chăn nuôi tập trung phát triển vật nuôi chủ lực (bò thịt, lợn và gia cầm).
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Định kiến nghị về việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 58/NQ -CP của Chính phủ; đề nghị trung ương xem xét có ý kiến đối với các bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp phối hợp để hạ giá thành vé máy bay ở mức hợp lý và ổn định để giúp nâng cao tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng.
Khánh Hòa là địa phương có thế mạnh để phát triển trong lĩnh vực du lịch
Đến nay, các tỉnh Nam Trung Bộ đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 theo Nghị quyết số 25/2025 của Chính phủ. Cụ thể, tỉnh Bình Định tăng trưởng 8,5%, tỉnh Phú Yên 8%, tỉnh Khánh Hòa 10,5%. Trong số các tỉnh, có Khánh Hòa duy trì đà tăng trưởng năm thứ 4 đạt 2 con số.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc biểu dương sự nỗ lực của các tỉnh trong việc xây dựng và thực thi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương. Các địa phương cần triển khai các nghị quyết liên quan một cách hiệu quả, tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương phải quyết liệt, sáng tạo, phát triển quy mô kinh tế tỉnh theo hình thức chung tay giữa đơn vị, bộ, ngành và sự quyết liệt của người đứng đầu địa phương, gói gọn trong 5 nội dung chính. Đó là: Tăng trưởng kinh tế; Phát triển mảng nhà ở xã hội; Thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình xóa nhà tạm cho người nghèo và người có công.
Phó Thủ tướng lưu ý về tình hình đầu tư công, công tác giải ngân. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công, giảm chi phí trung gian. Bên cạnh đó, cần tập trung thu hút đầu tư, đặc biệt là dự án đầu tư có vốn nước ngoài, đầu tư trong nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.