Phó Thủ tướng: Hoàn thành cao tốc Trung Lương – Cần Thơ vào năm 2019

Thứ sáu, ngày 10/03/2017 15:24 PM (GMT+7)
Sáng nay 10.3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra thực địa tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ và chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành toàn tuyến vào năm 2019.
Bình luận 0

img

Phó Thủ tướng kiểm tra thực địa tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. (Ảnh: VGP)

Giải quyết nhanh thủ tục đầu tư

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra, thị sát đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, một số nút giao trên tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Tại cuộc làm việc ngay sau đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu báo cáo tổng quan về Mạng lưới giao thông vận tải đường bộ khu vực ĐBSCL và Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Theo Quy hoạch phát triển giao thông đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng năm 2030, mạng lưới đường bộ khu vực ĐBSCL gồm các trục dọc và trục ngang. Trục dọc gồm các tuyến N1, N2 (đường Hồ Chí Minh), cao tốc TP.HCM-Cần Thơ và tuyến Quản Lộ-Phụng Hiệp, Quốc lộ 1, các trục Quốc lộ 50, 60. Trục ngang gồm các tuyến Quốc lộ 62, 30, 53, 91, 80 và tuyến Nam sông Hậu.

Riêng về hệ thống đường cao tốc hiện có 91 km đoạn đang khai thác (TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây, TP.HCM-Trung Lương), 106 km đang thi công xây dựng (Bến Lức-Long Thành, Trung Lương-Mỹ Thuận) và 24 km đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ đang chuẩn bị đầu tư. Ngoài ra còn một số đường cao tốc theo quy hoạch, bao gồm Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài 200 km, Hà Tiên-Rạch Giá-Bạc Liêu dài 225 km và Cần Thơ-Cà Mau dài 150 km.

Tại cuộc làm việc, chủ đầu tư, nhà thầu cũng đã kiến nghị nhiều giải pháp để rút ngắn thời gian thi công; kiến nghị điều chỉnh mức, thời hạn thu phí, kiến nghị các ngân hàng ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn để đảm bảo tiến độ, hiệu quả đầu tư.

Đại diện NHNN cho biết, do thời gian vay vốn dài (từ 11-20 năm), trong khi đó nguồn vốn huy động trong nước phần lớn (70%) là ngắn hạn, nên các ngân hàng thương mại sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi quyết định cho vay. Quan điểm của NHNN là trao tự chủ cho các ngân hàng thương mại trong việc quyết định cho vay đối với các dự án BOT. Đại diện NHNN cũng đề nghị chủ đầu tư làm việc thêm với các ngân hàng thương mại để đa dạng nguồn vốn, đảm bảo cân đối khả năng chi trả.

Trước yêu cầu cấp bách của đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận – Cần Thơ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đã kiến nghị với Chính phủ nhiều giải pháp để giải quyết nhanh thủ tục đầu tư, sớm đưa toàn tuyến cao tốc Sài gòn – Cần Thơ vào khai thác.

Rút ngắn tiến độ

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, việc ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng GTVT trên cả nước, đặc biệt là khu vực ĐBSCL thời gian qua đã góp phần quan trọng góp phần phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng địa phương, các khu vực và cả nước.

img

Phó Thủ tướng nhấn mạnh 4 yêu cầu tiên quyết đối với việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ là: Tiến độ, an toàn, chất lượng và hiệu quả. (Ảnh: VGP)

Tuy nhiên, hạ tầng GTVT vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Trục cao tốc xương sống kết nối TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL; các trục cao tốc ngang chưa triển khai thực hiện được, do đó ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này.

Về hệ thống hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, Phó Thủ tướng cho rằng, tuyến cao tốc TP.HCM đi Cà Mau, trong đó có đoạn cao tốc Trung Lương – Cần Thơ, là tuyến giao thông “xương sống” của khu vực ĐBSCL, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội của cả khu vực. Đồng thời, có vai trò kết nối giữa vùng ĐBSCL với khu vực phát triển năng động nhất của cả nước – vùng TP.HCM

“Việc đầu tư phát triển tuyến cao tốc này sẽ giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 1A, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng hoá và hành khách, giảm thiểu tai nạn giao thông, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân”, Phó Thủ tướng nói.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh 4 yêu cầu đối với Bộ GTVT, chủ đầu tư, các nhà thầu và các đơn vị liên quan, trong đó, tiến độ là yêu cầu đầu tiên.

“Phải nhanh, bởi đây là điểm nghẽn, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống, tính mạng của người dân. Yêu cầu đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận rút ngắn tiến độ 1 năm, đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ rút ngắn tiến độ 2 năm để đưa vào khai thác vào năm 2019”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo an toàn trong quá trình thi công, tuân thủ tuyệt đối quy trình để không gây ô nhiễm môi trường.

Yêu cầu thứ ba được Phó Thủ tướng nhấn mạnh là phải đảm bảo chất lượngdự án, thiết kế kỹ thuật và thi công công trình. “Chất lượng không đảm bảo thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nói. 

Yêu cầu thứ 4 là phải đảm bảo hiệu quả, hài hoà lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

“Nếu làm nhanh công trình thì cũng chính là nâng cao hiệu quả. 4 nội dung này có mối liên hệ chặt chẽ, tuyệt đối không được bỏ qua yêu cầu nào”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên cơ sở 4 yêu cầu này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT tập trung hoàn thiện các thủ tục đầu tư; sớm phê duyệt dự án khả thi, lựa chọn nhà đầu tư đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ, đẩy nhanh tiến độ thi công đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận.

Yêu cầu chủ đầu tư phải chủ động huy động các nguồn lực (vốn, công nghệ, con người…) để đảm bảo hoàn thành công trình đúng tiến độ.

NHNN chỉ đạo các NHTM tích cực tham gia đầu tư các công trình BOT đường cao tốc (nói chung), tuyến cao tốc Trung Lương – Cần Thơ nói riêng. NHNN tháo gỡ khó khăn cho các NHTM, báo cáo những vấn đề vướng mắc với Chính phủ để giải quyết.

Phó Thủ tướng cũng giao UBND các tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, chủ đầu tư, nhà thầu để giải phóng nhanh mặt bằng, góp phần quan trọng giúp đảm bảo yêu cầu tiến độ đề ra với mỗi dự án. 

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 14.678 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT, được triển khai từ năm 2015. Dự án dự kiến triển khai thi công bắt đầu từ quý II năm 2017 và hoàn thành vào quý III năm 2020. Nguồn kinh phí hoàn vốn cho dự án sẽ từ hai nguồn: Thu phí đoạn cao tốc TPHCM-Trung Lương (khoảng 11 năm) và thu phí đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận (khoảng 20 năm).

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng mức đầu tư hơn 6.384 tỷ đồng theo hình thức BOT, đã được phê duyệt đề xuất dự án năm 2016, hiện đang triển khai công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Tiến độ dự kiến triển khai thi công bắt đầu từ quý III năm 2018 và hoàn thành quý III năm 2021. Toàn bộ vốn đầu tư cho dự án là vốn vay thương mại, không sử dụng ngân sách.

Đình Dương (chinhphu.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem