Phong bao lì xì in hình tiền có phạm luật?

Bảo Yến Thứ tư, ngày 02/01/2019 16:58 PM (GMT+7)
Hiện nay, trên các trang mạng xã hội nhiều người rao bán các phong bao lì xì in hình tiền rất giống với tiền do Ngân hàng nhà nước phát hành, việc làm này có trái với quy định pháp luật Việt Nam?
Bình luận 0

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, lì xì mừng tuổi đầu năm là một trong những phong tục tín ngưỡng trong Ngày Tết của người Việt Nam. Hiện nay, thị trường phong bao lì xì đã rất nhộn nhịp với nhiều mẫu mã, hình dáng khác nhau được rao bán.

Đặc biệt, năm nay trên các trang mạng xã hội đang xuất hiện loại phong bao lì xì in hình rất giống với tờ tiền do Ngân hàng nhà nước phát hành. Những phong bao lì xì được in với các mệnh giá khác  nhau như 50.000 đồng, 100.000 đồng, 500.000 đồng.... Việc làm này có trái với quy định pháp luật?

img

Các phong bao lì xì in hình tiền giống như tiền thật.

Nói về vấn đề này, luật sư Trần Tuấn Anh  - Đoàn luật sư Tp. Hà Nội cho rằng: “Việc in hình tiền giống với tiền thật của Việt Nam hay của nước ngoài chỉ với mục đích thay đổi mẫu mã đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Trên bình diện nhằm bảo vệ tiền Việt Nam, Tại khoản 3, điều 3 của Quyết định 130/2003/QĐ-TTg quy định cấm sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, hành vi trong trường hợp này là sử dụng hình ảnh tiền Việt Nam để in ấn lên các bao lì xì mà không phải là sao chụp.

Dưới góc độ của cơ sở in ấn, tại khoản 4, điều 31 của Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật.”

Theo vị luật sư này, thực chất phong bao lì xì là một sản phẩm in không phải xuất bản phẩm. Quy chế pháp lý được quy định tại Nghị quyết 105/2007/NĐ-CP: “Sản phẩm in quy định tại Nghị định này được sản xuất bằng các thiết bị ngành in trên các loại vật liệu khác nhau, không bao gồm: xuất bản phẩm, tiền, giấy tờ có giá, hoá đơn tài chính, séc”. Tuy không có quy định cụ thể trực tiếp điều chỉnh, nhưng như vàng mã cũng in hình tiền Việt Nam và cũng để phục vụ nhu cầu về phong tục tín ngưỡng.

Theo đó, việc in ấn vàng mã được cụ thể hóa với các quy định hướng dẫn: “Việc in sản phẩm vàng mã không được sử dụng nội dung, hình ảnh, họa tiết, màu sắc của tiền Việt Nam và nước ngoài. Kích thước sản phẩm vàng mã (tiền mã) phải lớn hơn hoặc nhỏ hơn tiền Việt Nam, tiền nước ngoài từ 3cm trở lên mỗi chiều và chỉ in một màu, một mặt” (Khoản 2 Điều 8 Thông tư 22/2010/TT-BTTTT). Cơ sở in bên cạnh việc có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định, nếu tham gia in sản phẩm là vàng mã, phải đăng ký loại vàng mã dự định in với Sở Thông tin và Truyền thông sở tại.

"Trở lại quy định của Nghị định 96/2014/NĐ-CP, mặc dù pháp luật chưa có hướng dẫn thế nào là hành vi in ấn, sử dụng hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng. Nhưng với góc độ đánh giá tương tự về tính chất pháp lý với loại hình vàng mã và nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật, cần vận dụng để hiểu đúng bản chất đúng sai của hành vi in hình tiền Việt Nam trên phong bao lì xì. Để từ đó nâng cao nhận thức của người sản xuất, người mua cũng như người bán. Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này có thể từ 40 triệu đến 80 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nếu việc in ấn, sử dụng hình ảnh tiền Việt Nam với mục đích nhằm cho người khác tưởng tiền thật đưa vào giao dịch, lưu thông, thanh toán, trao đổi thì còn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả theo Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015" - Luật sư Tuấn Anh cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem