dd/mm/yyyy

Phòng chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho cây lúa

Tại các tỉnh phía Nam, thực tế đã có hàng chục nghìn ha lúa vụ Hè thu bị nhiễm rầy nâu và trên 8.000ha bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VLXL).

Trước thực trạng trên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) đã phối hợp với Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn TP.Cần Thơ tổ chức diễn đàn Khuyến nông@Nông nghiệp với chủ đề: Biện pháp phòng chống rầy nâu và bệnh VLXL trên lúa tại các tỉnh Nam bộ.

Lãnh đạo Trung tâm, cục, nhà khoa tham dự diễn đàn đến kiểm tra tình hình bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại tại ruộng lúa của nông dân xã Vị Trung (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang).
Lãnh đạo Trung tâm, cục, nhà khoa tham dự diễn đàn đến kiểm tra tình hình bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại tại ruộng lúa của nông dân xã Vị Trung (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang).

Tại Diễn đàn, ông Lê Quốc Cường - Giám đốc Trung tâm BTTV phía Nam, cho biết: Báo cáo của 22 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho thấy, tình hình phát sinh gây hại của rầy nâu và bệnh VLXL trên lúa đang diễn biến phức tạp. Trong vụ Hè thu 2017 này, diện tích lúa nhiễm rầy là 32.790ha (tăng 12.761ha so với cùng kỳ 2016); toàn vùng hiện có 8.291ha nhiễm bệnh VLXL (tăng 8.262ha so với cùng kỳ 2016). Ổ dịch xuất hiện ở các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Tây Ninh và Đồng Nai…

Trước tình hình nguy cơ rầy nâu và bệnh VLXL có khả năng bùng phát, Viện Bảo vệ thực vật khuyến cáo giải pháp áp dụng biện pháp canh tác nên thu dọn tàn dư cây bệnh sau khi thu hoạch, theo dõi bẫy đèn để xác định thời điểm xuống giống hợp lý (né rầy); kéo dài thời gian cách ly giữa 2 vụ tối thiểu 3 - 4 tuần; sử dụng giống xác nhận hoặc giống kháng rầy (nếu có); giảm mật độ sạ (100 - 120 kg/ha), bón phân cân đối (hạn chế bón phân đạm trên diện tích nhiễm bệnh. Bên cạnh việc khuyến cáo sử dụng biện pháp sinh học, phát huy vai trò của quần thể ký sinh thiên địch; biện pháp sử dụng giống kháng, biện pháp sử dụng thuốc hóa học theo từng giai đoạn sinh trưởng của rầy.

Bà Nguyễn Thị Phong Lan - Trưởng bộ môn BVTV Viện lúa ĐBSCL, khuyến cáo: Để phòng chống rầy nâu, VLXL thì mỗi địa phương phải có lịch thời vụ, ấn định khoảng thời gian gieo sạ thống nhất theo hướng dẫn của Cục trồng trọt. Thời gian gieo sạ không kéo dài quá 2 tháng mỗi vụ, tính thời gian giãn cách 3 tuần lễ giữa 2 vụ lúa để cày ải phơi đất. Đồng thời nên áp dụng kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" trong canh tác thâm canh lúa để giảm chi phí giá thành, giảm áp lực sâu bệnh hại, tăng năng suất và chất lượng, hiệu quả sản xuất lúa.

Là địa phương có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống rầy râu, bệnh VLXL, một đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang chia sẻ: Tỉnh lắp đặt 6 bẫy đèn tại các huyện, thị; giao cho các trạm trồng trọt và BVTV cấp huyện thường xuyên theo dõi, báo cáo số liệu hàng ngày để làm cơ sở cho công tác dự tính dự báo, xây dựng lịch thời vụ xuống giống cho từng vụ sản xuất lúa.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Văn Khởi nhấn mạnh: Sau diễn đàn này các địa phương cần chỉ đạo nông dân thực hiện nghiêm túc lịch gieo sạ tập trung, né rầy theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, 1 giảm 5 phải”, quản lý dịch hại tổng hợp, giảm mật độ gieo sạ và lượng phân đạm. Các Chi cục, Trung tâm khuyến nông cử cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, nắm chắt tình hình phát sinh gây hại của rầy nâu, VLXL, để kịp thời có giải pháp phòng ngừa.

XEM THÊM

>> Mẹo diệt sạch sâu đục thân trên cây bằng nước rửa bát...

>> Mẹo đơn giản để diệt sạch côn trùng gây hại

Hồng Cẩm