Phóng viên bị lập biên bản, lấy lời khai như... phạm pháp

Thứ ba, ngày 23/10/2012 06:03 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau khi đại úy Nguyên hẹn bằng miệng, 8 giờ sáng 17.10.2012, PV phải có mặt tại Công an TP.Mỹ Tho trình diện. PV Hữu Danh cho biết: Đúng hẹn, PV có mặt và tiếp tục được lấy lời khai.
Bình luận 0

Từ 8 - 11 giờ ngày 17.10, đại úy Nguyên lấy lời khai với nội dung như tối 16.10. Đại úy Nguyên hỏi tại sao trong máy lại có đoạn phim mát mẻ, PV trả lời do mình tự tải về máy, chứ không truyền bá cho ai.

img
Quy định của Chính phủ về “Phim có nội dung cấm”, và “Địa điểm cấm”.

Lúc 11 giờ ngày 17.10, đại úy Nguyên mới tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính (của hành vi được phát hiện ngày 16.10).

Biên bản ghi: “Vào ngày 16.10.2012 anh Danh có vào Công an TP. Mỹ Tho để lấy tài liệu viết báo. Tuy nhiên do trưởng công an TP.Mỹ Tho bận hẹn gặp ngày 18.10.2012. Sau đó anh Danh có chụp 2 bức ảnh khu vực bàn trực ban của Công an TP.Mỹ Tho. Sau đó lấy thẻ nhớ máy ảnh gắn vào máy tính xách tay. Xét thấy liên quan nên cơ quan công an kiểm tra trên máy tính và phát hiện file xxx có nội dung đồi trụy”. Các hành vi trên vi phạm vào:

- Điểm c, khoản 3, Điều 8 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP

- Điểm k khoản 1, Điều 25 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP.

Lập biên bản xong, PV bị tạm giữ thêm chứng minh nhân dân. Đại úy Nguyên yêu cầu (bằng miệng) chiều 17.10 PV tiếp tục vào trụ sở công an để làm việc.

Trong suốt buổi chiều 17.10, PV tiếp tục trả lời các nội dung cũ. Máy tính và thẻ nhớ tiếp tục được kiểm tra (lần này có sự chứng kiến của chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin, 2 sĩ quan công an khác là Hồ Duy Thượng và Phan Ngọc Thi).

Việc kiểm tra lần này được lập biên bản. Sau đó, đại úy Nguyên vò nát niêm phong cũ và dán lại bằng niêm phong mới.

Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): Đủ căn cứ khởi tố vụ án

Theo những thông tin mà tôi đọc trên báo chí thì phóng viên Hữu Danh (Báo NTNN) đến trụ sở Công an TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) đã đăng ký làm việc và xuất trình đầy đủ giấy tờ, thẻ nhà báo là hoàn toàn đúng với quy định của Luật Báo chí. Ở cổng cơ quan Công an TP. Mỹ Tho không có biển cấm chụp ảnh nên việc phóng viên có chụp ảnh hay ghi hình đi chăng nữa thì cũng hoàn toàn bình thường và đúng pháp luật.

Hơn nữa, cơ quan Công an TP. Mỹ Tho cũng là một trụ sở của cơ quan nhà nước, cổng cơ quan này hay khu vực bàn trực ban cũng không phải là những nơi cần phải giữ bí mật về hình ảnh. Vì thế việc phóng viên chụp ảnh, quay phim ở những nơi này không có gì là vi phạm pháp luật cả. Cán bộ của Công an TP. Mỹ Tho có thể mời phóng viên vào làm việc và đề nghị không đăng những bức ảnh đó lên báo. Tuy nhiên, đơn vị này lại lợi dụng việc đó để khám xét thẻ nhớ, máy ảnh, laptop của nhà báo khi không có lệnh khám xét là vi phạm pháp luật”.

Luật sư Trần Đình Triển nói thêm: “Máy tính, máy quay camera là những tài sản có giá trị không nhỏ mà thu giữ của nhà báo khi không có lệnh, không có biên bản tạm giữ là vi phạm pháp luật. Không phải ai cũng có thể ngang nhiên khám xét, thu giữ tài sản của người khác. Trong việc này có 2 hành vi vi phạm của Công an TP. Mỹ Tho. Một là khám xét đồ vật của nhà báo không có lệnh. Hai là thu giữ phương tiện tác nghiệp của nhà báo đang đi làm việc không có lệnh. Hai việc đó đủ yếu tố để khởi tố vụ án và xử lý. Cần phải xử lý nghiêm để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người cán bộ công an, nâng cao uy tín của cơ quan công an đối với nhân dân".

Cuối cùng, luật sư Trần Đình Triển khẳng định: "Trong laptop của phóng viên không có những tài liệu thuộc bí mật quốc gia mà chỉ có những tài liệu mang tính chất đời tư thì đó là quyền bí mật đời tư của họ. Trong luật chỉ cấm phát tán văn hóa phẩm đồi trụy, còn việc giữ một đoạn clip sex nào đó là hết sức bình thường. Phóng viên Hữu Danh không bị bắt quả tang mua, bán, sử dụng clip đó với mục đích phát tán mà chỉ lưu giữ để phục vụ cuộc sống riêng thì việc làm đó không vi phạm pháp luật. Giống như nhiều người lưu giữ ảnh khỏa thân của mình hay của vợ, của người yêu mình cũng là chuyện bình thường".

Luật sư Trịnh Anh Dũng (Văn phòng Luật sư Trịnh - Đoàn Luật sư Hà Nội): Nhiều hành vi trái pháp luật

Việc Công an TP.Mỹ Tho dựa vào lý do nghi ngờ phóng viên đã chụp ảnh để yêu cầu anh quay lại trụ sở làm việc là lý do không có căn cứ, trái pháp luật. Sau đó lại tiếp tục giữ phóng viên từ 16 giờ 10 đến tận khuya lại không có văn bản hay quyết định tạm giữ người là một hành vi trái pháp luật nữa. Điều 122 của Pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính quy định: “Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người tạm giữ một bản”. Thế nhưng theo tường trình của phóng viên Hữu Danh thì anh không có quyết định tạm giữ nào, không ai tống đạt, nhưng anh vẫn phải ở trong trụ sở công an nhiều giờ. Đó là việc nằm ngoài mong muốn và ý chí của anh.

Tiếp đến, cán bộ Đội phó Đội An ninh điều tra tiến hành khám người và giữ một số phương tiện tác nghiệp của phóng viên. Việc khám xét người và tạm giữ phương tiện, tang vật cũng được Pháp lệnh quy định cụ thể. Trước khi khám người, người khám phải thông báo quyết định cho người bị khám biết. Khi khám người phải có người cùng giới chứng kiến. Trong mọi trường hợp đều phải được lập biên bản. Theo tường trình của phóng viên, việc khám xét của Công an TP. Mỹ Tho đối với phóng viên Hữu Danh như vậy là không đúng quy định. Tương tự là hành vi giữ laptop và thẻ nhớ máy ảnh cũng là vi phạm, bởi không hề có biên bản hay quyết định nào".

(còn nữa)

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem