Phút lặng im trên biển...

Hoàng Thành An Chủ nhật, ngày 10/02/2019 10:09 AM (GMT+7)
Giữa trùng khơi Trường Sa, bên cạnh những người lính hải quân, những người dân sinh sống bám đảo, bám biển canh giữ chủ quyền Tổ quốc, còn có những con người đã ngã xuống, mãi mãi ngủ yên dưới tầng sóng lạnh. Xương cốt các anh cũng đã hóa đá san hô, máu đào các anh đã hòa vào biển mặn… nhưng những khát khao, hoài bão bảo vệ, giữ vừng chủ quyền biển đảo quê hương của các anh mãi trường tồn, bất tử.
Bình luận 0

Những hy sinh thầm lặng

Câu chuyện giữa tôi và anh Hoàng Văn Xuân – Trạm trưởng Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa liên tục bị ngắt quãng bởi anh phải truyền số liệu về đất liền. Hàng ngày, anh Xuân và đồng nghiệp của mình phải thu thập thông tin dữ liệu khí tượng, thời tiết, hải văn khu vực Trường Sa 24/24 giờ rồi truyền về đất liền. “Cứ cách 3 tiếng thì lại truyền về đất liền. Những khi có biển động thì khoảng 30 phút phải cập nhật dữ liệu” – anh Xuân cho hay.

img

Thắp hương cho các liệt sỹ những ngày cuối năm. Ảnh: Thành An

Để có được ngày nay là nhờ có những công lao và sự hy sinh vô bờ bến của các Anh hùng liệt sỹ đã nằm lại nơi đây. Để xứng đáng với công lao và sự hy sinh cao cả đó, thế hệ hôm nay và mai sau sẽ mãi giữ yên biển, trời đất mẹ, giữ vững Quần đảo Trường Sa của Tổ quốc". Thượng tá Lương Xuân Giáp - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Hải quân Vùng 4

Mỗi năm ở Trường Sa chịu 3-4 cơn bão. Bất kể đêm hay ngày, bão lớn hay  nhỏ, anh Xuân và 4 đồng đội của mình đều phải ra ngoài trời để thu thập thông tin gửi về phục vụ công tác phân tích để dự báo, cảnh báo thời tiết. Càng những lúc sóng to, gió lớn, nguy hiểm rập rình càng phải ra ngoài để làm nhiệm vụ. Cũng trong một ngày như thế, vào giữa lúc thời tiết khắc nghiệt nhất, sóng cuộn cao vút, gió rin rít, anh Hoàng Văn Nghĩa vẫn ra biển làm nhiệm vụ. Trong lúc đang đo độ mặn và mực nước biển, sóng biển bất ngờ ập đến cuốn anh đi. Anh đã mãi mãi nằm lại trong lòng biển quê hương.

Gần nhất, nhưng may mắn không ai gặp nạn, khi cơn bão số 16 quét qua đảo làm cây cối đổ gãy, nước ngập hàng mét. Các nhân viên ở trạm phải rất vất vả mới thu thập, đưa dữ liệu về kịp thời. "Chúng tôi đều xác định làm việc ở đây sẽ rất vất vả nên lúc nào cũng đoàn kết, gắn bó để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tấm gương của đồng chí Nghĩa là động lực để anh em trong đơn vị cố gắng, nỗ lực hơn trong công việc và cuộc sống" - anh Xuân trải lòng.

Là người gắn bó lâu năm với trạm, với đảo, mọi gian khổ, cách xa đối với anh Xuân dường như đã trở thành những điều rất đỗi bình thường. Khi được hỏi liệu có gắn bó lâu dài với công việc này ở đảo Trường Sa không, chẳng cần suy nghĩ lâu, anh Xuân quả quyết: "Nếu còn sức khoẻ và đơn vị điều động thì tôi sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ của mình. Làm việc ở đảo là cả một niềm tự hào vì ngoài công việc chuyên môn, chúng tôi còn được góp một phần nhỏ bé của mình để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc".

Trong hải trình thăm, tặng quà và chúc tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa, tôi còn chứng kiến nhiều câu chuyện về những người lính đã mãi mãi nằm lại với biển, với đảo. Khi đến mỗi điểm đảo, chúng tôi lại lặng mình trước anh linh các anh – những người đã ngã xuống vì chủ quyền của Tổ quốc nơi hải đảo xa xôi. Những hy sinh thầm lặng của các anh khiến chúng tôi phải suy ngẫm.

Trước ban thờ liệt sĩ Nguyễn Quốc Huy trên đảo Thuyền Chài B, tôi cũng như tất cả những người trong đoàn công tác không khỏi xúc động trước hành động của anh. Đã hơn hai mươi năm trôi qua, liệt sĩ Nguyễn Quốc Huy vẫn ở đâu đó, sát cánh cùng đồng đội. Hình ảnh một chiến sĩ hiền lành, điềm đạm, dũng cảm đương đầu với những cơn sóng giữ để giữ biển, giữ đảo vẫn được các cán bộ, chiến sĩ trên đảo truyền tai cho nhau nghe để tiếp thêm động lực và sức mạnh.

Thượng úy Nguyễn Quốc Huy hy sinh năm 1997 khi đang là Điểm trưởng đảo Thuyền Chài B. Ngày đó, đồng chí Điểm phó bơi ra cắm bia để anh em tập luyện thì bị sóng cuốn, hụt hơi. Thấy thế, Thượng úy Nguyễn Quốc Huy bất chấp nguy hiểm bơi ra để cứu giúp đồng đội. Sau khi cứu được đồng đội vào bờ, anh hụt hơi, không thể chống chịu lại cơn sóng dữ… cứ thế, cứ thế sóng cuốn anh đi vĩnh viễn không quay trở lại. Từ đó, các đồng đội lập ban thờ trên đảo để tưởng nhớ.

Tổ quốc ghi công

img

Mỗi khi có dịp qua đảo Thuyền Chài, cán bộ, chiến sĩ và ngư dân lại dành thời gian nhất định tưởng nhớ cho các liệt sĩ. Ảnh: Thành An

Con tàu KN 491 lướt sóng tiền gần về đảo Thuyền Chài C. Trên boong, phóng tầm mắt hướng về đảo, chúng tôi nhìn thấy một hình hài như chiếc tàu cũ, nằm giữa bãi san hô.

Tại điểm đảo Thuyền Chài C, từ ngôi nhà cao chân kiên cố chúng tôi nhìn thấy một chiếc tàu cũ, gỉ sét nằm giữa bãi san hô ở phía xa. Thượng tá Lương Xuân Giáp – Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết, đó là chiếc pông tông cũ. Mang biểu tượng là cột mốc chủ quyền đầu tiên mà quân đội Việt Nam đặt chân lên Thuyền Chài.

Đầu tháng 3.1987, trước tình hình biển Đông có những diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của cấp trên lực lượng Lữ đoàn 146, Hải quân Vùng 4 phối hợp với các đơn vị chức năng kéo chiếc pông tông trên từ đất liền ra khơi rồi “phi thẳng” lên đảo Thuyền Chài để khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Thời kỳ đó, vì chưa có điều kiện xây dựng nhà kiên cố nên trong suốt nhiều năm, pông tông này chính là nơi ở và cũng là căn cứ chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ của ta.

Trải qua hơn 30 năm giữa biển khơi, ngâm mình trong sóng, gió chiếc pông tông đã nhuốm “màu thời gian” nhưng vẫn sừng sững, hiên ngang khẳng định “biển này là của ta, đảo này là của ta”.

Không chỉ ở đảo Thuyền Chài, ở các đảo khác như Đá Đông, Sinh Tồn, Nam Yết, Trường Sa Đông... những pông tông, những “xác xe tăng” mà những người lính năm xưa đặt lên để khẳng định chủ quyền vẫn còn đến ngày nay. Chúng như những nhân chứng lịch sử cho ý chí, quyết tâm của những người lính năm xưa. Và cũng là lời nhắc nhở, khích lệ tinh thần các cán bộ, chiến sĩ tiếp nối.

Những ngày cuối năm, khi tết đến xuân về, trước lúc rời đảo về với đất liền, chúng tôi đến thắp hương tại Đài Tưởng niệm liệt sĩ ở đảo Trường Sa lớn. Cùng với những khu tưởng niệm khác như Gạc Ma, Nam Yết, Đài Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa đã trở thành công trình tâm linh thiêng liêng, là chốn tĩnh tâm sâu sắc nhất khiến tất cả những người đến đây đều bùi ngùi xúc động.

Không những vậy, ở Trường Sa, bên cạnh nghĩa trang vĩnh hằng còn có những “nghĩa trang tạm”, nơi còn đó phần mộ của những ngư dân chẳng may gặp nạn trên biển.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem