Phút trải lòng của nữ nghệ sĩ với bộ môn múa cột nghệ thuật

Hà Trang Chủ nhật, ngày 16/01/2022 13:04 PM (GMT+7)
Động tác di chuyển cơ thể thuần thục, khéo léo, kết hợp với những điệu múa mềm mại, duyên dáng như đang bay lượn giữa không trung, thật khó tin người phụ nữ “cheo leo” trên chiếc cột cao hơn 3 mét ấy đã bước sang tuổi 31.
Bình luận 0

Với chị Lê Thu Trà (31 tuổi), múa cột từ lâu đã không còn chỉ là một bộ môn nghệ thuật mà đã trở thành một phong cách sống, một thành tựu đánh dấu bản thân vượt qua chính mình.

Đến với múa cột còn hơn cả một chữ “duyên”

Múa cột là bộ môn nghệ thuật mà người biểu diễn sẽ tạo dáng, thực hiện các động tác và bước nhảy xung quanh một cái cột. Nói một cách hoa mỹ, đây chính là “nghệ thuật kể chuyện không lời nói”, thay vào đó là các chuyển động cơ thể đầy uyển chuyển, khéo léo và mềm mại của người nghệ sĩ. 

Nữ huấn luyện viên với đam mê cháy bỏng dành cho nghệ thuật múa cột. Video: Hà Trang

Theo đuổi bộ môn nghệ thuật múa cột từ năm 2014 và chị Lê Thu Trà hiện đang là huấn luyện viên giảng dạy tại Thu Lê Aerial Art (Hà Nội). Hơn bảy năm theo đuổi múa cột đã là một con số đáng nể nhưng ít ai biết, Trà đã học múa từ nhỏ và tiếp xúc với nghệ thuật “ngót nghét” gần hai thập kỷ. 

Là con nhà “nòi”, gia đình có truyền thống về ballet và múa rối nước nhưng bằng tất cả đam mê và sức trẻ khi ấy mà trong suốt nhiều năm liền Trà đã lựa chọn cho mình con đường gian nan hơn các bạn đồng trang lứa khi học văn hóa song song với việc học thêm nghệ thuật. 

Thu Trà đã tiếp xúc với nghệ thuật múa cột “ngót nghét” gần hai thập kỷ.

Thu Trà đã tiếp xúc với nghệ thuật múa cột “ngót nghét” gần hai thập kỷ. Ảnh: Hà Trang

Có một tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và dám xông pha, trải nghiệm hết mình với nhiều ngành nghề trước khi đến với múa cột nhưng khi nghĩ lại, người nghệ sĩ ấy vẫn tiếc nuối: “Tuổi trẻ đáng giá vô cùng. Ước gì ngày trước mình làm được nhiều điều hơn thế nữa”.

Những động tác múa cột uyển chuyển, mềm mại, đầy tính nghệ thuật của chị Thu Trà.

Những động tác múa cột uyển chuyển, mềm mại, đầy tính nghệ thuật của chị Thu Trà. Ảnh: NVCC

Trà đến với bộ môn nghệ thuật kén người học này và quyết tâm theo đuổi nó từ lúc ở Việt Nam vẫn còn rất hiếm người biết và theo học, chưa nói đến chuyện lựa chọn múa cột làm nghề “kiếm cơm”. Nếu như không vì quá yêu thích và “liều” mình khi dám nghĩ, dám làm để dấn thân vào nghiệp này thì có lẽ giờ đây, Trà đã trở thành một giám đốc marketing với gần 10 năm kinh nghiệm trong ngành fitness hoặc một cô giáo tiếng Anh với tấm bằng cử nhân Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Không còn là một cái nghề mà nó đã trở thành phong cách sống”

Đó là điều đầu tiên Trà trải lòng khi nói về múa cột. Bộ môn nghệ thuật này có 3 dòng chính là Pole Art (múa cột nghệ thuật), Pole Sport (múa cột thể thao) và Pole Exotic (múa cột quyến rũ). Ở Việt Nam, khi nhắc tới “múa cột” thì đa phần mọi người sẽ nghĩ ngay tới những điệu múa sexy trong các quán bar, vũ trường, hộp đêm... tức là đang nhắc tới Pole Exotic. Bởi vậy mà các nghệ sĩ múa cột sẽ không tránh khỏi những cái nhìn tiêu cực, những phán xét phiến diện về nghề.

Bảy năm “bay lượn” trên không với những điệu múa đẹp đẽ và đầy nghệ thuật bên chiếc cột, Trà xác định: “Dù cho bản thân có theo đuổi bất cứ ngành nghề gì đi nữa thì cũng sẽ có người thích mình lẫn người không thích mình. Là người có duyên, có đam mê và muốn theo đuổi nghề lâu dài thì mình phải tự biết cách bảo vệ bản thân thôi”.

Độ ma sát của da và cột là yếu tố chủ chốt nên trang phục khi biểu diễn của các nghệ sĩ múa cột thường ngắn, bó sát cơ thể, thường để hở các vùng da ở một số bộ phận như đùi, hai cánh tay và eo. Với Trà, những bình phẩm mang tính tiêu cực về hình thể, trang phục,... khi múa cột không còn khiến chị quá bận tâm và buồn phiền về nó. Thay vào đó, nữ nghệ sĩ luôn biết cách nhìn nhận mọi vấn đề theo hướng tích cực và thậm chí, chị còn là người truyền “lửa” cho các học viên của mình về một sống lành mạnh, tràn đầy năng lượng, biết cách tự yêu thương và làm đẹp cho bản thân từ trong ra ngoài.

Cheo leo cơ thể trên chiếc cột, nữ nghệ sĩ như đang “bay lượn” giữa không trung

Cheo leo cơ thể trên chiếc cột, nữ nghệ sĩ như đang “bay lượn” giữa không trung. Ảnh: NVCC

Thành lập phòng tập vào đúng khoảng thời gian dịch Covid-19 hoành hành nên đến nay, Trà đã phải chuyển địa điểm tới lần thứ 4 vì các gánh nặng về chi phí thuê mặt bằng, dụng cụ tập luyện,... Thêm nữa, vì đặc thù là môn thể thao mạo hiểm nên học viên gần như không thể học online mà phải tới tận studio tập luyện để tránh việc tập sai kỹ thuật gây nên chấn thương. Do vậy, cứ mỗi lần dịch bệnh căng thẳng phải giãn cách xã hội là học viên sẽ bị ngắt quãng khóa tập. 

Phút trải lòng của nữ nghệ sĩ với bộ môn múa cột nghệ thuật - Ảnh 5.

Là người luôn tích cực nhưng khi đối diện với những khó khăn chồng chất sẽ khiến Trà không khỏi “quá tải” và stress. Những lúc như vậy, Trà tâm sự: “Chính học viên là người truyền “lửa” lại cho mình. Mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh sống khác nhau và khi tìm đến với múa cột, họ đem lại cho mình thêm những động lực trong cuộc sống. Thậm chí khi bước ra khỏi phòng tập, có những học viên còn trở thành “tri kỷ” của mình. Vậy nên mình trân trọng các học viên vô cùng”.

Múa cột không chỉ là một môn thể thao nghệ thuật mang tính đẹp đẽ về hình thức mà còn đem đến cho người tập luyện những lợi ích về sức khỏe, hình thể lẫn các kiến thức mới về chế độ dinh dưỡng, lối sống tích cực,... Ngần ấy năm theo nghiệp, Thu Trà khiêm tốn chia sẻ rằng thành tựu khiến chị tự hào nhất về bản thân là vượt qua chính mình và đã đem lại được cho nhiều người những giá trị to lớn về sức khỏe. 

“Sau khi các học viên tìm đến với múa cột, mọi người nhìn mình và nhìn về bộ môn này với một thái độ tích cực, lành mạnh chứ không hề phiến diện hay tiêu cực. Đó là điều mà mình cảm thấy vô cùng biết ơn.” - Nữ nghệ sĩ trải lòng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem