Biết thế…
Nhớ lại, dễ thường đã hơn năm có lẻ, vợ chồng lão bán ngôi nhà ở phố thị rồi về quê. Căn hộ tuy trong ngách, nhỏ thôi, nhưng bán đi cũng được cục tiền. Lão cầm tiền về quê, bảo ông anh cả đang có đồi vườn còn rộng, xẻ cho lão một miếng. Ông anh đồng ý. Thế rồi, lão nhờ anh em con cháu thuê thợ làm nhà, sân, vườn. Đúng là mạnh vì gạo bạo vì tiền. Già ba tháng, ngôi nhà nho nhỏ, xinh xinh lợp ngói mũi hài, hiên nhà rộng, ăn xuống một cái bếp liền nhà tắm khép kín đã tinh tươm. Thế là xong. Có ai đâu, chỉ vợ chồng lão ở, còn vợ chồng đứa con lão, chúng nó ở phố, chứ đời nào chịu về quê.
Lúc mới có ý định về quê ở, lão đưa ra bàn bạc với cả nhà.
Vợ lão bảo anh tính kỹ đi nhé, kẻo sau có chuyện gì lại trách em không nói. Em thì sống đâu cũng được. Chỉ sợ anh thôi. Thường cái người gốc gác ở quê, xa quê, lúc trở về quê lại khó sống, chứ hẳn người gốc phố như bọn em thì lại dễ. Mỗi khi về cứ gặp ai cũng cười tươi, chào to, thế là xong chứ gì. Còn anh về thì nào quan hệ họ hàng xóm giềng, bạn xưa bạn học, việc làng việc họ, rồi các công việc đám thứ miên man, mình không có mặt, người ta lại cho là mình khinh người. Mà người nhà quê thì hay chấp…
Thằng lớn của lão bảo tùy bố nhé. Cái nhà bây giờ tuy bé thôi, nhưng giữ thì khó chứ bán thì lúc nào cũng OK. Sợ nhất là bố mẹ về quê, rồi lỡ có chuyện gì, khéo không có đường trở lại đâu đấy.
Lão San nghe thế, lừ mắt. A, ra chiều ý mày nói bố mày không có cơ hội ở với chúng mày lúc về già chứ gì… Nghĩ thế, nhưng không nói ra. Lão bảo, tao bán cái nhà này đi, về quê xây cái nhà nho nhỏ, quá lắm cũng chỉ hết nửa số tiền. Còn lại tao gửi tiết kiệm, hàng tháng lấy lãi ra tao với mẹ mày sống phong lưu, chả phải lo gì. Ngày ngày nằm khểnh đọc sách, trồng hoa, hít thở không khí trong lành giữa thiên nhiên cho nó khỏe.
Thằng lớn cướp lời, bố nhầm, không có “khái niệm” trong lành đâu nhé, bố không thấy mỗi lần về quê, bố có dám mua rau, mua cá ở quê ăn không? Rồi thuốc trừ sâu thuốc diệt cỏ phun tràn lan, lọ chai bao bì đựng thuốc vứt đầy ngoài bờ ruộng, rác thải thì cứ xả ra bờ sông vô tội vạ… Bố cứ như trên mây ý.
Lão bảo bây giờ dân tình cũng có ý thức hơn rồi, đâu mãi thế được. Chứ mày tính, sống ở đây tắc đường, kẹt tàu xe, hiệu ứng nhà kính, đô thị, bụi mịn, tiếng ồn, tia cực tím… Tuổi thọ chắc chắn giảm. Mà bệnh tật thì lúc nào cũng đầy mình.
Bà vợ nghe hai bố con tranh luận, thở dài. Lúc sau bà bảo về quê mà không phải bán nhà ở đây là phương án an toàn nhất. Hưu quê hay hưu phố, chắc gì đã hơn nhau.
Cuối cùng thì lão San đã tính gần đúng theo bài của vợ: Bán nhà, số tiền chia 3, phần xây nhà ở quê, phần mua một căn hộ bình dân chung cư tại phố, phần nhỏ nhất gửi tiết kiệm phòng thân. Kể như thế cũng là ổn. Cái ý thích người Việt mình thường khi còn làm việc thì ở phố, khi hưu thì trở lại quê, thậm chí muốn chết ở quê. Mình gốc gác ở đó, tình máu mủ ruột rà, tình làng nghĩa xóm từ tấm bé, chết quê bao giờ cũng có phần thật lòng hơn, ấm tình hơn. Lão chỉ là một trí thức quèn, về hưu muốn trở về làng cho nó an lành. Nghĩ là nghĩ vậy.
***
Ngày ông bà cụ sinh ra lão vẫn còn, mỗi lần về thăm nhà, lão thấy dân quê mình vẫn còn nặng về ăn uống quá. Hơi một tí gì cũng có thể động mâm động bát được. Bảo giỗ chạp tết nhất cưới xin dựng nhà đã đành. Đằng này, mua cái xe máy cũng ngả vài ba mâm. Ốm nằm viện, khi ra viện cũng vài ba mâm, mặc dù tiền lo đi viện đã cạn, đã phải vay mửa mật ra rồi. Không làm vài ba mâm ư? Thế lúc ốm nằm đấy, ai đưa đi viện? Khi nằm viện thì ai đến thăm? Khi cả nhà xúm vào lo người ốm thì lúa vào kỳ gặt, không ai giúp để mọc mầm hết ngoài ruộng à… Vậy không có vài ba mâm, dăm bảy lít rượu thì có mà ra mặt mo. Rồi thì mỗi khi đi đâu xa về, đi du lịch vài ba ngày về, con đỗ đại học, con mới xin việc xong, hay đơn giản hơn, nhà có con chó ốm, con lợn ươn cần thịt (chứ để chôn đi nó phí), nhà tát ao cá… tất tật cứ là đánh chén. Rồi lại tính mời những ai, không mời những ai là cả câu chuyện nhiêu khê. Mời người này, bỏ người kia, hoặc để sót, ôi thôi, người ta bóng gió cho thì nhục. Loại người chỉ biết đi ăn mòn đũa bát nhà người ta nhưng có biết mời ai đâu…
Trước hôm lên nhà mới ít ngày, lão San gọi bác cả, năm nay đã ngoài 70 rồi, bác hai cũng đã ngót tuổi ấy, lên bàn bạc xem mời những ai, làm bao nhiêu mâm, cỗ kiếc thế nào. Đầu tiên lão ngồi ghi danh sách. Chỗ nào bác cả không nhớ thì bác hai nhớ. Chớ bỏ sót là phiền lắm. Vâng, cái thằng này thì em thôi không mời. Sao không? Nó tuy cùng học với em từ bé, nhưng có thân thiết gì đâu. Cả năm chả gặp nhau. Gặp nhau cũng hỏi thào cái, làm gì phải mời. Bác cả nhăn mặt bảo, chú đi xa không biết chứ, ngày bố mình còn sống, chú ấy hay vào thăm lắm, mỗi khi ốm đau, những lần tết nhất. Mà anh cũng thân với chú ấy, cho nên theo anh, chú phải mời. Vâng! Thế còn cái ông này, lạ hoắc lạ hơ, mời làm gì? Bác hai bảo, ơ cái chú này, chả biết gì. Nó không là gì với chú nhưng hiện giờ nó làm trưởng thôn. Chú về làng sống, không cầu cạnh đến nó thì sống với ai. À ra thế. Vâng! Thế còn cái trường hợp này?... Bác hai nhanh nhảu, nó là thằng bán thịt lợn đầu làng. Cả làng mua chịu của nó đấy. Rồi đến mùa mới lại bán thóc lấy tiền hoặc quy đổi ra thóc để trả cho nó. Chú tính chứ nhà quê đồng tiền nó khó, đâu phải lúc nào cũng có. Vâng thì mời!... Ghi ghi chép chép một lúc, lão San chán quá bảo, thôi em xin nghe hai bác, các bác tự ngắm nghía mời giúp em, thấy ai cần thì mời, đông cũng không sao, chẳng qua là thêm bát thêm đũa chứ gì, hỏi em mệt lắm.
Rồi thì bữa tân gia cũng xong xuôi vui vẻ. Mua cả con lợn nhơ nhỡ về mổ. Mấy thằng cháu trong họ tự làm. Chúng thạo lắm. Từ chọc tiết, mổ xẻ, pha thịt, giã giò, tiết canh lòng lợn cứ gọi là chạy băng băng. Lão San chả phải làm gì ngoài cái việc tay bắt mặt mừng, cầm chén rượu đi mời chiếu lệ từng mâm một. Cỗ diễn ra buổi trưa. Buổi tối lại ba mâm cỗ vét. Lại anh em con cháu tưng bừng đến khuya mới tan. Hôm trước San dặn vợ, em cứ cười tươi chào hỏi thôi, chứ đừng góp ý hoặc tham gia vào bất cứ việc gì nhé. Ở quê, em biết đấy, người ta nấu nướng, ăn uống khác mình nhiều lắm. Món nào ăn em cũng cứ khen ngon cho anh. Ừ thì khen, tưởng gì chứ món khen thì dễ ợt. Lâu nay chả vẫn thế à! Vợ cười.
***
Vài ba tháng đầu, cuộc sống nơi thôn quê cũng tạm gọi là êm đềm. Cứ vài ba ngày, vợ lão lại tà tà xe máy lên chợ trung tâm xã mua thức ăn một lần. Ban đầu phải đi cùng với mấy bà chị dâu hoặc mấy đứa cháu, kẻo sợ ma cũ bắt nạt ma mới. Dần dần đi mãi cũng thành quen. Vợ lão bảo, các thứ ở quê rẻ lắm, nên em cũng chả nỡ mặc cả, họ bảo bao nhiêu mình trả bấy nhiêu, so với ở nhà mình vẫn còn rẻ chán. Lão bảo không nên thế, mặc dù chả đáng là bao, nhưng em cứ mặc cả; nếu không, họ lại nghĩ mình dân đại gia, lần sau hỏi mua, họ cứ nống giá lên là toi.
Cái giống ở xa mới về làng hay được mời đi đánh chén. Kỳ cuộc, chả sót cuộc nào. Lão bảo vợ, mình chịu khó đi tí, không lại bị cho là khinh người. Ít sau, vợ lão bảo em đi nhiều mệt lắm, ăn thì chả ăn được, mà chuyện thì chả biết chuyện gì mà nói. Người ta nói chuyện ruộng đồng, gặt hái, ông nọ bà kia, mình ngồi cười trừ, mãi cũng chán. Lão bảo hay là bây giờ chỉ những cuộc chính thì em mới đi, còn thôi, để anh.
Người dân quê lấy ăn uống làm vui, chứ muốn chơi cũng chẳng có gì chơi, chẳng biết chơi gì. Có những hôm vào dịp bóng đá của đội tuyển Việt Nam, mấy gia đình họ hàng hoặc bạn bè cùng trang lứa tổ chức uống rượu xem bóng đá. Lão lại được chèo kéo. Đi suốt. Nhiều khi cũng thấy phát mệt. Nhưng chưa biết phải thế nào…
Một hôm đang trưa, nghe tiếng réo điện thoại. Hóa ra ông anh cả của lão gọi điện bảo sang nhà gấp có chuyện. Lão tức tốc phóng xe máy đến nhà. Gặp, thấy ông anh mặt méo xệch, mếu máo: “Cháu nó đẻ chả ra gì?”. “Thì là thế nào?”. “Đẻ đứa con gái, lại hở hàm ếch. Khổ thế…”. Thì ra đứa con dâu thứ hai đẻ lần hai. Lần đầu may được đứa gái lành lặn. Lão không biết nói gì để an ủi ông anh. Ngồi lúc, lão hỏi vu vơ: “Quái lạ nhỉ? Vợ chồng nó khỏe mạnh, lành lặn, chứ có làm sao đâu mà lại thế nhỉ?”. Bà chị dâu sụt sịt: “Chú chả biết, chứ đận nó chửa mới có chưa đầy tháng, dám đeo máy đi phun thuốc sâu. Hôm ấy về chả nôn mật xanh mật vàng ra thôi. Chắc là do bị ảnh hưởng thuốc sâu từ hôm ấy. Sao ngu gì mà ngu thế chứ lị…”. Ông anh vặn: “Bà biết gì mà cột sống cho nó thế. Ăn nói cẩn thận, nhỡ ông bà thông gia nghe thấy thì rách việc. Liệu liệu cái mồm đấy!”. Lão ôn tồn: “Đàn bà lúc mới mang thai ba tháng đầu, không gìn giữ, bị cảm cúm, có khi con cũng khuyết tật, chứ cứ gì thuốc sâu”. Không khí trong nhà nặng như có đám. Lão bảo: “Thế bây giờ chị sắp xếp công việc rồi em chở xuống bệnh viện thăm nó tí chứ cứ ngồi nhà mà than trách mãi à?”. Bà chị dâu mới lật đật đi sửa soạn. Trong thâm tâm lão cũng cho rằng nguyên do là cái thứ thuốc trừ sâu kia. Làm nhà nông mà không chịu tìm hiểu kỹ thuật sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ là bị trả giá ngay. Ngu lắm! Trên đường xuống bệnh viện, bà chị dâu lão cứ cố nhoai người lên quát vào tai lão rằng con gái con đứa, lành lặn còn chả ăn ai, sứt môi lồi rốn sau này có chó nó lấy; rằng ở làng cùng tuổi con mẹ này, mấy đứa đẻ con cũng hàm ếch rồi, đã biết thế mà không chừa… Trên bờ đê gió tạt, lão nghe câu được câu chăng.
Xuống tới nơi, đứa cháu dâu vừa nhìn thấy mẹ với chú, òa lên nức nở. Bà mẹ rân rấn nước mắt. Lão mới đằng hắng: “Thôi, phận nó đã thế rồi. Ai đẻ con ra chả muốn nó lành lặn. Cũng chả đáng lo lắm. Để sau này lớn chút rồi đi phẫu thuật. Bây giờ y học người ta giỏi lắm. Không lo đâu. Nín đi!”.
***
Lại nói về ngôi nhà của lão ở quê. Nó chỉ có ba gian chính, nhỏ thôi nhưng tươm tất. Lão chủ trương không bày vẽ đồ đạc làm gì. Một cái giường, một cái tủ quần áo, một cái tivi, có wifi nối mạng, một cái bàn và mấy cái ghế nhỏ di chuyển linh hoạt, đặt tùy chỗ để tiếp khách. Lão mang mấy quyển sách chưa kịp đọc về quê, tính đọc dần.
Thỉnh thoảng các ông trong làng đi đâu qua tiện tạt vào. Bây giờ dân quê người ta cũng lịch sự. Bảo các ông cứ đi cả dép vào nhà, không phải bỏ ra cho cách rách. Nói thế thì người ta lại càng ý tứ bỏ ra. Uống nước chè xanh là chính. Thuốc lá thì lão mua sẵn vài bao để đấy, ai hút thì hút. Một hôm, có ông chú họ, tuổi cũng chỉ hơn lão vài ba đốt, bảo nên sắm cái điếu cầy cháu ạ, ở nhà quê đa số người ta thích hút thuốc lào. “Ấy chết, nhà cháu nó ghét thuốc lào lắm. Thôi cứ thuốc lá là được”. “Anh tính lại xem. Cái điếu cầy anh cứ để ngoài hiên thềm kia kìa, ai muốn hút thì ra đó, chứ có hút trong nhà đâu mà anh ngại”. “Vâng, nhưng kiếm điếu cầy ở đâu bây giờ?”. “Anh đồng ý thì mai tôi mang tặng anh một cái. Nghề làm điếu cầy là nghề của tôi. Anh cứ hỏi xem cả làng cả tổng này, ai chả hút điếu tôi làm”.
Sáng sớm hôm sau ông chú họ mang cái điếu cầy đến thật. “Tôi nói cho anh nghe này. Đây là cái điếu tôi khắc rồng ẩn trong mây đấy nhé, mà miệng điếu bịt bạc hẳn hoi đấy nhé. Anh có biết không, có người thích cái nõ cũng phải bằng bạc. Cái đấy thì dễ ợt, nhưng tôi không thích. Nõ của nó đúng ra phải là bằng gỗ. Khi hút hơi nó mới mát, chứ nõ bạc hút nóng bỏ bố ra chứ báu gì”. Lão chỉ biết vâng vâng. Ông chú lại tra thuốc vào nõ bảo anh thử thưởng lãm điếu xem tôi nói có đúng không. Vợ lão ngồi trong nhà nhìn ra hiên thấy thế nói vóng ra: “Nhà cháu không biết hút thuốc lào đâu chú ạ”. “Vẽ, cứ để cho anh ấy thử cái xem sao”. Lão đánh liều. Ông chú châm đóm cho. Lão rít mạnh một hơi, rồi đứng dậy ho sống ho chết, nước mắt nước mũi vãi ra tóe loe. Ông chú cười khơ khơ bảo: “Chả mấy mà anh cũng lại thấy sướng cho mà xem”.
Một hôm đánh chén nhà bác cả. Hai ông anh. Vài ba thằng cháu. Lão cao hứng rút ra một điếu cigar. Lão giơ lên trước mặt hỏi mọi người biết đây là cái gì không? Tất cả chăm chú nhìn vào. Bác cả bảo trông như viên đạn í nhỉ. Bác hai bảo rõ chán bác, ai lại mang đạn theo người bao giờ. Thằng con bác cả tủm tỉm, cháu lạ gì, xì gà chứ gì. Bác hai: “Ế lêu, xì gà để hút chứ gì. Chú châm lên xem nào”. Lão lấy bật lửa khò cho cháy lên, trịnh trọng đưa cho bác cả bảo rít mạnh, rồi ngậm hơi trong miệng thưởng thức chứ đừng có nuốt khói như hút thuốc lào nhé. Bác cả ngửa cổ lên giời, rồi bỗng dúi điếu xì gà vào tay lão, vụt dậy chạy ra ngoài ho sặc sụa. Tất cả cười. Đến lượt bác hai ạ. Cứ phải thứ tự thế, rồi sau mới đến lượt các cháu. Cái này thì lão rành rồi. Ở quê cái trật tự tôn ti là nghiêm trọng lắm. Bác thấy thế nào? Bác hai nhả khói ra rồi bảo khai như nước bò đái í. Thằng con bác cả đón điếu thuốc từ tay bác hai cắm vào mồm rít. “Chả ra cái vị gì. Thua thuốc lào của bố cháu”. Đến thằng con bác hai. Rít xong nó huỵch toẹt: “Cái món này chỉ có bọn ăn cướp được tiền mới dám xài. Bố biết không, một điếu này mua được gần hai tạ thóc đấy ạ”. Đang vui, lão chẳng nỡ mắng thằng cháu quen cái thói cạnh khóe này, mặc dù rất bực.
Nhưng mấy hôm nay lão tức lắm. Nhà lão với nhà thằng cháu hay cạnh khóe đi chung một ngõ. Thằng này nó đầu tư mô hình vườn - ao - chuồng. Mỗi lần ra vào ngõ toàn ngửi mùi cứt lợn nhà nó đến váng óc. Lão nghĩ, thôi thì kệ nó, ở quê chả chăn nuôi còn biết làm gì. Nhưng từ hôm qua đến nay thì lão không thể chịu được. Nó để cái cống thoát nước chuồng lợn vỡ chảy lênh láng lên mặt ngõ. Bảo nó cho thợ thay sửa ống thoát, nó vâng vâng. Mai dài cán thuổng, bốn năm ngày rồi vẫn chưa chịu làm. Gọi nó lên gặp, lão gằn giọng: “Thế cháu còn để đến bao giờ mới sửa cái đường ống?”. Nó đủng đỉnh: “Chú cứ bình tĩnh đã. Đang vào vụ gặt, bận hết, có gọi được đứa thợ nào đâu”. “Mày xem thế nào phải làm đi chứ, mỗi lần đi qua tao chỉ chực buồn nôn”. Nó mới gắt: “Chú dân thành thị mới thế chứ ở nhà chả ai người ta thấy làm sao”. Nghe thấy, vợ lão mới lên tiếng: “Cháu nói thế là không được. Dân nào thấy thối chả kinh. Cháu cố gắng làm đi, sạch ngõ thì sạch cả cho nhà cháu chứ có phải mình nhà chú thím được hưởng đâu”. Nó vành mắt lên: “Thím là phận dâu, đừng có mà chõ vào chuyện nhà này”. “Hỗn!” - lão quát. Nó đút tay túi quần thũng thẵng bỏ đi, không thèm chào ai. Lão tức lộn ruột nhưng cố nhịn. Sẽ phải nói với bố nó may ra việc mới xong.
***
Đêm qua, lão uống rượu say khướt đến khuya mới về. Tới nhà, để nguyên quần áo, lão đổ vật xuống giường. Nửa đêm lão lồm cồm dậy uống nước. Lão bò từ giường xuống. Ô sao lại trống trơn thế này. Vợ lão đi đâu? Lão hốt hoảng nhìn quanh. Thì ra vợ lão đang nằm còng queo trên chiếc chiếu góc nhà. Lão hoang mang. Lão nhớ lại đêm qua say rượu ở nhà thằng bạn để chỏm trong làng. Làm sao về được tới nhà, hay ai đưa về, lão cũng không nhớ nữa. Trong lúc chưa biết phải nói với vợ thế nào, lão mò ra sân. Ngoài trời ánh sáng nhờ nhờ. Thì ra là trăng cuối tháng. Mảnh trăng nhợt nhạt vẫn treo chênh chếch lưng trời. Lão vớ lấy cái điếu cày, nhồi thuốc, quẹt bật lửa ghé vào nõ, rít một hơi giòn. Lão ngửa mặt lên giời nhả khói. Bỗng lão giật mình, từ bao giờ lão đã biết hút thuốc lào thuần thục thế này… Tính ra, vợ chồng lão về quê ở cũng dễ chừng năm rưỡi. Lão kiểm lại xem đã làm được gì. Chao ôi, mấy quyển sách mang về vẫn chưa đọc được trang nào. Tối ngày rượu chè thì có thời gian đâu mà đọc. Lão nhìn xuống chân mình. Một lớp đất vàng úa, cáu lại bao phủ bàn chân lão. Móng chân dài vút, vàng khệch màu váng phèn. Gióng chân đóng một lớp vẩy như da rắn. Lão lật giở bàn tay. Cũng thế. Các móng tay bè ra, thô lỗ, đen kịt. Ôi, sao lại thế? Sao lão lại trở nên thế này ư?... Lão cứ ngồi ngoài hiên trong ánh trăng nhợt nhạt, không dám quay vào giường, sợ vợ lão biết. Mà có thể vợ lão đã biết.
Lão thở dài. Bỗng nhớ lại chuyện chiều hôm qua. Ba thằng con trai nghều nghễu lớp 10, 11 gì đó ôm nhau chết đuối. Chúng rủ nhau đi tắm sông. Con sông quê lão mang một cái tên rất mỹ miều: Sông Thương. “Sông Thương” mà nào có thương, mà sao ác thế. Mỗi năm nó nuốt chửng ít nhất một mạng người làng. Mà toàn là trai gái mới lớn thôi. Lần này ba thằng. Thấy bảo đầu tiên một thằng nhìn thấy một thằng sặc nước, chới với, thế là lao ra cứu. Ai dè bị thằng sắp chết đuối túm lấy tay dìm xuống. Thằng thứ ba lao ra tiếp. Lại bị hai thằng chấp chới túm tay. Sau một hồi vùng vẫy tuyệt vọng, cả ba chìm nghỉm. Lúc ấy, trên bờ chỉ có một thằng bé câm đi chăn trâu nhìn thấy. Nó không biết làm gì, cứ chạy đi chạy lại trên bờ ú ớ kêu gào. Khi thấy cả ba chìm nghỉm, nó mới bỏ trâu chạy về trong làng. Gặp người đầu tiên là một bà trung niên. Nó túm lấy, một tay chỉ ra bờ sông lôi đi, một tay giơ lên ba ngón. Nhà chị này không hiểu có chuyện gì, ghìm chân lại không muốn đi theo. Thằng câm chỉ tay xuống cái ao bên cạnh, hoa hai tay lên trời, khóc lóc. Lúc ấy chị mới hiểu. Chị gào lên ới bà con ơi, ới làng nước ơi, có người chết đuối, có người chết đuối ngoài sông kia kìa!...
Nghe thấy thế, từ trong các ngõ, dân làng rầm rập chạy theo thằng câm về phía bờ sông. Trên bờ, một đống quần áo, ba chiếc xe đạp, ba đôi dép. Không thấy bóng đứa nào. Lúc ấy người ta mới hỏi nhau con nhà ai, truy mãi thì ra ba thằng trên đường đi học về, rủ nhau ra tắm. Khoảng 5 giờ chiều. Bấy giờ, mấy thanh niên giỏi bơi trong làng mới lao xuống sông ngụp lặn chỗ thằng bé câm chỉ dẫn. Sau chừng mươi, mười lăm phút, người ta lôi được cả ba thằng lên. Có hai thằng vẫn ôm chặt lấy nhau. Tiếng khóc của đám đàn bà, con gái tức thì nhất loạt rộ lên thảm thiết. Không làm gì được nữa. Tim chúng đã ngừng đập. Trong số ba thằng chết, có một thằng là con của ông bạn từ thuở để chỏm của lão.
Tục ở làng, người chết đuối là không được đưa về nhà. Tất cả phải để ở ngoài sân kho của làng. Lão về nhà người bạn mất con. Nhìn vợ chồng nó đau đớn, lão thấy đau trong ngực. Đêm đã khuya. Ông bạn bảo ở lại với mình chút nhé, đừng về. Rồi nó lôi rượu ra uống. Nó vừa uống vừa khóc con ơi con ơi, sao khổ thế này con ơi… Lão đâu đang tâm bỏ về. Lão đâu đang tâm không uống.
Lúc sau, vợ lão dậy thật. Lão thấy vợ lão hắng giọng. Rồi thấy vợ lão ngồi xuống bên cạnh lão. Chả nói gì, chỉ thấy thút thít. Lão bảo: “Anh xin lỗi em”. Vợ lão xì mũi xong bảo: “Sáng nay em muốn về mấy ngày. Anh có về hay ở lại cũng không quan trọng. Em muốn ở một mình mấy hôm”.
“Anh xin lỗi em. Kể từ ngày về quê ở đến giờ, anh cũng tự thấy mình tệ đi nhiều quá. Thôi, từ mai anh phải nghĩ cách sắp xếp lại cuộc sống. Em bỏ quá cho anh”.
“Em về là về thôi, muốn yên tĩnh ít ngày. Chứ cũng chưa muốn nói gì với anh. Em chỉ muốn chúng ta xa nhau ít ngày để cùng nghĩ lại xem quyết định hưu quê của mình liệu có thật sự đúng không, thế thôi”…
Lão nuốt khan. Định nói câu gì nhưng kịp dừng lại.
Lão sực nhớ tới cái câu của một ông nhà văn nào đó, đại ý: Đối với người nhà quê, kính trọng họ thì được, chứ bảo sống cùng với họ thì xin kiếu.
Vợ lão bảo lát nữa anh đưa em ra bến xe nhé. À mà hôm qua bà tổ trưởng tổ dân phố gọi điện cho em bảo nhà mình chưa nộp mấy khoản quỹ hỗ trợ đồng bào lũ lụt, quỹ khuyến học, lại còn quỹ chi bộ gì gì nữa đấy.
Lão len lén thở dài, đứng dậy vươn vai. Định ra chỗ cái điếu cầy, nghĩ thế nào lão lại thôi.
Bỗng vọng lại tiếng loa phóng thanh đầu ngõ nhắc nhở trẻ em trong thôn không được tự ý ra tắm sông kẻo chết đuối.
Chân mây đang vỡ ra muôn ngàn mảnh vẩy tê tê sáng bạc. Hôm nay chắc nắng to.
Hà Nội, tháng 6/2019