Dân Việt

Ngoài Tiểu Long Nữ, 5 mỹ nữ phim Kim Dung này cũng chỉ có tên không họ

Minh Phương (Theo Toutiao) 01/03/2020 04:55 GMT+7
Việc cố nhà văn nổi tiếng không đặt "họ tên" cho các mỹ nữ này khiến nhiều người tò mò.

Kim Dung là "cha đẻ" của nhiều tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng, hàng năm đều được chuyển thể dựng thành phim như Thiên long bát bộ, Xạ điêu tam bộ khúc (Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Ỷ Thiên Đồ Long ký), Tiếu ngạo giang hồ.... Không chỉ có trí tưởng tượng phong phú, cố nhà văn còn sáng tạo ra nhiều loại võ công có cái tên độc đáo nhưng vô cùng hợp lý với bối cảnh nhân vật.

Đồng thời, Kim Dung cũng là người đặt tên cho các nhân vật của mình và có ý nghĩa riêng. Giả dụ mỹ nữ Trình Linh Tố trong Tuyết sơn phi hồ được ông lấy tên từ hai cuốn sách nổi tiếng về y học cổ đại nổi tiếng của Trung Quốc, là Linh xu Tố vấn.

img

Mỗi họ tên của một nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung đều có ý nghĩa riêng.

Hai cái tên khác là Quách Tĩnh và Dương Khang được cố nhà văn lấy từ bài thơ Mãn Giang Hồng nổi tiếng của Nhạc Phi "Tĩnh Khang sỉ, do vị tuyết. Thần tử hận, Hà thời diệt"  (Mối thù Tĩnh Khang, chưa gội sạch hết. Mối hận này biết bao giờ mới diệt) (Tĩnh Khang là niên hiệu của vua Khâm Tông nhà Tống bị quân Kim bắt - PV).

Bên cạnh đó, trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu, ngoài tên của Vương Trùng Dương - đạo sĩ sáng lập ra Toàn Chân giáo có thật ở ngoài đời, những vị đại lão anh hùng được ông đặt họ tên đều trùng với ngũ hành tương sinh tương khắc của người Trung Quốc, như Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Độc Âu Dương Phong, Nam Đế Đoàn Trí Hưng, Bắc Cái Hồng Thất Công và Trung Thần Thông Vương Trùng Dương.

Có thể thấy, Kim Dung không chỉ giỏi sáng tạo cốt truyện, giàu trí tưởng tượng về các thể loại võ thuật mà còn là người rất sâu sắc trong việc đặt họ và tên nhân vật. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, ông chỉ đặt tên cho 5 mỹ nữ này mà không hề có họ.

Chị em A Châu và A Tử

img

A Châu dịu dàng, xinh đẹp do diễn viên Lưu Đào thể hiện trong bản phim năm 2003.

A Châu và A Tử là hai chị em trong Thiên long bát bộ. A Châu là con gái lớn của Đoàn Chính Thuần và Nguyễn Tinh Trúc. Tuy nhiên, cả hai chị em A Châu và A Tử lại không được nhà văn Kim Dung để họ, chỉ gọi theo tên. Thậm chí, trong tiểu thuyết, cố nhà văn cũng chưa bao giờ gọi hai mỹ nữ là "Đoàn A Châu" hay "Đoàn A Tử”.

Trong tiểu thuyết, sau khi sinh được hai người con cho Đoàn Chính Thuần, Nguyễn Tinh Trúc lại bỏ rơi hai cô con gái. Bị thất lạc cha mẹ, A Châu làm người hầu cho nhà Mộ Dung Phục. Về sau cô phải lòng đại anh hùng Tiêu Phong.

img

A Châu có mối tình bi thương với Tiêu Phong.

Trước trận thách đấu giữa Tiêu Phong và Đoàn Chính Thuần, A Châu vô tình phát hiện mình và em gái là con gái thất lạc của ông. Cuối cùng, A Châu quyết định giả trang thành Đoàn Chính Thuần nhưng bị Tiêu Phong đánh chết.

img

Là em gái ruột của A Châu song A Tử lại có tính cách trái ngược.

Đối lập với người chị hiền lành, A Tử là người có nhan sắc nhưng bản tính độc ác, thích tra tấn và hành hạ ai dám xúc phạm mình. Sau khi chị gái qua đời, A Tử phải lòng Tiêu Phong. Cuối cùng, khi Tiêu Phong hy sinh mạng sống để giữ hòa bình cho hai nước Liêu - Tống, A Tử cũng tự sát theo chàng.

Song Nhi

Song Nhi là nhân vật được nhiều khán giả yêu thích nhất Lộc đỉnh ký. Trong tiểu thuyết, cố nhà văn chưa bao giờ nhắc họ của Song Nhi. Cô được miêu tả là người dịu dàng, tốt bụng, thông minh, không cạnh tranh hay so bì với các cô vợ khác của Vi Tiểu Bảo.

img

"Song Nhi" Hà Trác Ngôn.

Trong tiểu thuyết, Song Nhi lớn lên ở Hồ Châu. Sau khi cha mẹ và hai anh trai bị Ngao Bái hại chết, Song Nhi và một nhóm phụ nữ già trẻ lớn bé được Hà Dịch Thủ cứu sống và đưa về sống ở Trang gia tại Hồ Bắc. Ở Trang gia, Song Nhi là người hầu của Tam thiếu phu nhân nhưng có học vấn, võ công cao cường. Cô học được võ công của phái Hoa Sơn từ Hà Dịch Thủ. Để cám ơn Vi Tiểu Bảo có công trong việc hạ gục Ngao Bái, Tam thiếu phu nhân Trang gia đã tặng Song Nhi cho chàng.

Tiểu Chiêu

img

"Tiểu Chiêu" Trần Tú Lệ.

Tiểu Chiêu là con gái của Kim Hoa bà bà và Hàn Thiên Diệp, cô còn có tên gọi khác là Hàn Chiêu. Tuy nhiên, trong tiểu thuyết, nhân vật Tiểu Chiêu không được Kim Dung gọi bằng họ mà ngược lại, cô thường được gọi là Tiểu Chiêu từ đầu tới cuối truyện.

Tiểu Chiêu là người thông minh, xinh đẹp, dịu dàng, có tính cách mạnh mẽ. Nghe lệnh từ mẹ, Tiểu Chiêu cải trang làm một tì nữ xấu xí của Dương Bất Hối của Minh giáo, nhằm tìm kiếm võ công thất lạc Càn Khôn Đại Na Di. Tại đây, cô có cơ hội gặp gỡ Trương Vô Kỵ và có tình cảm với chàng.

Tiểu Long Nữ

img

Tiểu Long Nữ do Lưu Diệc Phi đảm nhận trong bản phim năm 2006.

Từ trước tới nay, khán giả đều quen thuộc với cái tên Tiểu Long Nữ, tuy nhiên ít ai biết họ tên thật của nàng. Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về tên thật của Tiểu Long Nữ, Kim Dung từng trả lời: "Tiểu Long Nữ bị bỏ rơi bên ngoài Trọng Dương cung ở núi Chung Nam. Khi một đạo sĩ của Toàn Chân giáo tình cờ đi qua và tìm thấy, chỉ có một mảnh giấy nhỏ để lại ghi: "Nữ tử tên Long, được người dưỡng dục, cảm kích vô cùng".

Tuy nhiên, theo Toutiao, đoạn văn này đã được Kim Dung xóa bỏ trong bản sửa đổi sau đó.

img

Tiểu Long Nữ là nữ chính chỉ có tên không có họ.

Theo Toutiao, trong bản sửa đổi tiếp theo, Lâm Triều Anh để Tiểu Long Nữ rời cổ mộ để đi tìm kiếm tung tích của cha mẹ khi cô tròn 20 tuổi. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ kĩ, cố nhà văn tiếp tục xóa bỏ đoạn văn này.

A Thanh

img

Vai A Thanh do Lý Trại Phượng đảm nhận trong bản phim năm 1986.

A Thanh là nhân vật nữ chính hư cấu trong truyện ngắn Việt nữ kiếm. Tác phẩm được đài ATV dựng thành phim năm 1986. Đến nay, tác phẩm này vẫn chưa một lần được làm lại. Võ công của A Thanh được Kim Dung miêu tả với 4 từ "phi thường độc nhất" và được mệnh danh là cao thủ như thần. Cũng như nhiều nhân vật khác, Kim Dung không viết họ của cô mà chỉ đề tên là A Thanh.

A Thanh vốn là cô gái đi chăn cừu bình thường. Trong một lần đi chăn cừu, A Thanh gặp được Bạch Lang vốn là một con sói trắng biết sử dụng gậy trúc, đồng thời là sư phụ của nàng về sau. Cả hai thường xuyên giao đấu giúp A Thanh ngộ ra và luyện thành chiêu thức võ công mang tên Việt nữ kiếm pháp.