Trụ sở của CIA tại Langley, bang Virginia. Ảnh: Reuters
Washington Post cho biết CIA và tình báo Tây Đức kiểm soát Crypto AG từ đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước.
Tờ Guardian (Anh) cho biết chiến dịch mang mật danh Rubicon, tập trung vào thu thập thông tin tình báo dựa trên lỗi cài đặt trong các thiết bị viễn thông được bán rộng rãi. Thiết bị của Crypto AG đã được bán cho hơn 100 quốc gia.
Việc này tạo điều kiện để Mỹ và đồng minh Tây Đức kiếm thêm ngân sách trong khi vẫn lấy được dữ liệu nhạy cảm của chính phủ nước ngoài.
Trong nhiều thập niên, Crypto AG là nhà cung cấp dịch vụ mã hóa hàng đầu với hàng trăm khách hàng từ Vatican tới Iran và thu hàng triệu USD lợi nhuận. Crypto AG còn bán thiết bị và thu được hàng triệu USD từ chính phủ Iran, Ấn Độ, Pakistan và một số quốc gia Mỹ Latinh.
Vào đầu thập niên 1990, cơ quan tình báo Đức BND bỗng nhận thấy rủi ro và rời khỏi hoạt động liên quan đến Crypto AG. Trong khi đó, CIA mua lại cổ phần của Đức và vẫn duy trì hoạt động đối với Crypto AG cho đến năm 2018.
Năm 2018, hai công ty CyOne Security và Crypto International đã mua lại Crypto AG.
Cả CIA và BND đều từ chối bình luận mà tờ Washington Post đưa. Chủ tịch hiện nay của Crypto AG – ông Andreas Linde - khẳng định không biết gì về mối liên hệ giữa công ty với CIA và BND.
Hầu hết những người làm việc tại Crypto AG đều không biết bí mật của công ty này. Tuy nhiên, năm 1977, một kỹ sư đã nghi ngờ và sau đó bị đuổi việc sau khi ông này tới Damascus để sửa lỗi trong thiết bị của Crypto AG lắp đặt dành cho Chính phủ Syria.
Năm 1995, tờ Baltimore Sun đã đặt nghi vấn về mối liên quan giữa tình báo Mỹ và Crypto AG khiến một số quốc gia quyết định ngừng mua sản phẩm của công ty này.