Câu hỏi:
Tôi năm nay 32 tuổi, đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được 11 năm. Giờ tôi muốn nghỉ làm ở công ty để thành lao động tự do.
Vậy, nếu tôi không đi làm nữa và đóng bảo hiểm tự nguyện luôn thì có được nhận trợ cấp thất nghiệp không (hay trong thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp không được đóng bhxh tự nguyện)?
Nếu nhận trợ cấp thất nghiệp xong, tôi tiếp tục đóng bảo hiểm tự nguyện cho đủ 20 năm có được không? Khi đó tôi khoảng 42 tuổi, sau đó tôi dừng đóng và bảo lưu đến 60 tuổi nhận lương hưu là 55%, thì mỗi năm tôi có bị trừ 2% do nghỉ hưu trước tuổi không?
Bạn đọc Quynh Dao ( daoquynhxxx@gmail.com)
Trả lời
Trao đổi với Dân Việt về trường hợp bạn đọc hỏi về Bảo hiểm xã hội, luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội nêu rõ:
Thứ nhất, về việc nhận trợ cấp thất nghiệp khi đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Điều 49. Điều kiện hưởng
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội có được dừng đóng chờ đủ tuổi nhận lương hưu?
Điều 53. Tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật này.
2. Người lao động bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu vẫn còn thời gian được hưởng theo quyết định thì tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật này.
3. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:
a) Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp;
b) Tìm được việc làm;
c) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
d) Hưởng lương hưu hằng tháng;
đ) Sau 2 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng;
e) Không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật này trong 03 tháng liên tục;
g) Ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
i) Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp;
k) Chết;
l) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
m) Bị tòa án tuyên bố mất tích;
n) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.
Căn cứ theo quy định trên, trường hợp của bạn nếu đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp bạn vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian tham gia BHXH tự nguyện.
Bạn nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm theo thời gian và thủ tục theo quy định để hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc mà chưa tìm được việc làm mới.
Thứ hai, về thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì:
“5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội”.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, sau khi nhận trợ cấp thất nghiệp xong, bạn có thể tiếp tục đóng bảo hiểm tự nguyện cho đủ 20 năm và thời gian để hưởng BHXH sẽ được cộng dồn kể từ khi bắt đầu đóng BHXH.
Thứ ba, về điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động.
Căn cứ vào Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên sẽ được hưởng lương hưu nếu thuộc các trường hợp sau:
- Lao động nam từ đủ 60 tuổi, lao động nữ từ đủ 55 tuổi trở lên.
- Lao động nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ tuổi từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có tối thiểu 15 năm làm việc trong các môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở khu vực đặc biệt được phụ cấp từ 0.7 trở lên theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Y tế.
- Lao động từ đủ 50 đến đủ 55 tuổi và có ít nhất 20 năm làm công việc khai thác trong các hầm lò.
- Lao động bị nhiễm căn bệnh HIV/AIDS do các rủi ro, tai nạn nghề nghiệp.
- Lao động nữ có tham gia BHXH và hoạt động tại xã, phường, thị trấn và có số năm tham gia BHXH là 15 đến 20 năm thì 55 tuổi được về hưu.
Độ tuổi về hưu của nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi trở lên và phải có đủ 20 năm đóng BHXH. Trường hợp người lao động đã đủ 20 năm đóng Bảo hiểm mà chưa đến độ tuổi theo các trường hợp ở mục trên thì có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đợi đến khi đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.
Điều 61. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Thứ tư, về mức lương hưu hằng tháng
Khoản 2 điều 56 Luật BHXH 2014 quy định: từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện theo quy định được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
- Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
- Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động sẽ được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Bạn nên bảo lưu thời gian đóng đến khi đủ tuổi nghỉ hưu và thời gian đóng để hưởng mức tối đa khi nhận lương hưu.
Những câu hỏi, thắc mắc của bạn đọc về cơ chế chính sách BHXH, BHYT, lương, thưởng đối với người lao động có thể gửi về địa chỉ: Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt Lô E2 Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Email: bandocdanviet2010@gmail.com; Điện thoại liên hệ: 0982340700. Câu hỏi gửi về đề nghị ghi rõ: Dân Việt tư vấn, kèm theo số điện thoại, địa chỉ của người gửi để tòa soạn liên hệ. |