Dân Việt

Nghệ nhân Vân Mai nói gì khi Google tôn vinh nghệ thuật ca trù?

Mỵ Lương 23/02/2020 15:02 GMT+7
"Tôi rất vui mừng và xúc động khi Google có hành động tích cực trong việc lan tỏa, tôn vinh ca trù - một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam", nghệ nhân Vân Mai - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù UNESCO chia sẻ với báo Dân Việt.

img

Nghệ nhân ca trù Vân Mai nói gì khi Google tôn vinh nghệ thuật ca trù trên trang chủ?

Trò chuyện phóng viên báo Dân Việt trưa nay (ngày 23/2), nghệ nhân dân gian Vân Mai – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù UNESCO không giấu được cảm xúc vui mừng đan xen tự hào khi ngày Giỗ Tổ nghiệp ca trù hôm nay, Google đưa biểu tượng thay thế tạm thời cho biểu tượng trên trang chủ (Google Doodle) để tôn vinh loại hình nghệ thuật này. Cụ thể, hình ảnh ca trù do Google thiết kế diễn tả một chầu hát gồm 3 thành phần chính: Ngồi giữa là một nữ ca sĩ, gọi là "đào" hay "ca nương", sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp.

Bên phải là một nhạc công nam giới, gọi là "kép" chơi đàn đáy phụ họa theo tiếng hát. Nhạc công đàn đáy này có lúc hát thể cách hát sử và hát giai, vừa đàn vừa hát. Và người thứ ba ngồi bên trái giữ vai trò người thưởng ngoạn, còn gọi là "quan viên", thường là tác giả bài hát, là người đánh trống chầu chấm câu và biểu lộ chỗ đắc ý bằng tiếng trống.

img

Biểu tượng về ca trù được thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ Google.com.vn trong ngày 23/2 (Ảnh: Google)

"Tôi rất vui mừng và xúc động khi Google có hành động tích cực trong việc lan tỏa, tôn vinh ca trù - một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Nhìn thấy hình ảnh quen thuộc của loại hình nghệ thuật bản thân đang theo đuổi được tôn vinh, tôi tin chắc rằng người nghệ sĩ nào cũng cảm thấy tự hào.

Với tôi cũng vậy, đây không chỉ là hành động lan tỏa ca trù - loại hình nghệ thuật UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể với cộng đồng mà còn là động lực khuyến khích các nghệ nhân tiếp tục theo đuổi, cống hiến", Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù UNESCO chia sẻ.

img

Với nghệ nhân Vân Mai - người duy nhất còn hát được điệu “Non Mai Hồng Hạnh” đã  thất truyền từ lâu tâm sự, ca trù như “người bạn đời thứ hai” của chị. Suốt 20 năm qua, bộ phách được coi là “báu vật” gối đầu giường của ca nương này.

Chia sẻ về điệu ca trù cổ “Non Mai Hồng Hạnh” - một trong những tác phẩm đỉnh cao của ca trù và chỉ được hát trong không gian hát thờ tổ thiêng liêng, nghệ nhân Vân Mai cho biết: "Nét độc đáo nhất của “Non Mai Hồng Hạnh” là kỹ thuật ém hơi và nảy hột. Nảy hột ca trù phải nảy trên mũi không phải nảy dưới họng, hột ca trù phải nổ như ngô rang chứ không phải nảy hạt như của quan họ.

Nếu ai luyện được thành công “Non Mai Hồng Hạnh” sẽ thành thạo cách nhả chữ, nảy hột, đổ con kiến, ém hơi thật chặt để ra những âm “hự” đúng của ca trù. Vì vậy, chỉ cần hát được “Non Mai Hồng Hạnh” là coi như “bắt vía” được cái hồn của ca trù và từ đó sẽ hát những điệu ca trù khác dễ dàng hơn”.

Điều khiến nghệ nhân Vân Mai trăn trở hiện tại vẫn là tìm kiếm lớp trẻ kế cận tiếp nối gìn giữ di sản ca trù. Theo nữ nghệ nhân chia sẻ, chị cảm thấy rất buồn khi có nhiều học trò tâm sự rằng: “Đến thầy giỏi nghề mà vẫn không sống được bằng nghề nữa là chúng con mới chỉ tập toẹ”.