Dân Việt

Cú sốc “giải cứu” ngành đường sắt giữa bão dịch COVID-19

Nguyễn An Thanh 26/02/2020 11:04 GMT+7
Doanh thu giảm nặng nề tới 50%, hàng chục nghìn vé tàu bị trả lại từ khi có thông tin về dịch COVID-19, nhưng đó mới chỉ là một phần cú sốc với ngành đường sắt. 11.000 công nhân viên ngành đường sắt bị nợ lương, nguy cơ dừng chạy tàu, vướng mắc về cơ chế,  tổ chức… Và sâu xa hơn là yêu cầu cải cách mạnh mẽ về hạ tầng và dịch vụ mới có thể “giải cứu” ngành đường sắt.

“Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau”

Sự kiện nóng nhất trong tuần qua chính là những thông tin về dịch COVID-19 và ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông báo, đường sắt này đang đối diện với nguy cơ phải dừng tàu do không có tiền chi trả lương cho công nhân.

Vấn đề “ngừng chạy tàu” được đưa ra trong sáng 20/02 trong buổi làm việc giữa Tổ công tác Chính phủ và Ủy ban QLV tại doanh nghiệp nhà nước. Trong bối cảnh nếu hoàn tất thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc bắc- nam, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 5.2020.

Với khá nhiều người lao động đường sắt thì đây là tin sốc, vì trong lịch sử gần 140 năm, kể cả trong bom đạn chiến tranh, chưa bao giờ họ lâm vào cảnh “phải dừng tàu” huống hồ chi thời bình. Nhất là khi VNR vừa phải trình kế hoạch kinh doanh 2019… lỗ 168 tỷ đồng do Bộ GTVT triển khai 4 dự án nâng cấp tuyến đường sắt Bắc- Nam với tổng giá trị 7.000 tỷ đồng.

Tết Nguyên Đán vừa qua, công nhân Công ty Cổ phần ĐS Hà Hải trực Tết chỉ được nhân thêm 50.000 đồng/ban thay vì “ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày” như quy định của Luật Lao động. Còn người lao động của Công ty Cổ phần ĐS Hà Thái nhận được đơn vị thông báo “do chưa ký được hợp đồng đặt hàng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2020” nên chỉ tạm ứng lương cho công nhân 2 triệu đồng/người, cấp quản lý 3 triệu đồng/người. 

Phải chăng, nhà thơ Tế Hanh, ngay từ năm 1983, trong bài thơ “Những ngày nghỉ học” đã tiên đoán được ngành đường sắt Việt Nam sẽ gặp khó khăn như ngày nay. Nhìn cảnh nhà ga, con tàu ông đã viết “Tôi thấy lòng thương những chiếc tàu/Ngàn đời không đủ sức đi mau/Có chi vương víu trong hơi máy/Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau”.

Ít ai biết trong lịch sử hình thành và phát triển ngành đường sắt đã cùng với công an, quân đội là đơn vị tương đương cấp tỉnh, có Ty công an đường sắt, Ty y tế đường sắt. Đường sắt đã từng đóng vai trò mũi nhọn của giao thông nước nhà trong chiến tranh và cả thời bình.

img

Hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt đã quá xập xệ.

“Ngàn đời không đủ sức đi mau”

Nhưng với khá nhiều lý do, đường sắt đang mất dần lợi thế và không còn khả năng cạnh tranh với hàng không, đường bộ và đường biển. Đây là thời điểm việc phát triển đường sắt gặp phải trở ngại cả ở hành lang pháp lý, vốn kinh doanh và nhân sự am hiểu đặc thù của ngành khiến cho thị phần vận tải ngày càng thu hẹp.

Trước hết, phải khẳng định Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được bàn giao về Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp từ tháng 10 năm 2018, nghĩa là những khó khăn vướng mắc đã xuất hiện hơn 1 năm nay. Tổng Công ty đã trải qua năm tài chính 2019, vậy tại sao việc giao dự toán chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2020 mới trở thành đề tài nóng khiến có thể “phải dừng tàu”?

Nhất là trước đó, ngày 06/01/2020 Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp để xem xét Đề án "Quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư" với sự tham gia của Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,  Bộ Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

“Có chi vướng víu trong hơi máy”

Mấu chốt của vấn đề là nhà nước (thông qua Bộ Giao thông Vận tải) sẽ giao dự toán ngân sách nhà nước cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (phương án 1) hay giao cho Cục Đường sắt Việt Nam (phương án 2); sau đó Cục Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư hoặc đặt hàng trực tiếp với 20 Công ty cổ phần bảo trì đường sắt.

Như vậy phương án giao ngân sách năm 2020 có sự khác biệt lớn so với 2019, khi đó Bộ Giao thông Vận tải là đơn vị được tạm thời giao dự toán quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Cục Đường sắt Việt Nam với chức năng quản lý nhà nước về đường sắt chỉ được Bộ Giao thông Vận tải giao nhiệm vụ giám sát, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện.

Trong 2 phương án mà Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ thì đều đang vướng luật, cụ thể phương án 1 thì theo khoản 1 Điều 31 Nghị định 163/2016/NĐ-CP, trong đó quy định: Bộ chỉ được giao dự toán cho đơn vị trực thuộc (nhưng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam  lại trực thuộc Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp). Phương án 2 lại vướng Luật đường sắt và Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018 của Chính phủ do Cục Đường sắt Việt Nam hiện nay không phải là Cơ quan được giao quản lý tài sản.

Như vậy, để giao được dự toán chi NSNN cho bảo trì  kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2020 thì dù phương án nào thì điều kiện bắt buộc là phải sửa luật. Trong bối cảnh đó Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ: Tiếp tục cơ chế để Bộ Giao thông Vận tải giao dự toán bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Tổng công ty như thực hiện năm ngân sách 2019. Ngược lại, Cục đường sắt lại liên tục có công văn yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam hoặc 20 công ty cổ phần đường sắt và thông tin tín hiệu sớm ký hợp đồng đặt hàng bảo trì KCHTĐS 2020.

Như vậy tới đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì các Bộ, ngành sẽ phải cân nhắc xem nhà nước nên giao dự toán ngân sách nhà nước cho Cục đường sắt hay Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thì giúp cho đường sắt Việt Nam có cơ hội phát triển hơn? Những người am hiểu đường sắt đều cho rằng “giải cứu đường sắt” không đơn thuần là giao dự toán ngân sách quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt cho ai. Những vướng mắc về cơ chế, tổ chức chỉ là phần nổi.

Cần phải có một chiến lược đồng bộ để giải quyết những bất cập, khủng hoảng lâu nay của ngành đường sắt, làm sao đạt được mục tiêu như trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050:  Ngành đường sắt phải “Phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, tổ chức quản lý khai thác vận tải, công nghiệp và dịch vụ với trình độ cao; đảm bảo hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả…”.