Dân Việt

Làm báo cùng Dân Việt: Nhường ghế trên xe buýt, khó làm thế sao?

Nguyễn Thị Loan (Hà Nội) 10/03/2020 11:25 GMT+7
Trên xe buýt, khi nhìn thấy đối tượng được ưu tiên, có những hành khách “lờ” đi chuyện phải nhường ghế. Người giả vờ ngủ gật gục đầu xuống thành ghế, người đóng kịch như bị đau bụng hay say xe... để cố “níu kéo” cái ghế ngồi mà không chịu đứng lên nhường.

Từ thời sinh viên tôi đã coi xe buýt là phương tiện chính để đi học và khi ra trường đi làm rồi, loại hình giao thông công cộng nhiều tiện ích này vẫn luôn là “bạn đồng hành” với tôi. 

Với một người đi xe buýt nhiều năm, đã quá hiểu, tận tường nhịp sống trên các tuyến buýt, trong bài viết ngắn này tôi chỉ đề cập riêng tới chuyện nhường ghế mà thôi!

Khách đi xe buýt phải chủ động “nhường ghế cho người già, phụ nữ có thai, người tàn tật, trẻ em” từ lâu đã được coi là mặc định trên mọi tuyến buýt. Quy định này được kẻ vẽ rồi dán, treo khung trên nhiều chỗ trên xe để mọi người đều có thể dễ dàng nhìn thấy.

Vâng, quy định được đưa vào nội quy xe buýt là vậy, nhưng có một điều chắc chắn rằng, hầu như bất cứ hành khách đi xe buýt nào cũng luôn quá hiểu và nằm lòng việc phải nhường ghế nếu như có sự xuất hiện của các đối tượng khách đặc biệt.

img

Quy định nhường ghế trên xe buýt đã có từ lâu, nhưng không phải ai cũng thực hiện (ảnh minh họa). Dân Việt

Thế nhưng, trên thực tế, không phải hành khách nào cũng có ý thức và tuân thủ theo quy định về chuyện nhường ghế cho các đối tượng đặc biệt một cách vui vẻ, thoải mái.

Tôi từng rất nhiều lần chứng kiến hành khách là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người tàn tật lên xe buýt phải rất vất vả mới tìm được ghế ngồi. Bởi xe buýt thường rất đông, nhất lại là vào giờ cao điểm thì chuyện có chỗ đứng hơi thoải mái một chút đã là hạnh phúc, chứ kiếm đâu ra ghế ngồi.

Nhiều khách phải đợi nhân viên bán vé hoặc mọi người khác nhắc nhở mới chịu đứng lên nhường ghế, thái độ của họ không vui vẻ cho lắm!

Thậm chí có những hành khách bình thường cứ “lờ” đi chuyện phải nhường ghế cho đối tượng khách được ưu tiên. Người giả vờ ngủ gật gục đầu xuống thành ghế, người đóng kịch như bị đau bụng hay say xe gì đó... để cố “níu kéo” cái ghế ngồi mà không chịu đứng lên nhường.

Có một lần, tôi đi trên tuyến buýt từ ngoại thành vào trung tâm, do khách quá đông, nhân viên bán bán vé đang mải làm việc nên không để ý tới vài vị khách cao tuổi đang đứng ở giữa xe.

Trong lúc đó, rất nhiều người trẻ vẫn thản nhiên ngồi ghế mà không chịu đứng dậy nhường ghế cho hai cụ già đó. Tôi nhắc hai người phụ nữ trẻ, tuổi tầm ngoài 30 đứng dậy để nhường cho các cụ. Họ đứng dậy nhưng không hề vui.

Suốt cả hành trình hôm đó, một trong hai người phụ nữ mà tôi nhắc nhở đứng dậy đó cứ nhìn tôi với ánh mắt hằn học, tức giận. 

Tất nhiên, tôi cũng không ít lần thấy nhiều người nhanh nhảu đứng dậy với thái độ vui vẻ để nhường chỗ ngay tức thì.

Nói đi cũng phải nói lại, với những hành khách đặc biệt được nhường ghế cũng có chuyện cần góp ý. Đó là, khi được người khác nhường ghế, điều tối thiểu nhất mà người ta có thể nói, đó là câu cảm ơn! Vâng, nếu như mọi khách nhận ghế được nhường ấy đều nói lời cảm ơn thì sẽ chẳng có chuyện gì để nói, đằng này vẫn có quá nhiều người, chẳng biết do vô tình, hay không có “thói quen” nói câu cảm ơn như vậy, nên khi ngồi xuống chẳng nói năng gì cả khiến người nhường ghế cảm thấy không vui vẻ cho lắm.

Vẫn biết việc khách thuộc đối tượng ưu tiên sẽ có được ghế ngồi, nhưng có lẽ sẽ chẳng khó nhọc gì khi họ nói một lời cảm ơn kèm theo nụ cười thân thiện thì hay biết mấy(?!).

Có những lần tôi được chứng kiến nhiều vụ mà khách là người thuộc dạng “trẻ chua qua, già chưa tới”, nghĩa là chỉ khoảng 45-50 tuổi, nổi khùng ở trên xe khi không được nhường ghế. Thái độ phản ứng của họ cũng không hay, kém tế nhị, khi họ nói bâng quơ với thái độ hằn học: “Trên xe chắc chẳng còn ai lịch sự nữa sao!”, “ Ý thức của người trẻ bây giờ quá kém...”, hay “Đứng hết bến thế này, chắc chết...”.

Với những khách như thế này, nếu như trên xe có nhiều người trẻ hơn họ sẽ được ưu tiên thông qua ý thức của mọi người, còn nếu trên xe có quá nhiều khách là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người tàn tật, thì họ chưa “đủ tuổi” để được ưu tiên.

Chuyện nhường ghế trên xe buýt cũng là một phần trong vấn đề văn hóa xe buýt, tôi mong muốn mọi hành khách đi xe buýt, khách phải nhường ghế cũng như người được nhường ghế, hãy làm sao đấy xử xự cho hợp tình, hợp lý và có văn hóa.

Mong sao, mỗi chuyến xe buýt đều đầy ắp những con người có văn hóa!

Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt trân trọng mời quý độc giả tham dự cuộc thi "Làm báo cùng Dân Việt" nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Điện tử Dân Việt. 

Bài dự thi gửi về Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt Lô E2 Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội;

Email: bandocdanviet2010@gmail.com;

Điện thoại liên hệ: 0982340700.

Tác phẩm gửi về đề nghị ghi rõ: Tham dự cuộc thi Làm báo cùng Dân Việt, kèm theo số điện thoại, địa chỉ của tác giả để tòa soạn liên hệ. 

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 5 triệu đồng; 01 giải nhì trị giá 3 triệu đồng; 01 giải ba trị giá 2 triệu đồng. Mỗi tháng, Ban tổ chức sẽ lựa chọn tác phẩm có chất lượng của tháng để trao thưởng 1 triệu đồng/01 giải xuất sắc, 2 giải bài viết chất lượng 500.000 đồng/giải (Tổng giải tác phẩm chất lượng mỗi tháng là 2 triệu đồng).

Các bài viết được đăng tải sẽ được nhận nhuận bút theo quy định của Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt.