Dân Việt

Sao Việt nói gì về luật hạn chế diễn viên uống rượu bia trong phim?

Mỹ Anh - Gia Bảo 29/02/2020 17:15 GMT+7
Các cảnh tiếp khách bằng bia rượu trên phim kể từ sau ngày 24/2 sẽ bị cấm, chỉ ngoại lệ 3 trường hợp.

Hạn chế diễn viên uống rượu bia trong phim từ 24/2 

Nghị định số 24/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực ngày 24/2 vừa qua. Đáng lưu ý, Điều 4 Nghị định này hướng dẫn cụ thể về hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình.

Điểm a khoản 1 điều này quy định: Không thể hiện các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 5, hành vi uống rượu, bia ở các địa điểm được quy định tại Điều 10, hành vi bán rượu, bia ở các địa điểm được quy định tại Điều 19 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia hoặc hành vi uống rượu, bia trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh, truyền hình dành cho người dưới 18 tuổi; trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này.

Có nghĩa rằng, trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình, hình ảnh diễn viên uống rượu, bia được điều chỉnh theo các hành vi bị luật cấm trong đời thực.

img

Cảnh say của Khuê và San từng gây sốt trong phim 'Hoa hồng trên ngực trái'. 

Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định các hành vi bị cấm như xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi... thì trong phim, kịch không được phép xuất hiện các hành vi này.

Điểm c khoản 1 điều này quy định: Việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết để khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử hoặc tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định hoặc phê phán, lên án hành vi uống rượu, bia.

Điểm này là quy định đặc thù với việc tác phẩm phim, kịch cần thiết sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật.

Và đây là quy định độc lập với quy định ở hai điểm trên. Việc tác phẩm phim, kịch sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật cần phân biệt với trường hợp không có chủ đích hoặc mục đích phi nghệ thuật. Việc có mặt của điểm c cho thấy sự quan tâm, theo dõi của nhà làm luật đối với các bộ môn nghệ thuật của nước nhà.

Do vậy, không hiểu máy móc là "diễn viên chỉ được uống rượu bia trên phim để phê phán rượu bia".

Chả lẽ quay cảnh tiếp khách bằng nước ép, nước ngọt? 

Ngay khi nghị định trên có hiệu lực, VietNamNet đã phỏng vấn 1 số diễn viên, tuy nhiên đa số đều không đồng ý nêu ý kiến chính thức.

Một diễn viên từng đóng cảnh uống rượu tiếp khách (xin giấu tên) trong "Quỳnh búp bê" băn khoăn: "Những cảnh quay tiệc tùng, tiếp khách phải làm sao? Chả lẽ quay cảnh tiếp khách bằng nước ép? nước ngọt?". Cô nói rất may "Quỳnh búp bê" đã hoàn thành và chiếu cách đây hơn 1 năm nên không phải điều chỉnh theo nghị định này. 

Năm ngoái bộ phim "Hoa hồng trên ngực trái" khi chiếu trên truyền hình đã từng gây chú ý với nhiều phân cảnh các diễn viên uống say. Tuy nhiên thời điểm đó những cảnh phim này được diẽn viên và đạo diễn thoả sức sáng tạo mà không bị áp chế tài nào.

Một diễn viên chia sẻ cô thấy may vì phim đã làm xong trước thời điểm cảnh uống rượu bia bị hạn chế. Kể từ thời điểm này, tất cả các cảnh phim dính dáng đến cảnh bia rượu sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt theo luật, tương tự như việc cấm cảnh hút thuốc trên màn ảnh đã áp dụng hơn chục năm trước.

Diễn viên, NSX Trương Ngọc Ánh: Khó nhưng phải tuân thủ khi đã là luật

img

 Diễn viên Trương Ngọc Ánh trong phim hành động "Hương Ga". 

Ở góc độ diễn viên và nhà sản xuất phim, diễn viên Trương Ngọc Ánh chia sẻ với VietnamNet: "Thực ra thì cũng khó và hạn chế trong phần sáng tạo nhưng đã là qui định nhà nước thì mình phải chấp hành. Khó nhất là trong đề tài xã hội, cả thuốc lá và bia rượu đều cấm nên giờ viết kịch bản xây dựng nhân vật và hoàn cảnh cũng khó và đôi khi hơi nửa vời. Rồi phim nước ngoài thì vẫn được nên khán giả cứ hay so sánh rồi chê phim Việt Nam làm không tới nơi, không ra chất.

Tất nhiên không phải đề tài nào cũng cần có bia rượu, thuốc lá nhưng phim ảnh cần đa dạng đề tài, nhất là xã hội, hành động... Khó lắm! Nhưng mình phải tuân thủ khi đã là luật". 

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: Cần sự linh hoạt của hội đồng duyệt 

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ nêu quan điểm riêng với VietNamNet: "Theo tôi, Luật Điện ảnh nên và phải là cơ sở cho việc kiểm duyệt phim. Bởi vậy, luật càng chi tiết sẽ càng giúp người làm phim dễ dàng hơn trong việc triển khai bộ phim (câu chuyện, hình ảnh, âm thanh) của mình. 

Trong nghị định mới này, tôi nghĩ điều quan trọng nhất vẫn là sự linh hoạt và thấu hiểu của Hội đồng duyệt với từng trường hợp phim cụ thể. Nếu một bộ phim có cảnh uống rượu thì phải đặt cảnh đó trong hoàn cảnh, tình thế của nhân vật như thế nào, xã hội xung quanh anh ta ra sao?

img

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ tại bối cảnh phim lịch sử "Truyền thuyết về Quán Tiên". 

Ví dụ, một người con trai hiền lành không bao giờ uống rượu, nhưng lại có một người cha chết vì nghiện rượu. Trước mộ cha, anh nâng chén rượu lên và nói: "Con sẽ uống với cha hết chén này. Chén đầu tiên và cũng là chén cuối cùng. Mong cha yên nghỉ." Rồi anh uống cạn chén rượu đó.

Rõ ràng anh ta không phải nhân vật lịch sử và nếu đặt riêng cảnh anh uống rượu thì nó cũng không có tính chất lên án hành vi của anh. Nhưng trong trường hợp này, đây là chén rượu mà người Việt ta thường nói "nghĩa tử là nghĩa tận", một chén rượu đưa tiễn người sinh ra anh. Và đặt trong tổng thể bộ phim, cảnh quay đó sẽ chỉ mang lại cảm giác xúc động cho khán giả chứ không hề tiêu cực.

Bởi vậy, tôi nghĩ với nghị định này, vai trò của Hội đồng duyệt càng trở nên quan trọng hơn nữa và là một người làm phim. Tôi luôn rất mong nghị định này sẽ mang lại những điểm tích cực thêm cho nền điện ảnh của ta".