Còn nhiều nhà "siêu mỏng, siêu méo" trên tuyến đường Vành đai 3
Theo Sở Xây Hà Nội, thực hiện dự án mở rộng đường Vành đai 3, quận Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy phát sinh 72 trường hợp diện tích đất còn lại không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng. Đến nay, đã xử lý 56/72 trường hợp, còn tồn tại 16 trường hợp.
Hà Nội còn tồn tại nhiều nhà “siêu mỏng, siêu méo”.
Để không phát sinh các công trình “siêu mỏng, siêu méo”, Sở Xây dựng đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm và quận Cầu Giấy phối hợp với chủ đầu tư, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án kiên quyết dỡ bỏ toàn bộ công trình, bộ phận công trình trên đất, vật kiến trúc trên đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng (đã được đền bù phần công trình trên đất ngoài chỉ giới quy hoạch mở đường, hết thời hạn 30 ngày không thực hiện được hợp thửa, hợp khối); đồng thời, xây dựng lộ trình xử lý và cam kết tiến độ thực hiện.
Sở Xây dựng cũng đề nghị các quận chủ động liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn thực hiện thu hồi đất ngoài chỉ giới với các thửa đất có nguồn gốc đất khác nhau như đất nông nghiệp, đất lưu không; chủ động liên hệ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc để được hướng dẫn xử lý theo các dạng trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, hợp khối kiến trúc để bảo đảm kiến trúc cảnh quan hai bên tuyến đường...
Đề xuất giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp du lịch
Hàng loạt giải pháp đề xuất vừa được kiến nghị đến UBND nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP.HCM ứng phó dịch Covid-19.
Cụ thể, về chính sách thuế, Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế (như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng) của các doanh nghiệp du lịch và đề xuất lùi thời gian nộp thuế sang quý III hoặc quý IV/2020.
Giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở đánh giá thiệt hại của dịch bệnh, đồng thời, dự kiến đề xuất phương án miễn/giảm 50% thuế giá trị gia tăng/giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Sở Du lịch TP.HCM cũng kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp bằng hình thức cho vay với lãi suất ưu đãi giảm 30% trở lên so với lãi suất cho vay theo quy định thông thường và giảm 50% tiền thuê đất của khách sạn và các loại hình Trung tâm hội chợ triển lãm trong 2 năm từ 2020 và 2021.
Thiếu hụt trữ lượng dầu khí để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành dầu khí sẽ phải hiện thực hoá mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030.
Cụ thể, trong 10 năm tới đây (từ 2021-2030), mục tiêu đặt ra với ngành dầu khí là đảm bảo cung cấp khoảng 175-195 triệu tấn dầu quy đổi; đến năm 2045 khoảng 320-350 triệu tấn quy dầu.
Việc thăm dò gia tăng trữ lượng dầu khí trong 3 năm lại đây của PVN vẫn đầy bế tắc.
Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ đầy thách thức với PVN trong bối cảnh công tác tìm kiếm, thăm dò gia tăng trữ lượng dầu khí trong 3 năm lại đây của Tập đoàn vẫn đầy bế tắc khiến cho việc khai thác dầu khí hiện đang "ăn" vào tương lai.
Báo cáo của PVN tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 cho thấy, việc gia tăng trữ lượng dầu khí đã sụt giảm cực lớn trong 5 năm lại đây, từ mức 40,5 triệu tấn vào năm 2015 xuống còn 12 triệu tấn vào năm 2018 và 13,38 triệu tấn vào năm 2019.
Vì vậy, hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác năm 2019 chỉ đạt 0,63 lần và là năm thứ 4 liên tiếp kể từ năm 2016 tới nay hệ số này tiếp tục ở mức báo động, không đảm bảo phát triển bền vững.
Thêm 3 trường hợp được miễn lệ phí môn bài
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 4/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài.
Theo đó, miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01/01 đến 31/12) đối với: Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghệp mới); Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.
Bên cạnh đó, Nghị định 22/2020/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 5 của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP về khai, nộp lệ phí môn bài. Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/1 hàng năm.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/2/2020.
Đề xuất giá bán lẻ điện sinh hoạt theo 5 bậc thang
Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo lấy ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Theo đó, Bộ Công Thương đưa 5 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 1, 3, 4 và 5 bậc.
Với phương án 1 là 1 bậc, giá điện bằng mức giá điện bình quân hiện hành cho sinh hoạt là 1.897 đồng/kWh. Theo phương án 1 bậc, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 201 kWh/tháng trở lên (khoảng 6,7 triệu hộ) tiền điện phải trả giảm từ 8.000 đến 330.000 đồng/hộ/tháng.
Còn tại phương án 2, cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt bao gồm 3 bậc. Cụ thể, giá điện bậc 1 (từ 0 - 100 kWh); bậc 2 từ 101 - 400 kWh; bậc 3 từ 401 kWh trở lên.
Với phương án 3, cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt bao gồm 4 bậc thang. Cụ thể, giá điện bậc 1 từ 0 - 100 kWh; bậc 2 từ 101 - 300 kWh; bậc 3 từ 301 - 600 kWh; bậc 4 từ 601 kWh trở lên.
Phương án cuối cùng là chia giá điện theo 5 bậc thang. Nguyên tắc xây dựng đảm bảo giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi; Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi; Các hộ có mức sử dụng điện thấp dưới 700 kWh sẽ có tiền điện phải trả giảm, các hộ có mức sử dụng điện cao trên 700 kWh/tháng phải trả tăng tiền điện để bù cho mức giảm của các hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh