Nhà nước ta cho người bị cách ly được hưởng chế độ ăn uống mức 57.000 đồng/ngày/người, hệt như một cán bộ, chiến sỹ trong quân đội đang có trách nhiệm theo dõi, chăm sóc người bị cách ly. Họ rất căng thẳng và vất vả nhưng cũng đâu có chế độ gì hơn trong ăn uống. Điều này càng cho thấy đó là một cố gắng rất lớn của chúng ta.
Tuy nhiên, nếu như số người ban đầu về Việt Nam bị cách ly tại Lạng Sơn hoặc ngoại thành Hà Nội được nhà nước cho hưởng chế độ ăn uống miễn phí này thì đến nay, mỗi tỉnh, thành phố lại đang có cách làm khác nhau mà gần như là tăng thêm mức ăn chứ không hề giảm.
Ảnh minh họa.I.T
Điển hình nhất mà tôi thấy có lẽ là thành phố Hải Phòng. Những người được ngành y tế Hải Phòng cho cách ly tại bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp đã được hưởng mức ăn những 150.000đ/ngày/người. Điều này càng cho thấy việc chăm lo cho người dân của nhà nước ở các địa phương đều rất chu đáo.
Hải Phòng vài năm gần đây có điều kiện kinh tế khá hơn nhiều địa phương khác nên chính sách xã hội cũng thay đổi tích cực. Ví dụ như lâu nay, theo như tôi biết, nếu vào ngày Tết nguyên đán, chế độ quà tết cho gia đình liệt sỹ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước chỉ được trao dăm ba trăm ngàn thì tại thành phố này, các gia đình có người hy sinh vì Tổ quốc đã được nhận quà lên đến trên 3 triệu đồng. Điều này thật đáng nể và rất nên phát huy, nhân rộng.
Tuy nhiên, cách làm như Hải Phòng và 1-2 địa phương khác mà tôi biết trong việc “bao ăn” người cách ly có cần thiết không? Theo tôi thì không nên và không cần thiết phải như vậy.
Tôi không có ý gì khác khi so với việc thành phố Đà Nẵng ứng xử với 20 du khách Hàn Quốc có xuất phát điểm đến thành phố này từ tâm dịch bên nước họ. Họ đã được thành phố cho hưởng chế độ ăn những 200.000 đ/bữa, rất chu đáo vì dù sao, họ cũng là nhưng vị khách “bất đắc dĩ”, khó xử.
Tôi lại rất tán thành cách làm này của chính quyền nới đây là bởi khi ấy, thành phố Đà Nẵng vẫn đang còn lúng túng, khi khách họ đã sang Việt Nam rồi trong khi Chính phủ chưa có quyết định rõ về hướng xử lý người đến từ vùng tâm dịch.
Vì thế, lối ứng xử của thành phố Đà Nẵng là có lý có tình, thể hiện sự mến khách .
Vào thời điểm trước ngày 24/2, nếu có ai sang Việt Nam cũng cần cẩn trọng trong cách làm nếu không muốn căng thẳng về mặt ngoại giao. Chính du khách đâu có biết mình sẽ phải quay lại nếu không chịu cách ly 14 ngày theo quy định chung của y tế thế giới. Khi họ về nước, vẫn những có người thiếu thiện chí với chúng ta, cho rằng Đà Nẵng để họ ăn uống thiếu thốn, bôi bác để thấy thực tế muôn vàn phức tạp khó chiều…
Kinh tế Việt Nam năm 2020 này chắc chắn sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng và gặp nhiều khó khăn. Tiết kiệm chi tiêu ngân sách sẽ càng trở thành quốc sách. Nên chăng với đối tượng bị cách ly khi về nước như hiện nay, Nhà nước nên cân nhắc, tính toán lại, không cần thiết phải “bao ăn” như chúng ta đã làm mà nên thu tiền, không hoàn toàn thì cũng phải góp một mức nào đó.
Đấy là một cách thể hiện trách nhiệm công dân với đất nước. Lúc đất nước khó khăn, hãy chung tay giải quyết vấn đề. Nhiều nước cũng đã làm theo cách này, người nhập cảnh không những phải đóng góp chi phí ăn uống, mà cả các chi phí cách ly, kiểm tra y tế.
Rồi đây, nếu dịch phức tạp hơn, số người Việt vẫn muốn trở về nước nhiều hơn, khi đó sẽ là một khoản chi rất lớn, một gánh nặng thực sự cho ngân sách quốc gia.
Lẽ nào người dân không thể cùng góp sức?