Dây dưa bồi thường, hỗ trợ người dân…
Dự án thành lập Trường Đại học Văn hoá – Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn (gọi tắt Trường ĐH Du lịch Sài Gòn) trên cơ sở nâng cấp từ Trường cao đẳng Văn hoá – Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương tại công văn số 6850/UBND-VX ngày 21/12/2009.
Tháng 6/2012, UBND TP.HCM cũng chấp thuận địa điểm xây dựng trường tại Khu đô thị Tây Bắc, với diện tích 5,1 ha, thuộc xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM. 5 hộ dân hiện đang có đất bị quy hoạch trong dự án này.
Chủ đầu tư chỉ mới dựng tấm bảng trên khu đất, sau hơn 11 năm được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương. Ảnh: C.H
Theo đó, các hộ dân trên đã nhận được quyết định bồi thường, hỗ trợ thiệt hại từ tháng 4/2018 của UBND huyện Củ Chi. Trước đó, trong năm 2017, UBND huyện Củ Chi đã ra các văn bản thông báo thu hồi đất của 5 hộ dân, với lý do “để thực hiện dự án đầu tư xây dựng” Trường ĐH Du lịch Sài Gòn.
Ban bồi thường – giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi đã chiết tính bồi thường cho các hộ: Vương Duy Nhường (3,9 tỷ đồng), Trần Thái Quốc (2,4 tỷ đồng), Nguyễn Thị Ngọc Bích (3,7 tỷ đồng), Võ Hồng Sơn (1,5 tỷ đồng) và Võ Thị Thanh Thuý (310,9 triệu đồng). Ngoài ra, dự án còn phải bồi thường phần đất do UBND xã Tân Thông Hội quản lý, với số tiền 10,9 tỷ đồng. Tổng số tiền bồi thường cho 5 hộ dân và UBND xã Tân Thông Hội là 23,1 tỷ đồng.
Lẽ ra, chủ đầu tư dự án – hiện nay là Trường cao đẳng Văn hoá – Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, phải hoàn tất việc bồi thường cho các hộ dân vào tháng 5/2018. Thế nhưng, sau đó, trường viện lý do Ngân hàng Vietinbank “không đi thẩm định, vì quá cận ngày nghỉ lễ, nên không thể chuyển tiền theo đúng tiến độ được”.
Vì vậy, tại văn bản số 27-18/CV-CĐSG, ngày 27/4/2018, ông Vũ Khắc Chương – Hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hoá – Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn – đã đề nghị Ban bồi thường huyện Củ Chi, xin gia hạn thời gian bồi thường cho các hộ dân.
Ông Phan Tiến Hải (đại diện cho chủ hộ Nguyễn Thị Ngọc Bích) chỉ vào khu đất bị quy hoạch, bỏ hoang hoá nhiều năm. Ảnh: C.H
Gần 9 tháng sau (21/1/2019), nhà trường tiếp tục có thông báo gửi các hộ dân đến nhận tiền bồi thường vào ngày 26/2/2019. Song, thêm một lần nữa nhà trường cho người dân… ăn bánh vẽ, tiền bồi thường vẫn không thấy đâu. Nhà trường lại xin gia hạn thời gian thanh toán tiền bồi thường đến ngày 10/3/2019.
Tuy nhiên, từ đó đến hôm nay (tháng 3/2020) đã tròn 1 năm, chủ đầu tư vẫn tiếp tục dây dưa, chưa bồi thường cho các hộ dân…
Ông Vương Duy Nhường (trú phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết: “Chúng tôi đã thiệt đơn, thiệt kép trong vụ việc này. Chủ đầu tư phải dứt khoát, nếu có khả năng đầu tư dự án thì phải bồi thường cho người dân. Không thể cứ dây dưa kéo dài cả chục năm qua. Nếu không đủ năng lực đầu tư, thì chính quyền phải thu hồi, bỏ quy hoạch “treo”, để người dân còn canh tác, giao dịch, không kéo dài lãng phí tài nguyên đất như thời gian qua”.
Chưa bồi thường, vẫn lấy đất dân để xin… thành lập trường ĐH
Rõ ràng, đất do người dân quản lý, chưa bồi thường, hỗ trợ... nhưng lạ kỳ thay, tại các văn bản thành lập Trường ĐH Du lịch Sài Gòn (ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận), lại thể hiện Trường lấy khu đất 5,1 ha (trong đó có đất của 5 hộ dân) chưa giải toả, bồi thường, làm cơ sở để xin Chính phủ cho phép thành lập trường ĐH.
Tấm bảng bị đổ sập xuống đất, các chủ hộ dân phải dựng đứng mới đọc được thông tin. Ảnh: C.H
Cụ thể, Tờ trình số 340/TTr-BGDĐT ngày 22/5/2017 của Bộ GD-ĐT, về việc phê duyệt chủ trương thành lập Trường ĐH Du lịch Sài Gòn, cho biết: “Toàn bộ đất đai, cơ sở vật chất thiết bị, vốn đầu tư và nhân lực trong Đề án tiền khả thi thành lập Trường ĐH Du lịch Sài Gòn được xây dựng trên cơ sở nguồn lực của Trường cao đẳng Văn hoá – Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn”.
Bộ GD-ĐT cũng khẳng định “Trường ĐH Du lịch Sài Gòn có tổng diện tích đất trên 6,1 ha”. Trong đó, “Ngoại thành: Đã có chủ trương giao đất của UBND TP HCM…, diện tích đất là 5,1 ha”. Đây là một trong những điều kiện hết sức quan trọng để từ đây, Bộ GD-ĐT và Chính phủ mới cho phép thành lập Trường ĐH Du lịch Sài Gòn.
Thế nhưng, toàn bộ 5,1 ha đất mà chủ đầu tư coi như là đất của mình, để đưa vào đề án nhằm xin thành lập trường ĐH, trên thực tế là chưa bồi thường, vẫn là đất do 5 hộ dân quản lý từ hàng chục năm qua. Trong suốt nhiều năm liền, phần lớn khu đất vẫn là những đám cỏ hoang hoá, với lau sậy rậm rạp…
Các hộ dân mong mỏi chủ đầu tư sớm trả tiền bồi thường, hoặc chính quyền phải bỏ quy hoạch dự án, trả lại quyền sử dụng đất cho người dân. Ảnh: C.H
PV báo Dân Việt đã trực tiếp đến hiện trường khu đất của dự án Trường ĐH Du lịch Sài Gòn. Tại đây, chủ đầu tư dự án chỉ … “đầu tư” mỗi tấm bảng, với dòng chữ ghi “Dự án xây dựng Trường Đại học Du lịch Sài Gòn”. Gần đây, tấm bảng trên cũng gãy, đổ úp xuống đám cỏ sậy…
Người dân ca thán, vì dây dưa, kéo dài bồi thường, Còn Ban bồi thường -GPMB huyện Củ Chi cũng bức xúc. Ông Trần Tấn Lộc – Trưởng Ban bồi thường GPMB huyện Củ Chi cho hay: “Kinh phí hoạt động của Ban đang gặp rất nhiều khó khăn, không có nguồn kinh phí để chi thanh toán tiền thuê thẩm định giá xác định giá đất, thuê đo đạc, tiền lương cho cán bộ, nhân viên”.
Mặc dù vậy, chủ đầu tư vẫn chưa chuyển thanh toán chi phí phục vụ công tác bồi thường trên 554,6 triệu đồng cho Ban bồi thường -GPMB huyện Củ Chi (tính đến tháng 4/2019). Chưa bao giờ, cả người dân lẫn cơ quan chức năng địa phương lại mong sớm có “lối thoát” cho dự án “treo” này.
Không thể cứ dây dưa kéo dài việc bồi thường, trong khi dự án cũng không tiến triển, đất đai tiếp tục hoang hoá… Và, người dân thì thua thiệt đủ điều !