Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý I/2020, dù chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng dịch bệnh bùng phát lại tạo cơ hội cho thương mại điện tử trong nước phát triển. Bộ TT&TT đánh giá các doanh nghiệp lớn đã tăng cường phát triển các giải pháp công nghệ mới hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ tiện ích trên nền tảng di động nên sản lượng tiêu dùng dịch vụ trong nước vẫn ở mức cao.
"Do tâm lý ngại ra ngoài đi chợ, mua hàng vì sợ lây nhiễm bệnh, nhiều người dân đã lựa chọn mua các sản phẩm thiết yếu, các vật dụng y tế qua mạng internet. Chính vì thế mà hoạt động thương mại điện tử trong thời gian gần đây khá sôi nổi. Nếu như các năm trước, hoạt động mua bán trên mạng chỉ nở rộ vào thời điểm trước tết, còn thời điểm sau tết thường trầm xuống thì trong thời điểm này năm 2020, hoạt động mua bán trên mạng vẫn rất sôi động", một chuyên gia kinh tế nhận định.
Dịch Covid-19 đang là cơ hội cho sự phát triển của thương mại điện tử. (Ảnh minh họa)
Thật vậy, ghi nhận trên thị trường thương mại điện tử, nhiều nhà bán lẻ không phủ nhận nhiều mặt hàng nhập khẩu gặp đôi chút khó khăn trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Song theo các đơn vị này, nhu cầu mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng trong nước vẫn ở mức cao, khi mà người dùng đang hạn chế ra ngoài tập trung ở những nơi đông người.
Bên cạnh đó, các nhà hàng hoạt động trên những dịch vụ đặt món ăn trực tuyến (Now, GoFood, Baemin,...) cũng trở nên đắt khách. Anh Nguyễn Duy Vĩ - nhà sáng lập Ẩm thực nhà Bu (Bu's food) với hai món ăn nổi tiếng là bánh bột lọc và chả cây cho biết, doanh thu của công ty trong quý I/2020 bỗng tăng mạnh đến 30% so với trung bình năm 2019. Hiện, anh đang bán các đặc sản gia truyền trên dịch vụ của Now và Baemin.
"Quan sát thị trường dễ nhận ra dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nhưng trong cái khó ló cái khôn, áp dụng công nghệ sẽ giúp các nhà kinh doanh mà đặc biệt trong lĩnh vực ẩm thực như Bu's food phát triển ngoài mong đợi. Khi người dùng càng lo sợ dịch Covid-19 thì mình càng phải chứng minh sản phẩm ngon, sạch, an toàn - chúng tôi đã sớm nhận ra và gặt hái thành công", anh Duy Vĩ chia sẻ.
Gian hàng của Bu's food trên mạng thường xuyên trong tình trạng "cháy hàng".
Được biết, để đáp ứng nhu cầu quá lớn từ người tiêu dùng, hiện, anh Vĩ đã mở rộng xưởng sản xuất và trang bị thêm các trang thiết bị, máy móc hiện đại, đồng thời tuyển thêm nhân viên nhằm tăng sản lượng sản xuất bánh bột lọc và chả cây. Trong thời gian tới, anh Vĩ cho biết, anh còn ấp ủ nhiều kế hoạch phát triển các món ăn gia đình khi dịch Covid-19 qua đi.
Anh Nguyễn Văn Hùng (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm người giao hàng cho một cửa hàng bán đồ gia dụng online được khoảng hơn 2 năm. Trước đây, mỗi ngày anh chỉ nhận được khoảng dưới 20 đơn hàng nhưng thời gian gần đây, khi dịch Covid-19 đang diễn ra, số lượng đơn hàng tăng đáng kể, có ngày tăng gấp đôi so với trước đây, trung bình tăng khoảng 50 - 60% đơn hàng mỗi ngày.
Cũng vì ảnh hưởng dịch bệnh mà người dân ngại đến siêu thị mua sắm, chỉ ở nhà lướt mạng, đặt hàng và hàng sẽ được giao đến trong thời gian sớm nhất. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số dẫn lời bà bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh mà dịch vụ giao hàng tận nhà của Co.opmart Hà Nội tăng mạnh hơn.
Cụ thể, theo thông tin trong bài đăng của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế, số lượng đơn hàng đặt giao tận nhà tại Co.opmart Hà Nội đã tăng đáng kể, từ chỗ chỉ có khoảng 30 - 40 đơn hàng mỗi ngày thì hiện nay, các đơn hàng đã tăng 10%, cao điểm có những ngày trên 100 đơn. hàng. Trung bình mỗi đơn hàng có giá trị khoảng 400.000 đồng, các mặt hàng đa phần là thực phẩm khô như mỳ tôm, bánh kẹo do khách hàng vẫn có tâm lý dự trữ thực phẩm.
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2019 do Google và Temasek công bố hồi đầu năm 2020, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 đạt 5 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%. Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó, với quy mô dân số 95 triệu người, tỉ lệ dân số trẻ và thuộc nhóm có mức độ truy cập internet cao là cơ sở để thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, với mức tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015 trở lại đây, nhiều ý kiến cho rằng năm 2020 quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có khả năng lên tới 13 tỉ USD, kỳ vọng đạt 23 tỉ USD vào 2025. Còn iPrice nhận định: Thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cho những công ty biết đổi mới và biết giữ chân khách hàng bằng chất lượng. |