Tháng 6/1986 khi đoàn phim đến Cửu Hoa sơn để quay tập Vào nhầm Tiểu Lôi Âm. Một ngày khi đang quay phim trong chùa cảnh Đường Tăng tiến vào Tiểu Lôi Âm, bất ngờ có hai vị khách đến tức tốc muốn gặp đạo diễn Dương Khiết. Đó là nghệ sĩ biên tập âm nhạc Vương Văn Hoa và nhạc sĩ Hứa Kính Thanh. Sự có mặt của họ khiến Dương Khiết vừa bất ngờ nhưng cũng hết sức phấn khởi. Đáp lại niềm vui của bà, gương mặt của hai người lại tỏ ra âu sầu và có thái độ hết sức lo lắng, bồn chồn. Hóa ra Văn Hoa và Kính Thanh mang đến cho đạo diễn Dương một thông tin thực sự đáng buồn.
Hứa Kính Thanh (thứ hai từ trái qua) chụng chung cùng đạo diễn Dương Khiết (áo đen), Lục Tiểu Linh Đồng (ngoài cùng bên trái) và Trì Trọng Thụy (phải).
Nghe nói sau khi hoàn thành 11 tập phim, tờ Bắc Kinh nhật báo cho đăng tải bài viết với đại ý đưa ra góp ý về ca khúc chủ đề của phim Tây Du Ký. Về sau, tờ Công nhân nhật báo lại tiếp tục cho đăng. Cũng vừa hay trong đài có người tỏ ra không hài lòng với phần nhạc và ca khúc được sử dụng trong 11 tập vừa rồi. Sự việc này khiến giám đốc đài CCTV Vương Phong tổ chức hẳn một hội nghị với sự tham dự của một số chuyên gia về lĩnh vực âm nhạc. Trong hội nghị đưa ra những ý kiến hết sức nghiêm túc về vấn đề âm nhạc và ca khúc trong Tây Du Ký. Vương Phong cũng đã tổng hợp mọi ý kiến và gửi đến cho Dương Khiết xem để nắm tình hình hội nghị nêu ra.
Lúc này vẻ trầm ngâm của Hứa Kính Thanh khi nhìn đạo diễn Dương với vẻ gần như bất lực. Đạo diễn Dương cũng không ngờ hai bên mới vừa hợp tác cùng nhau chưa được bao lâu mà giờ lại phải ngừng giữa chừng. Có vẻ như lần này Hứa Kính Thanh đến tìm gặp Dương Khiết là vì muốn nói lời cảm ơn hoặc cũng có thể muốn nói lời từ biệt trước khi có người khác đến thay. Trong tờ tổng kết mà giám đốc Vương gửi cho Dương Khiết, những ý kiến của phía các chuyên gia, đại khái ý của họ đều cho rằng, phần nhạc của Kính Thanh bị cho là có phần hơi “tây” quá. Vừa mới bắt đầu ca khúc đã xuất hiện âm thanh của trống điện tử, như vậy là không đủ dân tộc hóa trong âm nhạc. Kiểu âm nhạc này không thể dùng để miêu tả về một trong Tứ đại danh tác cổ điển của Trung Quốc, như vậy là không phù hợp. Phần lớn nhạc khí sử dụng đều làm mất đi hình tượng của Tứ đại danh tác.
Ngoài ra, ý kiến còn cho rằn âm nhạc không có tính thời đại, cần phải học tập theo những bản như Tứ thế đồng đường hay Gia Cát Lượng… Còn về ca khúc chủ đề Xin hỏi đường ở nơi đâu cũng không được, lối hát mềm yếu quá thông dụng, quá tự tình và cần phải thay ngay lập tức. Tóm lại là ý kiến của các chuyên gia âm nhạc là ca khúc trên không phù hợp, cần phải thay ngay nhạc sĩ khác.
Sau khi xem qua những ý kiến trên, Dương Khiết cảm thấy thật khó chấp nhận. Mặc dù ý kiến của giám đốc đài thì không thể không xem xét, thế nhưng hiện tại vị trí của Dương Khiết lúc này là một đạo diễn của bộ phim, nếu như không có chủ kiến thì coi như chưa làm tròn trách nhiệm mà bà được giao. Dương Khiết cũng là người có trách nhiệm tới yếu tố chất lượng nghệ thuật của bộ phim. Vì vậy bà không thể bảo sao nghe vậy, quan một cũng ừ quan tư cũng gật được, cho dù có là giám đốc đài hay chuyên gia gì đi chăng nữa.
Về phần âm nhạc trong Tây Du Ký cũng như nội dung lời ca khúc, Dương Khiết đều hết sức tôn trọng, mặc dù việc nắm bắt công việc sáng tác âm nhạc cho Tây Du Ký không phải là một chuyện dễ dàng. Tuy không phải là dân âm nhạc nhưng Dương Khiết cũng có nhạc cảm. Vì vậy bà cần phần âm nhạc phải thật phù hợp với đặc điểm của Tây Du Ký, tức là vừa phải sôi động, đa dạng, vui sướng, lại vừa khiến tâm thần hưng phấn. Bà muốn âm nhạc không bị gò bó hay giới hạn trong chừng mực nào, miễn sao nó thực sự phù hợp với nội dung, tình tiết của Tây Du Ký là được.
Nhạc sĩ lão làng Diêm Túc là người đặt lời cho ca khúc chủ đề của Tây Du Ký, dựa trên phần nhạc của Hứa Kính Thanh.
Đặc biệt với ca khúc chủ đề, nhất định phải có những đặc điểm trên, hơn nữa ca khúc còn có thể khiến mọi người dễ dàng hát theo. Tất nhiên về phần này, bộ phận hòa âm sẽ phải dựa vào cảm xúc từ trong nội dung phim để sáng tác. Tây Du Ký sự tổng hợp của có những tình cảm khoan khoái, tươi vui, hài hước nhưng cũng có lúc thâm trầm, bi thương, vì vậy yếu tố âm nhạc sẽ làm tăng thêm và nổi bật những cảm xúc này. Đó chính là sự quan trọng và cần thiết của yếu tố âm nhạc.
Trước đó qua sự giới thiệu của Vương Văn Hoa, đạo diễn Dương đã nghe qua một vài ca khúc chủ đề cho một số nhạc sĩ đều là những người nổi tiếng trong giới âm nhạc. Trong đó có hai ca khúc đã được ghi âm là Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không và một ca khúc nữa mà Dương Khiết không còn nhớ tên. Ngoài ra còn một ca khúc là Thong thả đường Tây Du, tuy nhiên Dương Khiết đều không mấy hài lòng bởi cả 3 ca khúc đều bình bình không có gì nổi bật. Do đó nữ đạo diễn vẫn yêu cầu Vương Văn Hoa tiếp tục tìm kiếm thêm.
Tây Du Ký không chỉ ca ngợi về nhân vật Tôn Ngộ Không đơn thuần.
Trong lần hoàn thành tập phim Thu nhận Trư Bát Giới, trong lúc Vương Văn Hoa và Dương Khiết đang bàn bạc về chuyện ca khúc chủ đề cũng như những yêu cầu về phần âm nhạc trong phim.Vương Văn Hoa liền đưa cho Dương Khiết nghe một đoạn nhạc và hỏi ý kiến. Phần nhạc dù có thời lượng hơn một phút nhưng vừa nghe đã khiến Dương Khiết chú tâm, đó đúng là kiểu nhạc mà bà đang cần. Về sau đoạn nhạc này được sử dụng trong cảnh lũ khỉ chúc tụng yến tiệc ở Thủy Liêm động, Dương Khiết đặt tên cho phần nhạc này là Hoa Qủa Sơn vui vẻ. Tác giả của đoạn nhạc trên là nhạc sĩ Hứa Kính Thanh, về sau là nhạc sĩ thứ 7 gia nhập đoàn phim Tây Du Ký. Khi Vương Văn Hoa cho biết Kính Thanh lúc này vẫn chưa phải là một nhạc sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên Dương Khiết gạt ngay và cho biết chỉ cần nhạc phù hợp theo ý của bà là được. Sau đó vì chưa thực sự yên tâm, Dương Khiết đã yêu cầu Hứa Kính Thanh viết thêm ca khúc chủ đề cho phim.
Khi ca khúc hoàn thành, Vương Văn Hoa cho ghi âm với tên gọi Xin hỏi đường ở nơi đâu, đồng thời đưa cho Dương Khiết nghe thử. Phần lời của ca khúc do Diêm Túc soạn, thật không hổ là một nhạc sĩ lão làng. Những ca từ ngắn gọn nhưng chứa đựng ý nghĩa và nội dung một cách bao quát, súc tích. Ca khúc ca ngợi tinh thần dũng cảm của Tôn Ngộ Không trong việc trừ ma diệt quái, đồng thời khắc họa được tinh thần vượt qua gian nan vất vả tuyệt vời của bốn thầy trò trên đường đi thỉnh kinh. Phần nhạc cũng thật sự hài hòa. Dương Khiết tỏ ra hết sức vui sướng và cảm thấy thích ngay ca khúc này. Lời của ca khúc “Bốn mùa xuân hạ thu đông xoay vần, vượt qua bao nỗi đắng cay. Xin hỏi đường ở nơi đâu, đường ở dưới chân ta” chứa đựng được khí thế lớn lao, nỗ lực quyết tâm.
Trong sự tuần hoàn tuyệt đẹp của thiên nhiên còn chứa đựng cả những nỗi truân chuyên, cay đắng. Ngay lập tức Dương Khiết nói với Vương Văn Hoa về quyết định sử dụng ca khúc này làm bài hát chủ đề cho phim. Ca khúc này chẳng khác nào viết về cuộc sống của cả đoàn phim Tây Du Ký, về sau còn theo đoàn đi khắp nơi từ Bắc xuống Nam, hết năm này qua năm khác, theo chân đoàn từng bước cho đến ngày hoàn thành phim.
Tây Du Ký cón khắc họa nỗi gian truân của bốn thầy trò trên đường đi thỉnh kinh.
Dương Khiết đắn đo suy nghĩ rất lâu rồi viết cho giám đốc đài Trung ương bức thư rả lời khá dài. Trong thư, bà nói rõ suy nghĩ của bà mà đến giờ Dương Khiết vẫn còn nhớ đại ý: Về vấn đề phần hòa âm có hơi “tây” quá hay phần nhạc khí điện tử, tính dân tộc hóa, cảm xúc thời đại… Dương Khiết cho rằng không có vấn đề ta hay tây gì trong âm nhạc. Bởi Tây Du Ký là một bộ phim thần thoại, vì vậy không bị gò bó hay hạn chế bởi bất kỳ thời đại hay khu vực nào.
Trong phim còn có Ngọc Hoàng trên trời, Diêm Vương dưới địa phủ, biển cả có Long Vương, tất cả họ đều không ai biết thuộc thời đại nào. Đường Tăng trên đường thỉnh kinh trải qua một vạn tám ngàn dặm, đi qua biết bao nhiêu quốc gia, nếm trải không biết bao vất vả, gian lao. Đấy là còn chưa nói đến thế giới khi đó đâu nhuốm màu sắc thần tiên kỳ ảo, vì vậy đâu biết đấy là ở nơi nào.
Còn về yêu cầu Tây Du Ký phải có cảm xúc thời đại, cảm xúc về địa lý như trong Tứ thế đồng đường hay Gia Cát Lượng thì khác nào như không hiểu tí gì về thần thoại. Thế giới thần thoại trong Tây Du Ký là vô cùng kỳ ảo, sức tưởng tưởng của chúng ta cũng vô cùng phong phú. Nếu chỉ sử dụng những sênh, tiêu, quản, địch (nhạc cụ cổ Trung Quốc) thì chẳng phải quá đơn điệu hay sao? Dương Khiết cho rằng nếu chỉ sử dụng những nhạc cụ sẵn có thì không đủ,vì vậy tại sao lại không thể sử dụng nhạc cụ điện tử. Âm thanh “chíu chíu” dùng để diễn tả khi Ngộ Không lúc lên trời khi giáng thế không phải rất hay sao? Cảnh Nhị Lang Thần xụyt chó (Hầu Thiên Khuyển) đuổi bắt Ngộ Không nếu lồng vào chút nhạc rock thì quá hợp. Lẽ nào sức tưởng tượng của chúng ta lại không phong phú và liều lĩnh được như người xưa sao?
Cảnh Hầu Thiên Khuyển của Nhị Lang Thần đuổi bắt Ngộ Không được lồng phần nhạc có âm hưởng của nhạc rock.
Theo ý nghĩa Dương Khiết đưa ra, chỉ cần thấy thích hợp thì nhạc cụ gì, thể loại nhạc nào đều không còn ý nghĩa gì. "Chúng tôi không phải là bảo thủ khư khư tự trói mình vào cột. Còn về ca khúc chủ đề phim, tôi cho rằng hiện tại sau khi đã nghe qua vài ca khúc, chỉ có bài Xin hỏi đường ở nơi đâu là hay và phù hợp nhất. Nếu thấy cách hát còn phổ biến và chưa đạt thì chúng tôi sẽ sửa lại cách hát. Còn nếu có một ca khúc khác tốt hơn thì tất nhiên sẽ đổi, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa thấy ca khúc nào được như vậy cả", đạo diễn Dương nhận định trong thư.
Về việc cho đổi phần nhạc, Dương Khiết cho rằng không thể thực hiện việc này. Bởi nhạc của Hứa Kính Thanh không có sự trầm lặng tang tóc mà hào sảng, sôi động và dũng cảm. Cho dù tên tuổi của Kính Thanh chưa thực sự nổi tiếng nhưng điều này không có liên quan. Điều Dương Khiết muốn không phải là tên tuổi của nhạc sĩ mà chính là sáng tác nhạc và ca khúc của Kính Thanh.
Nhạc sĩ Hứa Kính Thanh (phải) chụp ảnh cùng nghệ sĩ Diêm Hoài Lễ (vai Sa Tăng).
Cuối cùng, Dương Khiết nhấn mạnh một điểm:"Tôi là đạo diễn của phim Tây Du Ký, vì vậy tôi có trách nhiệm đối với phần nghệ thuật của toàn bộ phim. Lãnh đạo đã giao phó trách nhiệm cho tôi coi như đã tin tưởng tôi là người có khả năng hoàn thành tốt bộ phim này. Do đó, mọi việc hiện giờ đều do tôi toàn quyền gánh vác, mong mọi người không nên can dự. Nếu cảm thấy không hài lòng, đợi sau khi phim hoàn thành, khi đó có thay hết chúng tôi cũng không ý kiến gì".
Nội dung thư Dương Khiết viết có ý khẳng định và tự quyết chứ không hề dùng những từ mang tính tham khảo, lựa chọn hay có vấn đề gì về ngữ nghĩa, câu chữ. Thư sau đó Dương Khiết giao cho Vương Văn Hoa và Hứa Kính Thanh mang về đưa tận tay cho giám đốc Vương Phong. Trong lòng đạo diễn Dương cũng tin tưởng sau khi đọc xong thư họ nhất định sẽ cảm thấy không vừa lòng. Dương Khiết nghĩ rất có thể sẽ có người chửi, nhưng dù sao thì bà cũng phải kiên trì bảo vệ cho phần âm nhạc và ca khúc chủ đề đến cùng.
Tháng 10/1986, đoàn phim hoàn thành quay xong và lên đường từ Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây trở về Bắc Kinh để thực hiện phần quay nội cảnh. Một hôm, Dương Khiết đến đài Trung ương để báo cáo tình hình công việc. Khi gặp giám đốc đài Vương Phong thì thấy ông cười gượng hỏi: “Cô Dương Khiết, làm sao ý kiến của chúng tôi đều không có tác dụng gì nghĩa là sao?”. Dương Khiết cũng cảm thấy khó nói và trả lời: “Bác là sếp, ý kiến của bác em nghe hay không nghe đây? Nghe theo thì em không thể, còn không nghe thì chắc chắn sẽ làm bác không vui. Dù thế nào đi nữa thì em cũng bảo vệ ý kiến của mình”. Lúc này giám đốc Vương chỉ biết lắc đầu và đi tiếp, ngay cả nụ cười ban đầu cũng tắt lịm từ lúc nào.
Ngộ Không bị nhốt dưới núi Ngũ Hành Sơn.
Về sau Dương Khiết đã điều chỉnh lại phần nhạc và phát hiện ra, người thể hiện ca khúc Xin hỏi đường ở nơi đâu ban đầu là do Trương Bạo Mặc hát, anh này thể hiện có phần nghe hơi tự tình, tự sự, có phần mềm yếu. Khi thay đổi thì sẽ đổi sang cách hát mang tính dân tộc. Dương Khiết vốn rất thích những ca khúc mà nam danh ca Tưởng Đại Vy từng hát như Bài ca mẫu đơn hay Nơi nào đào nở rộ. Vì vậy bà liền yêu cầu Hứa Kính Thanh mời Tưởng Đại Vy tới thể hiện ca khúc chủ đề cho Tây Du Ký, như vậy mới góp phần làm tăng tính hào sảng cho ca khúc. Còn trong ca khúc Anh ấy muốn làm một ngọn cỏ trong cảnh Ngộ Không bị giam dưới núi Ngũ Hành, Dương Khiết đã phải yêu cầu Hứa Kính Thanh hòa âm cho mềm mại và trầm xuống một chút, hơn nữa cho mời nam ca sĩ Úc Quân Kiếm thể hiện sẽ phù hợp hơn.
Sau này, Dương Khiết còn được biết một số lãnh đạo đài cũng có nhiều ý kiến khác nhau về phần âm nhạc trong phim. Đặc biệt là ý kiến của lãnh đạo đài Đới Lâm Phong còn yêu cầu sử dụng ca khúc ban đầu định sử dụng là Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không, trong khi phó giám đốc đài Nguyễn Nhược Lâm thì chủ trương dùng ca khúc Xin hỏi đường ở nơi đâu, với lý do đưa ra là, nội dung tư tưởng cốt yếu của Tây Du Ký không chỉ ca ngợi mỗi Tôn Ngộ Không, mà còn thể hiện chặng đường đi lấy kinh của cả bốn thầy trò, không đạt được mục đích cũng không đánh mất lòng tin. Như vậy là ý kiến của phó đài Nguyễn tán thành cách làm của Dương Khiết.
Ngày mồng một Tết 1988, đoàn phim Tây Du Ký tổ chức gặp gỡ người hâm mộ toàn quốc trong chương trình Tề Thiên Lạc. Tại sự kiện này, khán giả đều hết sức ủng hộ ca khúc chủ đề, đặc biệt là khi mọi người ai nấy đều hát vang hai câu cuối bài hát “Xin hỏi đường ở nơi đâu, đường ở ngay dưới chân ta....”.