72 giờ thức trắng
PGS-TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng phòng Thí nghiệm Cúm là “chỉ huy trưởng” của nhiệm vụ khó khăn “bắt bằng được con virus corona mới SARs-CoV-2 đang gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, khiến gần 100.000 người mắc và hơn 3.300 người tử vong. SARs-CoV-2 cũng là con virus mới tinh, còn nhiều ẩn số, là một thách thức cho nhóm nghiên cứu Phòng Thí nghiệm Cúm.
Đại diên Bộ Y tế trao bằng khen cho tập thể nhóm nghiên cứu nuôi cấy và phân lập virus corona mới, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày 12/2. Ảnh: D.L
Ghi nhận cống hiến đóng góp của Phòng Thí nghiệm Cúm trong khống chế dịch SARs 2003 , Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 vì “Đã có thành tích xuất sắc trong việc phòng, chống và khống chế dịch SARS, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân” năm 2004. Mùng 8/3 năm nay, Phòng Thí nghiệm Cúm nhận giải Kovalepxkaia 2019 bao gồm 9 cán bộ nữ (trên tổng số 11 cán bộ) đã có nhiều thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học. |
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 72 giờ lấy mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân mắc Covid-19, thức trắng nghiên cứu, cả nhóm đã vỡ òa vui sướng khi nhìn thấy hình hài sống động của con virus SARs-CoV-2 dưới ống kính hiển vi.
“Thời điểm đó, cả Việt Nam, thậm chí cả các phòng thí nghiệm khác trên thế giới đều chưa có mẫu chứng dương để đối chứng phục vụ xét nghiệm phát hiện ra virus mới này. Do đó, việc phân lập virus giống như “mò kim đáy bể”. Tuy nhiên, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia thế giới, họ khuyến cáo có thể sử dụng “họ hàng” của con virus này là virus SARs-CoV (virus này từng gây dịch bệnh năm 2003 khiến hơn 8.000 người mắc, hơn 800 người tử vong trên thế giới. Việt Nam cũng có hơn 60 người mắc và 6 người tử vong). Con virus SARs-CoV năm 2003 cũng đã được chính chúng tôi phân lập, vẫn được lưu giữ tại Phòng An toàn sinh học cấp 3 để phục vụ công tác nghiên cứu” - PGS Mai kể lại.
Chia sẻ thêm về công việc của nhóm, PGS Nguyễn Lê Khánh Hằng cho biết, cả nhóm đã có 72 giờ không ngủ, theo dõi từng sự thay đổi của mẫu nghiên cứu dưới kính hiển vi. “Sáng 7/2, khi nhận thấy có dấu hiệu phát triển của virus trong tế bào, chúng tôi nhanh chóng làm tiêu bản, cố định rồi lại chuyển xuống kính hiển vi. Và đến 9 giờ sáng ngày 7/2, khi nhìn thấy hình ảnh con virus “xòe vương miện” y như mô tả trên y văn và các kết quả phân lập thành công khác, chúng tôi đã vỡ òa trong hạnh phúc” - PGS Hằng xúc động nói.
Theo PGS Hằng, việc phân lập thành công SARs-CoV-2 là một bước tiến rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh dịch của Việt Nam. Vì khi phân lập được virus mới xác định được nguồn gốc của nó có độ tương đồng bao nhiêu với virus đang lưu hành ở Vũ Hán - khởi nguồn của bệnh dịch. Qua đó sẽ giúp giải mã nguồn gốc của virus mới, độc lực, cơ chế gây bệnh, khả năng xâm nhập, tính sinh miễn dịch...
Đây cũng là dữ liệu tiên quyết để nghiên cứu các liệu pháp điều trị, phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và sản xuất vaccin ở những giai đoạn sau.
Những hy sinh thầm lặng
Công việc nguy hiểm, thầm lặng của những “chiến sỹ” Phòng Thí nghiệm. Ảnh: Diệu Linh
Phòng Thí nghiệm Cúm được thành lập từ năm 2003, khi dịch SARs xảy ra và Việt Nam là nước đầu tiên thông báo với Tổ chức Y tế thế giới WHO về căn bệnh mới với triệu chứng viêm phổi không điển hình, tiến triển nhanh và lây truyền mạnh với tỷ lệ tử vong cao.
Nhóm nghiên cứu, lúc bấy giờ còn gọi là Phòng nghiên cứu Hô hấp (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) đứng đầu là PGS-TS Lê Thị Quỳnh Mai, trực tiếp tham gia điều tra, thu thập mẫu, tiến hành chẩn đoán, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm đầu tiên điều trị tại bệnh viện Việt - Pháp (3/2003). Cùng với các đồng nghiệp quốc tế, virus SARs-CoV - một tác nhân hoàn toàn mới đã được định danh vào tháng 4/2003.
Các khái niệm và thực hành về an toàn sinh học lần đầu tiên được cập nhật tại Việt Nam, Phòng Thí nghiệm Cúm được giao trách nhiệm phát triển các quy trình đánh giá nguy cơ và quy trình thực hành an toàn sinh học và phòng thí nghiệm ở các mức độ khác nhau. Những quy trình kỹ thuật này đã được Bộ Y tế phê duyệt và phổ biến trong toàn bộ hệ thống phòng thí nghiệm trên phạm vi toàn quốc vào đầu năm 2005.
Ngoài ra, Phòng Thí nghiệm Cúm đã được xây dựng thành Trung tâm chuẩn quốc gia, đầu ngành về nghiên cứu virus cúm, thành viên trong mạng lưới cúm toàn cầu (GISRS), đóng góp vào chẩn đoán, nghiên cứu virus cúm gia cầm độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người A/H5N1 (2003-2014).
Đối với các bệnh dịch mới nổi gần đây như đại dịch cúm Mexico H1N1 năm 2009, virus Mers Cov năm 2012, dịch Ebola... các thành viên Phóng Thí nghiệm đều đã tiếp cận với những mẫu bệnh phẩm, đối mặt với nhiều virus nguy hiểm. Các chị cũng đã có những nghiên cứu phát triển vaccin phòng chống cúm và kiểm soát sự kháng thuốc của các virus cúm như: Cúm A/H5N1, cúm A/H1N1...
Nói về quá trình làm việc mỗi ngày như “đi ra trận” của mình, PGS Mai cho biết, để đảm bảo an toàn cho bản thân, các nhân viên Phòng Thí nghiệm phải luôn thực hành với độ chính xác và sự tỉnh táo cao nhất. Vì chỉ cần một thao tác sai, lơ đễnh là có thể lây dính vào virus bị bệnh, thậm chí phát tán virus ra bên ngoài.
TS Hoàng Vũ Mai Phương cho biết, virus không nhìn được bằng mắt thường, do đó, công việc của chị và đồng nghiệp vô cùng tỉ mỉ, kiên nhẫn, từ việc cố định bệnh phẩm, chuyển bệnh phẩm, rồi cắt, đúc, nhuộm, đưa tiêu bản cho bác sĩ đọc, rồi đến việc nghiên cứu, nuôi cấy, giải mã, phân lập virus... Việc này cũng phải làm với độ chính xác tuyệt đối. “Chúng tôi tiếp xúc trực tiếp với các mẫu bệnh phẩm, nên nguy cơ nhiễm virus, lây bệnh là rất cao. Khi bước vào Phòng Thí nghiệm này, ai cũng phải lường trước được điều đó” - TS Phương nói.
Thật khó có thể miêu tả hết sự hy sinh, vất vả của những “chiến sỹ” trong Phòng Thí nghiệm Cúm. Để quen được với những nỗi vất vả mà người thường không thể nào chịu nổi, các chị đã phải luyện, phải dành hàng chục năm vùi mình trong phòng thí nghiệm. Coi phòng thí nghiệm như một phần không thể tách rời của cuộc đời mình...
Để có được “may mắn” phân lập được SARs-CoV-2 nhanh chóng như ngày hôm nay, các chị đã dành phần lớn thanh xuân để “cắm mặt” vào các ống kính hiển vi trong các phòng thí nghiệm chật chội, trắng lóa, buồn tẻ...
Việc giải mã được những con virus mới của các chị đã góp phần tạo thêm những “vũ khí” mới, trận tuyến mới giúp Việt Nam thắng trận trong những cuộc đối đầu với các bệnh dịch lớn, trong đó có dịch Covid-19 hiện nay.