Với một sức sáng tạo dồi dào, Kim Ki-Duk đã cho ra đời gần hai chục bộ phim, trong đó có không ít phim được đánh giá cao, đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Qua những tác phẩm của mình, ông cũng đã hình thành nên phong cách riêng độc đáo, vô cùng ấn tượng. Một trong những bộ phim nổi tiếng và cũng tiêu biểu nhất cho phong cách của Kim Ki-Duk là "Samaria" (2004). Bộ phim đã đem về cho ông giải Gấu bạc Đạo diễn xuất sắc tại LHP Berlin.
Như hầu hết các tác phẩm khác của Kim, "Samaria" là bộ phim theo thể loại phim bi kịch (drama). Bộ phim thực sự là một bi kịch với câu chuyện đau lòng về hai cô bé tuổi teen (Jea-Young và Yeo-Jin), chỉ vì muốn kiếm tiền đi du lịch Châu Âu mà sẵn sàng làm gái điếm.
Sau cái chết thương tâm của Jea-Young, Yeo-Jin quyết định ngủ lại với tất cả những người đàn ông là khách hàng của bạn mình trước đây và trả họ đúng số tiền họ đã trả cho Jea-Young. Biết được việc làm của con gái, bố Yeo-Jin rất đau đớn. Ông đã tìm mọi cách để ngăn cản và trả thù những gã đàn ông ngủ với con gái mình, kể cả bằng những biện pháp tàn khốc và đẫm máu.
Chỉ thông qua nội dung và vấn đề bộ phim đề cập đến, ta đã thấy được tính quyết liệt trong phong cách của đạo diễn. Các tác phẩm của Kim Ki-Duk thường tập trung vào những vấn đề gai góc của xã hội: Mại dâm, tội phạm, giết người... hay những phần tối của con người như bản năng dục vọng, tính bạo lực, cái ác...
Bộ phim "Samaria" cũng nói về một trong những vấn đề nhức nhối và "nhạy cảm", đó là nạn mại dâm ở tuổi vị thành niên. Trái với cách thể hiện thông thường khi người ta luôn hình dung về lứa tuổi trăng tròn với những gì trong sáng, đẹp đẽ nhất, bộ phim của Kim Ki-Duk đã đặt sự ngây thơ của các cô bé bên cạnh những thứ trần trụi như tình dục và bạo lực.
Nếu điểm lại thì có thể thấy trong bất cứ bộ phim nào của Kim cũng đều có yếu tố tình dục và bạo lực. Nhưng ít có tác phẩm nào lại gây cho người xem cảm giác "sốc" đến thế. Bởi sự đối lập giữa tính ngây thơ trong trắng của tuổi mới lớn với sự khốc liệt, kinh khủng của yếu tố bạo lực và tình dục quả thực đã gây một hiệu quả ấn tượng đến đau xót.
Sự quyết liệt, gây sốc cho người xem còn được tạo nên bởi cách xử lý đẩy tình huống đến cùng của đạo diễn. Các tình huống trong phim được đưa ra đã rất khắc nghiệt, nhưng tác giả vẫn tiếp tục đẩy các sự kiện phát triển đến đỉnh, tới mức nghiệt ngã. Việc hai cô bé vị thành niên để có tiền đi du lịch Châu Âu nên tự nguyện làm gái bán dâm đã gây cho khán giả sự chua xót. Nhưng đạo diễn không dừng lại ở đó mà còn phát triển sự kiện đến cái chết thương tâm của cô bé Jea-Young.
Người xem càng đau lòng hơn khi để thực hiện tâm nguyện cuối cùng của bạn mình là được gặp người đàn ông cô thích, Yeo-Jin đã phải trao thân cho anh ta, nhưng khi kéo được anh ta đến bệnh viện thì đã quá muộn: Jea-Young đã chết. Sau cái chết của Jea-Young, cô bé Yeo-Jin lại tiếp tục công việc của bạn với mục đích trả lại hết số tiền mà bạn cô đã kiếm được.
Nhưng chính việc làm ấy đã kéo theo sự trả thù tàn khốc của bố Yeo-Jin đối với những người đàn ông ngủ với con gái mình. Sự trả thù ấy cũng được đạo diễn đẩy lên từ từ. Ban đầu ông bố chỉ mới ngăn cản, doạ nạt những kẻ định đến gặp con gái. Sau đó mức độ trả thù tăng lên, ông tìm đến tận nhà của một người đàn ông, đánh mắng, hạ nhục ông ta ngay trước mặt gia đình, con cái, khiến ông ta phải nhảy lầu tự tử. Cuối cùng, đỉnh điểm của sự trả thù là hành động đánh chết một gã thanh niên - kẻ cuối cùng trong danh sách trả nợ của Yeo-Jin.
Sự trả thù âm thầm, tàn khốc của ông bố khiến người xem phải căng thẳng theo dõi cho đến tận hành động khủng khiếp cuối cùng. Đạo diễn đã dùng cách thể hiện trực tiếp bằng cả hình ảnh và âm thanh, khiến cho khán giả thực sự bị sốc trước hành vi đẫm máu, đậm chất bạo lực. Việc đẩy các sự kiện đến cực điểm cho thấy cách xử lí quyết liệt, không né tránh, khoan nhượng của đạo diễn.
Kim Ki-Duk còn thường đặt các nhân vật vào những hoàn cảnh có tính mâu thuẫn cao, buộc nhân vật phải hành động một cách mạnh mẽ. Bởi vậy, các nhân vật trong phim của ông thường có cá tính nổi bật, in đậm trong tâm trí người xem. Ta thấy cả ba nhân vật trong "Samaria": Jea-Young, Yeo-Jin và bố Yeo-Jin đều hành động quyết liệt trong hoàn cảnh của mình. Jea-Young tự đặt mình vào tình cảnh trái ngang, một cô bé mới lớn tự nguyện trở thành gái bán hoa, thậm chí còn tỏ ra thích thú, coi đó như thể trò chơi. Đến khi bị đẩy vào tình huống bị cảnh sát dồn đến chân tường, cô bé đã quyết định nhảy lầu.
Cái chết của cô bé thực sự gây ám ảnh. Nhân vật Yeo-Jin cũng hành động một cách đặc biệt. Sau cái chết của bạn, Yeo-Jin đã quyết định tiếp tục công việc của bạn, ngủ lại với tất cả những người Jea-Young đã từng gần gũi, không những thế còn trả lại họ tiền. Việc làm này có vẻ rất vô lý nếu xét theo logic thông thường. Nhưng trong việc xây dựng nhân vật, nó đã giúp người xem thấy rõ cá tính của nhân vật và chấp nhận hành động ấy.
Nhân vật ông bố của Yeo-Jin càng khiến khán giả ấn tượng bởi hoàn cảnh mâu thuẫn cao độ: Một cảnh sát hình sự lại trở thành kẻ giết người. Vì trả thù cho con gái, người cảnh sát mẫu mực đã không từ cả những hành động bạo lực tàn khốc nhất. Có cảm giác như nhân vật này đã biến thành một kẻ sát nhân máu lạnh khi đánh chết người một cách lạnh lùng, tàn nhẫn. Nhưng nếu xét ở góc độ một người bố làm tất cả một cách tuyệt vọng để bảo vệ con gái mình thì ta vẫn có thể hiểu được hành động của nhân vật này. Sự trả thù càng khốc liệt thì càng thể hiện nỗi đau và tình yêu con mãnh liệt của người đàn ông ấy. Bởi vậy có thể nói, tính bạo lực trong cảnh ông ta giết người lại là một cách biểu hiện khác của tình thương dành cho cô con gái.
Tuy gây sốc cho người xem với yếu tố tình dục và bạo lực, nhưng phim của Kim Ki-Duk không phải là loại phim câu khách rẻ tiền. Việc sử dụng yếu tố tình dục và bạo lực trong tác phẩm của ông rất khác với công thức của các bộ phim Hollywood: Tình dục bạo lực = ăn khách. Kim Ki-Duk chỉ dùng các yếu tố đó như một phương tiện để “giải phẫu” những tội ác. Trong bộ phim "Samaria" cũng vậy, yếu tố tình dục và bạo lực tuy xuất hiện nhưng không phải là cái đích mà tác giả hướng đến.
Bộ phim vẫn có những khoảng lặng chậm rãi thể hiện tâm lý nhân vật một cách tinh tế. Tính bạo lực chỉ như sự bùng nổ của nỗi đau đớn, giận dữ của người cha khi bảo vệ đứa con gái thân yêu của mình. Hay như yếu tố tình dục cũng vậy, việc Yeo-Jin ngủ với tất cả những người đàn ông đã từng là khách hàng của bạn mình lại như một hành động hoàn trả món nợ với người bạn, biểu hiện của một tình bạn lạ kỳ nhưng chung thủy. Như vậy, đằng sau sự tàn khốc của bạo lực hay sự trần trụi của tình dục lại sáng lên vẻ đẹp của những tình cảm thiêng liêng như tình bạn, tình cha con. Đó cũng là một nét độc đáo trong phong cách của Kim Ki-Duk khi dùng những gì tồi tệ, xấu xa nhất để làm bật lên những điều tốt đẹp, cao quý của con người.
Bộ phim "Samaria" quả thực là tác phẩm tiêu biểu cho tài năng và phong cách của đạo diễn Kim Ki-Duk. Đó là một phong cách độc đáo, khác lạ và vô cùng ấn tượng. Như mọi tác phẩm khác của ông, bộ phim này có sức tác động và ám ảnh mạnh mẽ đối với người xem. Hiệu quả đó đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn của "quái kiệt" Kim Ki-Duk.