Dân Việt

Tăng hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động

Nguyệt Tạ 10/03/2020 06:05 GMT+7
Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp đang kết dư hàng chục tỷ đồng, vì vậy để nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ, thời gian tới quỹ này sẽ chuyển hướng sang việc đầu tư hỗ trợ phòng ngừa bệnh thay vì chỉ tập trung chi trả các chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp như thời gian qua.

Chi 148 tỷ đồng trợ cấp tai nạn lao động mỗi năm

Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết, chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội ở nước ta. Trong đó, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một thành phần, do người sử dụng lao động bắt buộc phải đóng cho người lao động, nhằm bảo đảm hơn đời sống của những lao động khi gặp các rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Hiện nay Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang kết dư khoảng 26.000 tỷ đồng.  Để hỗ trợ doanh nghiệp  (DN) giảm chi phí sản xuất và tiết kiệm ngân sách nhà nước, Bộ LĐTBXH đề xuất giảm mức đóng từ 1% trên quỹ tiền lương xuống còn 0,5% trên quỹ tiền lương. Chính sách này mỗi năm tiết kiệm cho ngân sách nhà nước gần 1.000 tỷ đồng và cho DN gần 3.000 tỷ đồng.

img

 Tai nạn lao động trong ngành xây dựng luôn dẫn đầu trong các ngành kinh tế. (ảnh minh họa). H.L

Trong giai đoạn 2016 – 2018, các cơ quan BHXH đã chi khám giám định thương tật bình quân là hơn 1,9 tỷ đồng/năm; chi trợ cấp bình quân là gần 148 tỷ đồng/năm; chi hỗ trợ chuyển đổi nghề bình quân là gần 67 tỷ đồng/năm…

Cũng theo Cục An toàn lao động, giai đoạn 2016 - 2019 đã có trên 4.500 DN được tư vấn xây dựng, ứng dụng hiệu quả hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời các dự án cũng hỗ trợ huấn luyện cho trên 60.000 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động...; hỗ trợ phổ biến thông tin về an toàn vệ sinh lao động thường xuyên, liên tục tại 63 tỉnh/thành phố, đến trên 40 làng nghề, 600 hợp tác xã, trên 50.000 DN vừa và nhỏ, 2.000 hội viên nông dân làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... 

Tăng phòng ngừa, giảm chi trả

Mục đích chính của Luật An toàn vệ sinh lao động là mở rộng đối tượng sang cả khu vực lao động không có hợp đồng lao động, chuyển mạnh từ bị động giải quyết hậu quả sang chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

img

Theo ông Nguyễn Anh Thơ, để thực hiện tốt hơn chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, các cấp, ngành cần tích cực sử dụng hiệu quả nguồn tối đa 10% từ nguồn thu bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng năm (500 tỷ đồng mỗi năm) để hỗ trợ cho các DN, người lao động trong cả nước phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần mở rộng nội dung hỗ trợ, nâng mức bồi thường trợ cấp, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sang khu vực không có quan hệ lao động. 

Hiện tại, Bộ LĐTBXH đang tiến hành xây dựng dự thảo mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sang nhóm lao động không có quan hệ lao động để trình Chính phủ.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội cho rằng, hiện nay quỹ đang kết dư khá nhiều, cần sử dụng nguồn quỹ này một cách hợp lý hơn. Theo đó nên loại bỏ bớt các thủ tục hành chính trong việc thanh quyết toán các trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó cũng cần nâng mức hỗ trợ với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

"Đặc biệt cần hỗ trợ DN phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bởi hiện nay DN rất ngại, thậm chí trốn khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, vì việc khám này rất tốn kém so với khám sức khỏe bình thường. Khi phát hiện ra bệnh nghề nghiệp, DN lại phải tốn kém rất nhiều chi phí chữa bệnh cho người lao động” – ông Lợi nói. “Đồng thời họ sẽ phải cải thiện điều kiện lao động, môi trường lao động. Chính vì lý do đó nên quy định hỗ trợ khám, chữa bệnh nghề nghiệp là giúp DN giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo được quyền lợi, chế độ cho người lao động".

Bên cạnh đó, cũng theo ông Lợi, cần làm tốt hơn khâu định hướng chuyển đổi nghề nghiệp, thông qua việc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Tuy nhiên, ông Lợi và các chuyên gia lao động khác cho rằng, việc quan trọng nhất chính là nâng cao truyền thông, tập huấn phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong chính doanh nghiệp. Chỉ khi làm tốt được điều này thì tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mới giảm.