Dân Việt

Bài 3: Đội xung kích Phòng chống thiên tai, cần sớm nhân rộng mô hình!

Thanh Xuân 20/03/2020 19:40 GMT+7
Ông Phan Diễn - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai, người đưa ra ý tưởng thành việc lập Đội Xung kích phòng chống thiên tai cho rằng cần thành lập mô hình này ở nhiều địa phương.
17-1583819877-width2080height1823-1614933516355

Ông Phan Diễn - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai, người đưa ra ý tưởng thành lập Đội Xung kích phòng chống thiên tai mong mỏi sớm có cơ chế chính sách rõ ràng để các địa phương triển khai (Ảnh: TX)

Thưa ông, điều gì đã thôi thúc ông và các thành viên của Quỹ Hỗ trợ Phòng tránh thiên tai miền Trung hỗ trợ thành lập Đội Xung kích phòng chống thiên tại ở các địa phương?

Đó là câu chuyện đã cách đây khoảng 10 năm. Tôi và một số anh em quê ở miền Trung, cũng có người không phải quê ở miền Trung nhưng lại có công tác, chiến đấu, gắn bó nhất định với miền Trung đã thường xuyên tham gia vào các đợt khuyên góp, giúp đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn sau những đợt thiên tai, lũ lụt.

Sau các đợt hỗ trợ, chúng tôi mới thấy, miền Trung hầu như năm nào cũng chịu hậu quả của 5 đến 7 cơn bão và ảnh hưởng của mưa lớn, ngập lụt, lũ .. Do đó, chúng tôi nhận thấy phải có một Quỹ để giúp đỡ được đồng bào căn cơ hơn, bài bản và ổn định hơn để làm sao bà con có thể “sống chung với lũ” nên chúng tôi đã quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ Phòng tránh thiên tai miền Trung.

Trong những lần Quỹ tham gia hỗ trợ (chủ yếu ở 14 tỉnh miền Trung, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận), chúng tôi nhận thấy cần có một lực lượng tại chỗ để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Do đó, đã đề xuất và hỗ trợ cho các Đội Xung kích phòng chống thiên tai ở các xã, thôn tại miền Trung. Đội Xung kích Phòng chống thiên tai đã được thành lập ở các địa phương từ những năm 2010 và Quỹ của chúng tôi cũng đã tài trợ cho việc thành lập được 85 đội kể từ đó đến nay.

Đến cuối năm 2018, chúng tôi mới đề xuất Nhà nước cho đổi tên Quỹ và mở rộng quy mô hoạt động trên toàn quốc. Bộ Nội vụ cũng đã có quyết định đồng ý, đổi tên quỹ là Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai.

Quá trình thành lập Đội Xung kích Phòng chống thiên tai lúc đó được tổ chức như thế nào, thưa ông?

Lý do Quỹ quyết định giúp đỡ các địa phương phát triển Đội Xung kích Phòng chống thiên tai xuất phát từ những lần thiên tai xảy ra ở miền Trung, chúng tôi thấy có những nơi thiên tai rất lớn nhưng thiệt hại lại ít và đặc biệt không có thiệt hại về người.

Ngược lại, có nơi thiên tai chưa thực sự nghiêm trọng nhưng thiệt hại lại nặng nề và tổn thất về người rất lớn. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy có một số nơi có kinh nghiệm phòng tránh tốt và chủ động lực lượng phòng tránh tại chỗ để ứng phó nên đã giảm thiểu thiệt hại.

Trong phương châm phòng chống thiên tai “4 tại chỗ” thì lực lượng tại chỗ là quan trọng nhất, nhưng không phải ở địa phương nào cũng có sự chuẩn bị lực lượng tại chỗ một cách chủ động.

Ở một số địa phương có mô hình điển hình khi đó như ở Nghệ An, Hà Tĩnh có những xã thiên tai xảy ra, một gia đình có kinh nghiệm, kỹ năng nên mấy bố con họ đã dùng thuyền cứu được hàng trăm hộ dân thoát khỏi nước lũ.

Từ đó, chúng tôi mới nảy ra ý tưởng giúp cho các xã thường xuyên có thiên tai lập ra Đội xung kích Phòng chống thiên tai, trang bị cho các thành viên và tập huấn cho các thành viên của đội để khi có thiên tai xảy ra, họ chủ động giúp đỡ cho bà con vượt qua những tình huống thiên tại.

23-1583819985-width914height560-1614933519457

Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai tập huấn cho Đội Xung kích PCTT xã Hải Hòa, huyện Hải Hậu, Nam Định (Ảnh: N. Hoạt)

Thành lập Đội Xung kích phòng chống thiên tai, cần hỗ trợ trang bị những kiến thức cũng như thiết bị gì, thưa ông?

Đội Xung kích Phòng chống thiên tai ở các xã lúc đầu dựa vào lực lượng dân quân tự vệ của xã làm nòng cốt. Đó là lực lượng trẻ, khỏe, nhiệt tình và thường xuyên được tập huấn. Đây là lực lượng được giao chính thức, có trách nhiệm tham gia các hoạt động được giao khi thiên tai xảy ra.

Quỹ của chúng tôi lúc đầu cũng trang bị cho mỗi xã 2 thuyền, chở được 5 - 7 người, vài chục chiếc áo phao và phao cứu sinh, loa cầm tay, đèn pin… các thiết bị cũng thô sơ và chủ yếu do các Đội Xung kích tự đề xuất. Có tỉnh hỗ trợ thành lập được 5 đội, có tỉnh 10 đội và các đội chủ yếu là cấp xã, cũng có nơi thành lập đội cấp thôn.

Ngoài ra, chúng tôi cũng mời chuyên gia của Hội Chữ thập đỏ ở các địa phương để tổ chức các lớp tập huấn, thuê họ đến giảng cho lực lượng nòng cốt của đội này các kỹ năng cơ bản. Mỗi lớp tập huấn thường vài ngày, giúp cho thành viên các đội này biết các kỹ năng cứu người đuối nước, đưa vào bờ, hô hấp nhân tạo, sơ cứu, băng bó… Nhờ có Đội Xung kích Phòng chống thiên tai, mỗi khi có thiên tai, bão, lũ xảy ra, các địa phương đã có lực lượng chủ động cho công tác ứng phó với thiên tai.

Từ khi có những Đội Xung kích Phòng chống thiên tai, ông nhận thấy có những thay đổi gì trong công tác phòng chống thiên tai của các địa phương?

Việc thành lập Đội Xung kích Phòng chống thiên tai ở các địa phương, chúng tôi nhận thấy hiệu quả rất tích cực. Ở một số địa phương, khi có bão, lũ xảy ra, rất cần có lực lượng tại chỗ để xử lý các tình huống ban đầu trước khi có lực lượng chuyên nghiệp kịp tới địa bàn.

Ở nhiều địa phương, lực lượng của Đội Xung kích Phòng chống thiên tai cũng được huy động vào rất nhiều việc như tham gia vào công tác chuẩn bị phòng, chống trước khi có bão, lũ. Khi bão, lũ đi qua họ còn tham gia vào cả các công việc hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, dựng lại nhà, dọn vệ sinh môi trường.

Từ những kỹ năng họ được tập huấn, các Đội Xung kích PCTT ở những địa phương không chỉ góp phần làm giảm thiệt hại về tài sản mà còn giảm cả về thương vong khi có thiên tai xảy ra.

Chúng tôi cũng đã nhận được phản ánh lại rằng các đội Xung kích này hoạt động rất hiệu quả, nhiều địa phương cũng mong muốn được Quỹ hỗ trợ cho việc xây dựng Đội Xung kích như thế này.

Tuy nhiên, Quỹ Phòng tránh thiên tai Miền Trung khi đó cũng có hạn, cả nước có hơn 10.000 xã thì Quỹ có làm mãi cũng không thể đủ sức. Do đó, các thành viên của Quỹ đã mong mỏi làm sao mô hình này phải được phổ biến.

Việc nhân rộng mô hình Động xung kích Phòng chống thiên tai  đã được tiến hành như thế nào, thưa ông?

Lúc đầu, chúng tôi đã liên hệ với Cục Dân quân tự vệ của Bộ Quốc phòng vì hiện Đội Xung kích phòng chống thiên tai của các xã cũng đang dựa vào lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ. Cục Dân quân tự vệ rất hoan nghênh, họ đang quản lý lực lượng dân quân rất lớn trên cả nước, đều là lực lượng trẻ, khỏe… Quân đội cũng được giao nhiệm vụ chính trị rõ ràng, khi có thiên tai xảy ra luôn là lực lượng nòng cốt tham gia cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, Cục Dân quân tự vệ cho biết không có nguồn lực để triển khai.

"Từ năm 2019, khi Nhà nước chưa có kinh phí bố trí rõ ràng thì Quỹ của chúng tôi cũng cam kết hỗ trợ thời gian đầu cho công tác xây dựng tài liệu tập huấn, xây dựng các Đội Xung kích phòng chống thiên tai “điểm” ở các vùng miền để sớm nhân rộng ra các địa phương", ông Phan Diễn cho biết.

Chúng tôi tìm đến Cục Cứu hộ cứu nạn của Bộ Quốc phòng, đơn vị này được giao nhiệm vụ khi xảy ra thiên tai phải huy động lực lượng cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả. 

Nhưng vẫn vướng phải các cơ chế chính sách, vì thành phần của Đội Xung kích Phòng chống thiên tai có rất nhiều bộ phận tham gia. Ngoài lực lượng dân quân tự vệ, còn có thành viên của Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội Chữ thập đỏ, cán bộ Trạm Y tế xã, các lãnh đạo ở các thôn,...

Cuối cùng, chúng tôi cũng đã tổ chức được một cuộc họp, có các thành viên của Cục Dân quân tự vệ, Cục Cứu hộ cứu nạn, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và đặc biệt có sự tham gia của Tổng cục Phòng chống thiên tai, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai.

Tại cuộc họp này, tất cả mọi thành viên đều thống nhất là mô hình Đội Xung kích phòng chống thiên tai rất cần thiết, phải triển khai nhân rộng. Từ đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai đã có tờ trình lên Chính phủ đề xuất thành chủ trương để triển khai trên toàn quốc.

Tất cả đều nhất trí phấn đấu lập được Đội xung kích phòng chống thiên tai, trước mắt là các đội "điểm" ở mỗi vùng miền khác nhau. Vì mỗi vùng có thiên tai khác nhau, lực lượng cứu hộ cứu nạn khi có thiên tai cần có kỹ năng khác nhau, thậm chí trang bị khác nhau. 

Chúng tôi nghĩ, nên chọn ra một số xã có điển hình thiên tai khác nhau, xây dựng giáo trình tập huấn thích hợp, xây dựng ra bộ chuẩn trang thiết bị cho các Đội Xung kích "điểm', từ đó nhân rộng.

19-1583831535-width500height281-1614933524420

Ông Phan Diễn cho biết, thời gian đầu Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai cam kết sẽ hỗ trợ xây dựng tài liệu, hỗ trợ trang thiết bị và tập huấn cho các Đội Xung kích phòng chống thiên tai "điểm" để nhân rộng mô hình (Ảnh: TX)

Đến nay, từ ý tưởng đã trở thành chủ trương triển khai thành lập Đội Xung kích phòng chống thiên tai trên toàn quốc, ông có kỳ vọng gì ở mô hình này?

Tôi rất mừng vì những ý tưởng từ thực tiễn của các địa phương mà chúng tôi đã hỗ trợ để xây dựng Đội Xung kích phòng chống thiên tai suốt 10 năm qua đã thành chủ trương của Nhà nước để tiếp tục nhân rộng. Mong muốn của tôi hiện nay là làm sao hầu hết các xã trên cả nước đều triển khai nhanh và có bài bản để chủ động phòng chống thiên tai, trong bối cảnh thiên tai ngày càng có diễn biến phức tạp như hiện nay.

Quỹ của chúng tôi ngoài việc tham gia vào "khởi xướng" giai đoạn đầu thì hiện tại cũng có cam kết hỗ trợ cho việc hình thành trang bị xây dựng giáo trình, tài liệu hướng dẫn và đào tạo các Đội Xung kích PCTT "điển hình" đầu tiên. 

Trân trọng cảm ơn ông!

22-1583819396-width375height500-1614933686470

Trung tướng Lê Phúc Nguyên - Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai cho rằng: "Không thể không có Đội Xung kích Phòng chống thiên tai ở cấp cơ sở vì nói là 4 tại chỗ mà không có lực lượng tại chỗ thì bằng không. Nếu muốn giảm thiệt hại về tính mạng con người phải có Đội Xung kích PCTT ở các địa phương. Tôi cho rằng, Đội Xung kích PCTT là thực sự cần thiết, đó là lực lượng phòng thủ dân sự, ứng phó trong các tình trạng khẩn cấp nhưng không chỉ thành lập là xong mà phải được huấn luyện, trang bị kiến thức và thiết bị để hoạt động.

Đón đọc Bài 4: Đề nghị Luật hóa cơ chế hỗ trợ Đội Xung kích Phòng chống thiên tai