Dân Việt

Vụ 8.000m3 gỗ để mục nát ở Bình Phước: Những con số “nhảy múa”

Hoàng Hưng 11/03/2020 17:17 GMT+7
Như Dân Việt đã có loạt bài phản ánh, xung quanh việc UBND tỉnh Bình Phước ban hành văn bản tiêu huỷ hơn 8.000m3 gỗ, bằng cách cho “tự mục nát tại hiện trường”, sự vụ gây bức xúc công luận trong những ngày qua. Mới đây, PV Dân Việt tiếp tục có được các tài liệu thể hiện các con số về khối lượng gỗ tồn “nhảy múa” khác nhau…

3 năm, 3 văn bản, số liệu “nhảy múa” khác nhau (?)

Cụ thể: Theo Báo cáo số 09/BC-SNN-KL ngày 16/1/2017 do Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước ban hành, về kết quả kiểm tra lâm sản đã khai thác, nhưng chưa được vận chuyển tại các khu vực thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Bình Phước, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng (tháng 8/2016), rồi UBND tỉnh Bình Phước ra công văn số 2328/UBND-KTN ngày 16/8/2016, dừng tất cả các dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp; thời điểm đó, Bình Phước có 10 dự án đang thực hiện khai thác lâm sản và đã tạm dừng việc khai thác… Trên hiện trường của 10 dự án này đều có lâm sản đã khai thác, nhưng chưa được vận chuyển (gọi là lâm sản còn tồn).

img

Hình ảnh một cây rừng hàng trăm năm tuổi đã bị cưa hạ tại tiểu khu 363 - Nông lâm trường Tân Lập, gốc cây vẫn còn tươi nguyên. Ảnh: H.H

Ngoại trừ dự án trồng rừng kết hợp chăn nuôi tại tiểu khu 69 - Nông lâm trường Bù Đốp, do Cơ quan điều tra - Bộ Công an đang điều tra, chưa có kết luận thì 9 dự án còn lại đã được Sở NNPTNT cho kiểm tra và đã có kết quả kiểm tra. Trong đó, Báo cáo số 09 của Sở NNPTNT nêu rất rõ về số lượng lâm sản còn tồn tại 2 tiểu khu 363 và 389, thuộc Nông lâm trường Tân Lập - Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước.

Theo đó, số lượng lâm sản còn tồn tại tiểu khu 389 là 1.413m3 và tiểu khu 363 là 611,4m3. Hai số liệu này còn được Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước liệt kê tại Bảng tổng hợp sản lượng lâm sản còn tồn, là phụ lục gắn kèm Báo cáo số 09.

img

Một đống gỗ thuộc 8.000m3 gỗ tồn, tại bãi tập kết ở Khu công nghiệp Đồng Xoài, thuộc Công ty TNHH Phát Lộc. Ảnh: H.H

img

Sau khi báo chí phản ánh về vụ "tiêu huỷ" 8.000m3 gỗ tồn bằng cách "tự để mục tại hiện trường", thì đột ngột, đống gỗ tại Khu công nghiệp Đồng Xoài đã bị phát hoả trong đêm, cháy rụi... Ảnh: H.H

Thế nhưng, các con số trên sau này đã có sự biến thiên, “nhảy múa”, với chênh lệch rất lớn. Đơn cử, tại Biên bản “Thống nhất khối lượng và giá trị lâm sản còn tồn tại lâm phần các dự án trên địa bàn tỉnh” của Tổ công tác liên ngành, gồm đại diện: Công an, Bộ Chỉ huy quân sự, Chi cục Kiểm lâm, Sở Tư pháp, Hạt Kiểm lâm Đồng Phú…,  ký ngày 1/10/2019, cho ra số lượng lâm sản còn tồn tại 2 tiểu khu 389 và 363, thuộc Nông lâm trường Tân Lập (Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước) khác hoàn toàn con số tại Báo cáo 09 của Sở NNPTNT cách đây gần 3 năm.

Biên bản này “thống nhất” khối lượng lâm sản còn tồn tại tiểu khu 389 là 2.716,6m3 (Báo cáo 09 là 1.413m3, tăng 1.303,6m3 sau gần 3 năm) và tiểu khu 363 là 1.179,4m3 (Báo cáo 09 là 611,4m3, tăng 568m3 sau gần 3 năm).

Và, các số liệu về khối lượng lâm sản còn tồn nêu trên vẫn tiếp tục… “nhảy múa”, biến hoá, không hề “thống nhất”, ngay tại văn bản mới nhất của UBND tỉnh Bình Phước, là cơ quan lãnh đạo cấp cao nhất của tỉnh.

Cụ thể: Ngày 30/12/2019, UBND tỉnh Bình Phước ban hành văn bản số 3911/UBND-TH, gửi các sở ngành liên quan. Theo đó, UBND tỉnh Bình Phước cho biết: Tại công văn số 07/CV-TCT ngày 18/11/2019 của Tổ công tác kiểm tra gỗ và lâm sản, thuộc các dự án trên địa bàn tỉnh, về việc “đề nghị xem xét, quyết định tiêu huỷ tài sản công”, UBND tỉnh Bình Phước đã “thuận chủ trương tiêu huỷ lâm sản tồn tại các dự án trên địa bàn tỉnh”, với tổng khối lượng 8.079,9m3. Hình thức tiêu huỷ là “để tự mục tại hiện trường”…

img

Nông dân Trần Đức Lý (ngụ ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú) là người công khai tố cáo có dấu hiệu phá rừng tại Nông lâm trường Tân Lập, Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước. Tuy nhiên, vẫn  chưa cơ quan nào giải quyết thoả đáng tố cáo của ông Lý. Ảnh: H.H

Đặc biệt, trong tổng số 8.079,9m3 lâm sản còn tồn nêu trên, tại văn bản 3911, UBND tỉnh Bình Phước khẳng định tổng khối lượng lâm sản còn tồn ở tiểu khu 363 (Nông lâm trường Tân Lập - Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước) là 1.970m3 (chênh lệch với Báo cáo 09, năm 2017 của Sở NN-PTNT là 1.358,6m3, giảm so với với số liệu của Tổ công tác trước đó 2 tháng (tháng 10/2019) là 791,3m3).

Và, UBND tỉnh Bình Phước cũng khẳng định tổng khối lượng lâm sản còn tồn tại tiểu khu 389 là 3.572,6m3 (chênh lệch so với Báo cáo 09, năm 2017 của Sở NNPTNT là 2.159,6m3, tăng so với số liệu của Tổ công tác trước đó 2 tháng (tháng 10/2019) là 856m3).

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước nói gì?

Ngay tại buổi họp giao ban báo chí tỉnh Bình Phước, diễn ra ngày 5/3 vừa qua, trả lời chất vấn của PV Dân Việt vì sao có sự chênh lệch, “nhảy múa” của các con số về lâm sản tồn, ông Trần Văn Lộc - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước - cho rằng: “Do đoàn kiểm tra dựa trên số liệu của các đơn vị chủ rừng đưa ra, nên có sự chênh lệch về con số tại Báo cáo số 09, năm 2017”.

Sau 3 năm, con số lâm sản còn tồn tại hiện trường đã có số lượng tăng vọt 1.359,3m3 (tiểu khu 363) và 2.159,6m3 (tiểu khu 389). Chưa nói, ngay chính Tổ công tác liên ngành kiểm tra khối lượng gỗ tồn cũng có sự bất nhất. Tại sao ở Biên bản “Thống nhất khối lượng…” ngày 1/10/2019 kết luận số lượng 1.179,4m3 (tiểu khu 363) và 2.716,6m3 (tiểu khu 389), nhưng khi tham mưu cho UBND tỉnh tại văn bản 3911, ngày 30/12/2019 lại biến hoá thành 1.970,7m3 (tiểu khu 363) và 3.572 m3 (tiểu khu 389)?

img

Bà Trần Tuyết Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - trả lời chất vấn của báo chí, xung quanh vụ tiêu huỷ hơn 8.000m3 gỗ tồn, vào chiều 5/3/2020. Ảnh: H.H

Trả lời về vấn đề này, bà Trần Tuyết Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - chỉ đạo: “Xung quanh những con số chênh lệch, không khớp nhau giữa các văn bản, tôi giao lãnh đạo Sở NNPTNT rà soát, kiểm tra… và sẽ thông tin đến báo chí trước ngày 20/3”.

Theo Phó Chủ tịch Trần Tuyết Minh, UBND tỉnh Bình Phước sẽ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức trong vụ 8.000m3 gỗ tồn này. “Kiểm tra, rà soát, nếu thấy sai phạm sẽ xử lý nghiêm khắc. Sai tới đâu, xử lý tới đó” - bà Minh nói.