Dân Việt

Đọc sách cùng bạn: Một cách viết sử chiến tranh

Phạm Xuân Nguyên 17/03/2020 08:00 GMT+7
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Lần này mời bạn đọc cùng tôi cuốn “Tôi là con gái của cha tôi” của tác giả Phan Thúy Hà. Cuốn sách này theo tôi là một cách viết sử chiến tranh bằng một cách riêng khác lạ.

Chiến tranh là sự đối đầu của hai lực lượng và kết cục là bên thắng bên thua. Sử chiến tranh thường được viết theo bên thắng. Và sử, lịch sử, viết về chiến tranh là chỉ nói đến các chiến dịch, các trận đánh, những được thua thắng bại trong từng trận nhỏ trận to cho đến trận cuối cùng ngã ngũ. Trong đó các sự kiện được chú trọng hơn con người. Các bộ sử quốc gia xưa nay đều thế.

img

Phan Thúy Hà không quan tâm đến lịch sử đánh trận trong chiến tranh, chị chú trọng đến con người đi trong và đi qua cuộc chiến. “Tôi là con gái của cha tôi” viết về người lính Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam) tiếp nối cuốn “Đừng kể tên tôi” ra vài năm trước viết về người lính Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Miền Bắc). Đây là những người lính sau cuộc chiến trở về cuộc sống đời thường. Lính Bắc “bên thắng cuộc” sau chiến thắng sống sót trở về quê hương gia đình cũng phải chịu nhiều đau khổ cay đắng do di chứng chiến tranh, do nhà tan cửa nát, do nghịch cảnh hòa bình. Vinh quang là của chung đất nước, bi kịch là của riêng từng người. Cái tên sách “Đừng kể tên tôi” là ý nguyện của họ, những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã qua trận mạc, không kể công lao thành tích, âm thầm chịu đựng những vết thương thể xác và tinh thần của mình, họ có chung một số phận của những người dân bình thường trong chiến tranh.

Ngay ở cuốn sách đầu tay của mình, Phan Thúy Hà đã chọn một cách viết là kể sự thật, để cho sự thật tự nói lên qua miệng những người trong cuộc, cô chỉ làm người lắng nghe và ghi chép lại, đưa nó lên mặt giấy trong sự trần trụi chân thật nhất của nó. Mỗi người kể đều có tên họ thật, quê quán thật, địa chỉ thật và quá trình thật tác giả tìm đến với các chứng nhân của cuộc chiến. Đến cuốn “Tôi là con gái của cha tôi”, cách viết này càng được Phan Thúy Hà phát huy tối đa. Cô đã bỏ tiền túi của mình vào miền Trung, miền Nam, tìm mọi cách liên hệ gặp gỡ với những người lính “bên thua cuộc”, gợi chuyện họ, lắng nghe họ, hiểu họ, và chuyển tải những điều đó lên trang sách thực như vốn có. Con gái của một người lính miền Bắc đến gặp và hỏi chuyện những người lính miền Nam vốn là kẻ thù bên kia chiến tuyến của cha mình, đó là quá trình của lòng tin. Của một người con đã lớn đối với người cha đã khuất - một trách nhiệm đối với quá khứ. Của một người mẹ đối với các đứa con sẽ lớn cần đọc những điều mẹ mình viết ra - một trách nhiệm đối với tương lai. Của một người dân đối với đất nước nhiều chia cắt và thương đau – một trách nhiệm đối với lịch sử. Tóm lại, bằng những sách này, Phan Thúy Hà là một người chất vấn lịch sử và tìm cách trả lời lịch sử, dù nói thế với chị có thể là to tát.

TÔI LÀ CON GÁI CỦA CHA TÔI

Tác giả: Phan Thúy Hà

Nhà xuất bản Phụ nữ, 2019

Số lượng: 2.000 cuốn

Số trang: 356 trang.

Giá bán: 130.000đ.

“Tôi là con gái của cha tôi”, con của một người lính Bắc, đó là Phan Thúy Hà, tác giả cuốn sách. Nhưng cuối sách lại là “Tôi là con gái của ba tôi”, con của một người lính Nam, đó là Quỳnh Anh, có ba là một sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa phải đi học tập cải tạo sau 1975. Cả hai cô gái đều yêu thương và tự hào về cha/ba mình. Câu cuối cùng của cuốn sách là ký ức của Quỳnh Anh về một chú bộ đội ở cạnh nhà mình thời gian ba đang đi cải tạo. “Gương mặt đầy nốt sẹo đậu mùa với nụ cười hiền. Chú Hải để lại trong tâm hồn đứa trẻ mười một tuổi ấn tượng đầu tiên về một chiến binh Bắc Việt” (tr. 354)

Tác giả kết cấu cuốn sách này và cả hai cuốn này như vậy hẳn có một tư tưởng chung cuộc. Những người lính bên này hay bên kia thì cũng đều là lính, đều là người Việt, đều đã trải qua những năm tháng chiến tranh nghiệt ngã và khi trở lại thời bình đều phải chống chọi với số phận hậu chiến không khoan nhượng với mình, dù tính chất và mức độ có khác nhau. Những người lính ở chế độ phía Nam sau 1975 thảy đều bị nghi kị, bị phân biệt, đều bị phải mang thân phận “bên thua cuộc”, và cuộc đời họ đều phải vất vả, khổ cực. Phan Thúy Hà đã đến với họ như những người thân của cha mình, một người lính Bắc. Chị viết: “Con gái của cha đã đi gặp các chú các bác, con thấy được hình bóng cha, con như đang trò chuyện với linh hồn cha”. Và như vậy, từ cuốn trước đến cuốn sau, chị đã viết nên một cuốn sử chiến tranh bằng những phận người trong cuộc chiến và sau cuộc chiến từ cả hai bên mà hợp chung lại là phận người Việt đau thương. Một cuốn sử vết thương, có thể nói như vậy.

Phan Thúy Hà đã tự mình gánh lấy vai trò người viết sử đặc biệt này. Đang là một biên tập viên văn học ở Nhà xuất bản Phụ nữ, ở tuổi ngoài ba mươi chị nghỉ việc về nhà và bắt đầu hành trình tìm hiểu, ghi chép và viết về số phận những người lính ở cả hai bên chiến tuyến thời hậu chiến. Viết xong chị lấy giấy phép xuất bản rồi tự bỏ tiền in, tự phát hành vì muốn những cuốn sách mình tâm huyết làm ra đến được những người cần đọc. Cuốn “Đừng kể tên tôi” chị lấy tư liệu từ thực tế làng quê mình ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) với những người đàn ông ra trận và trở về với những đau đớn và thử thách trong cuộc sống bình thường như thế nào. Từ đó, từ những người lính bên này, chị đi tiếp vào bên kia vĩ tuyến 17, phía nam sông Bến Hải, đến với những người lính bên kia để biết họ là ai và họ đang như thế nào sau khi chiến tranh kết thúc.

Hai cuốn sách chị viết khó định danh thể loại. Chỉ biết chị đã viết như một kiểu chép sử, tôn trọng tối đa sự thật từ những người trong cuộc kể lại. Tác giả chỉ ghép nối, sắp xếp các câu chuyện theo một trật tự của ý tưởng và vấn đề. Thi thoảng chị mới bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình, nhưng chúng cũng chỉ là những nét gợi để độc giả tự tìm câu trả lời cho mình qua những gì được chị nghe và ghi lại. Có lúc Phan Thúy Hà cũng băn khoăn tự hỏi mình sao mình lại làm cái việc như thế này, có ai tin những câu chuyện mình kể lại thế này là thật. “Và câu chuyện sẽ bắt đầu bởi một sự bắt mối như thế? Bạn mang câu chuyện đó ra và nói, đó là câu chuyện có thật? Là câu chuyện tôi ghi chép được từ người trong cuộc? Và chúng tôi, những người đọc dựa vào sự kể lại đó? Tôi phải giải quyết câu hỏi này thế nào? Tại sao tôi mang vác vào mình công việc này. Một công việc chẳng cần thiết cho ai” (tr. 79). Nhưng rồi chị vẫn cứ đi, cứ nghe, cứ ghi, và cứ viết. Như không thể nào khác được. Và cái viết của chị khiến người đọc xúc động, và tin, là ở chính cách viết, ở giọng kể, ở lời văn. Thành công của Phan Thúy Hà ở cả hai cuốn sách xét ở mặt văn chương chính là chỗ đó. Và để trả lời cho câu hỏi của chị, các cuốn sách này là hữu ích và cần thiết, cho mỗi người, và cho đất nước.

Tôi có lần bảo Phan Thúy Hà là sự lựa chọn văn chương bằng cách viết này của chị gần với Svetlana Alexievich, nhà văn Belarusia được giải Nobel văn chương 2015. Svetlana Alexievich gọi mình là nhà văn-lỗ tai lắng nghe những giọng nói con người cất lên từ đáy vực cuộc sống, dù đó là thảm họa hạt nhân Chernobyn hay cuộc chiến Afghanistan. Bà viết trong diễn từ Nobel: “Tôi thích những câu chuyện kể của con người… Tôi thích giọng nói con người đơn độc. Đó là tình yêu và niềm say mê lớn nhất của tôi”. Đây không phải là sự so sánh ngang bằng, nhưng là một sự trùng hợp. Nhiều người đã đọc Svetlana Alexievich khi đọc Phan Thúy Hà cũng thấy có sự gần gũi này. Khi nghe tôi nói thế Phan Thúy Hà đã ngạc nhiên vì trước đó chị chưa hề đọc Svetlana Alexievich. Như vậy sự lựa chọn viết này là từ một thôi thúc nội tâm của chị như là một thiên hướng văn chương. Không dễ có can đảm như chị khi chọn lối viết đó và quyết tâm thực hiện nó. Viết văn phi hư cấu (non-fiction) đòi hỏi người viết nhiều đi và thấy hơn văn hư cấu (fiction).

Bạn hãy đọc hai cuốn sách của Phan Thúy Hà, “Tôi là con gái của cha tôi” và trước đó là “Đừng kể tên tôi” để biết về một cuộc chiến khác giữa đời thường của những người lính đã đi qua trận mạc chịu nhiều mất mát giờ vẫn còn vật lộn hàng ngày để mưu sinh, để sống. Đọc rồi bạn sẽ thấy cuốn sử chiến tranh thời hiện đại của đất nước viết ra từ ngòi bút của các sử quan chính thống sẽ được bổ sung sống động bằng những con người và phận người ở cả hai phía cuộc chiến được kể lại từ ngòi bút của một nhà viết sử không chính thức. Từ tấm lòng của một người phụ nữ, một người con, một người mẹ.

Hẹn bạn lần tới với cuốn sách mới khác.

---------------------

P/S. Đây là những dòng tôi viết trên facebook cá nhân cho cuốn “Đừng kể tên tôi” (2018).

Họ là những trai làng ra lính đánh trận may mắn sống sót trở về mang theo ám ảnh cái chết của đồng đội, những vết thương trên thân thể, những đau đớn trong tâm hồn, những dằn vặt day dứt trong tâm trí. Họ là những gái làng đi thanh niên xung phong, đi hỏa tuyến, làm cứu thương may mắn sống sót trở về với số phận không an lành, bình yên. Họ là những phụ nữ nông dân chết chồng ở mặt trận, chết con ở hậu phương, mòn mỏi chờ người trở về mang đầy thương tích, bệnh tật. Họ là số đông trong mỗi làng quê ta, "xả hết mình khi nước gặp tai ương" (Nguyễn Duy). Họ là số đông thương binh, cựu binh bị lãng quên vì "mất hết giấy tờ" không đủ "thủ tục làm người còn sống" cho chính mình trước bộ máy quan liêu vô cảm của hôm nay. Họ là số đông hàng ngày vật lộn với những vết thương trên người, với những đứa con sinh ra nhiễm độc da cam, với cảnh sống nghèo túng, khốn khó.

Họ là số đông thầm lặng, không muốn kể tên mình.

Nhưng cuộc đời họ, câu chuyện của họ thời chiến tranh đã được nghe kể lại, được ghi lại từ một cô gái sinh ra trong hòa bình, từ một làng quê ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), và đã được in thành sách với cái tên như câu cửa miệng chân thật của người dân quê – “Đừng kể tên tôi”. Cô gái đó là Phan Thúy Hà, người mà đọc xong cuốn sách, ta có cảm tưởng chính cuộc đời đã chọn cô để khơi lại ký ức một thời hào hùng đau thương cho những con người bình dị tưởng đã bị mang theo cả vinh quang và đau đớn của mình vào quên lãng.

Thúy Hà đang làm biên tập viên văn học ở NXB Phụ nữ thì xin nghỉ việc, về quê, và như được một linh cảm tâm linh đạo đức dẫn dắt cô đã tìm đến gặp các bác các chú các bà các cô ở làng mình gợi chuyện, nghe chuyện chiến tranh. Và viết. Một cách viết giản dị trần trụi như sự thật, ngổn ngang như đất ruộng được xới lật lên, tiết chế tối đa những văn vẻ màu mè, để cuộc đời mỗi con người hiện lên như nó vốn thế và đã thế. Chính cái viết đó đã buộc người đọc phải sống cái sống của mỗi người trong từng câu chuyện. Nước mắt chảy ra và lòng quặn thắt. “Đừng kể tên tôi” - chúng ta đã quên họ.

Nhà văn Belarusia Svetlana Alexsievich được giải Nobel văn chương 2015 về những tác phẩm phi hư cấu viết từ những câu chuyện của các nhân chứng đi qua chiến tranh đã nói trong diễn từ nhận giải của mình: "Tôi quan tâm đến con người nhỏ bé. Con người nhỏ bé to lớn, tôi những muốn nói vậy, bởi vì những nỗi đau khổ làm cho họ lớn ra. Trong các cuốn sách của tôi, họ kể lại những câu chuyện (lịch sử) nhỏ của mình và cùng với đó là câu chuyện (lịch sử) lớn. Những cái đã và đang xảy ra với chúng ta mà chưa được suy xét, cần phải được nói ra. Để bắt đầu thì hãy nói ra đã. Chúng ta sợ điều này thì sẽ không thể nào thanh toán được với quá khứ của mình. Trong tiểu thuyết Lũ người quỷ ám của Dostoievsky, Shatov nói với Stavrogin lúc bắt đầu câu chuyện của hai người: “Chúng ta là hai sinh vật gặp nhau ở cõi vô thủy vô chung… Đây là lần cuối cùng ở thế giới này. Hãy để giọng nói của anh lại và nói bằng giọng con người! Hãy nói dù chỉ một lần bằng giọng người”. Những cuộc trò chuyện của tôi với các nhân vật của mình cũng bắt đầu kiểu như vậy. Tất nhiên, con người nói từ thời của mình, hắn không thể nói từ chỗ trống không. Nhưng để đến được tâm hồn con người thật khó, bởi nó đã bị ngập trong rác rưởi những điều cuồng xiên của thế kỷ, những thiên kiến và dối lừa. Do truyền hình và báo chí". (Ngân Xuyên dịch).

Cám ơn Phan Thúy Hà đã thầm lặng làm việc này không nhân danh lớn tiếng điều gì và đã tự bỏ tiền ra in hai ngàn bản sách và tự mình phát hành.

Những ngày kỷ niệm thắng lợi việc thiết thực nhất, có ý nghĩa nhất để tri ân những người lính là hãy đọc cuốn sách này – “Đừng kể tên tôi”. Và hãy góp phần ủng hộ cho Phan Thúy Hà để cô tiếp tục công việc của mình vì cô cho biết còn hàng ngàn trang tư liệu ghi chép và ghi âm cần được viết tiếp.

"Ở đây chú muốn nói rằng một cái chết quá đau thương khác hẳn với những hình ảnh ôm bộc phá hay giương cao nòng súng và gục ngã oai hùng. Trong chiến tranh có những cái chết không theo quy luật. Nếu tô vẽ về hình ảnh anh dũng ngã xuống trong một trận đánh ác liệt so sánh với cái chết kể trên thì cái chết đó có dũng cảm không, đã có sách vở nào ghi chép hình ảnh của cái chết bi thảm vậy không. Các cháu đang cầm bút hãy giúp các chú nhìn nhận một cách khách quan hơn để làm rõ và hiểu thêm về những bi kịch của chiến tranh".

(Thư của một cựu chiến binh gửi cho Phan Thúy Hà được tác giả lấy thay lời kết cuốn sách, trang 333).