Dân Việt

Đề xuất giãn thuế cho DN bị ảnh hưởng Covid-19: Cần nhưng chưa đủ?

Lê Thúy 20/03/2020 06:00 GMT+7
Đó là ý kiến của nhiều doanh nghiệp (DN) ngay khi dự thảo nghị định về về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến.

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân trước khi trình Chính phủ ban hành. Tổng số tiền gia hạn nộp thuế được tính khoảng 30.000 tỷ đồng.

Hơn 93% doanh nghiệp được gia hạn thuế

img

img

Nhóm ngành nông nghiệp cũng được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng. (ảnh minh họa)

"Khó khăn chưa biết đến bao giờ vì dịch bệnh ngày càng phức tạp. Nếu được gia hạn tiền thuế GTGT của tháng 3, 4, 5 và 6 thì từ tháng 9 sẽ phải nộp thuế khoản thuế này. Cộng với số tiền thuế của các tháng 7, 8, 9, 10, 11 và 12 không được gia hạn thì gánh nặng sẽ rất lớn đối với doanh nghiệp”.

Anh N.V.Hiếu

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị thời gian gia hạn là 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng phải nộp của tháng 3, 4, 5 và 6 năm nay kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế này theo quy định hiện hành. Đối tượng được gia hạn là DN, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các nhóm ngành kinh tế gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép; sản phẩm từ cao su; sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ôtô (trừ sản xuất, lắp ráp ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống); Vận tải đường sắt; đường bộ; đường thủy; hàng không; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải; dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.

Ngoài ra, các DN nhỏ và siêu nhỏ cũng được gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế giá trị gia tăng mà không phân biệt ngành nghề kinh doanh. Như vậy, sẽ có hơn 93% DN của cả nước được chậm nộp thuế giá trị gia tăng.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trong hình thức hỗ trợ thuế sẽ có các mức độ miễn thuế, giảm thuế, giãn thuế và hoãn thuế. Với tình hình kinh tế của Việt Nam và mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện tại, Bộ Tài chính tính đến phương án gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất là hợp lý.

Cũng phải nói thêm rằng, giãn thuế, hoãn thuế sẽ làm giảm gánh nặng tài chính tạm thời cho DN trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Giãn thuế để các DN, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất. "Mức độ ảnh hưởng kinh tế của Việt Nam bởi dịch Covid-19 không thiệt hại bằng Trung Quốc, nên Việt Nam lựa chọn phương án giãn, giảm thuế vào thời điểm này là hợp lý. Ở đây, khó khăn các DN đang gặp phải là vấn đề tạm thời, một khi dịch bệnh Covid-19 được dập tắt, DN phục hồi tình hình kinh doanh thì họ sẽ có khả năng thanh toán các khoản thuế đã được giãn”- ông Ánh phân tích.

Cần nhưng chưa đủ

Các ngành nghề kinh tế được gia hạn nộp thuế

Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày dép; sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ôtô (trừ sản xuất, lắp ráp ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống); vận tải đường sắt; vận tải đường bộ; vận tải đường thủy; vận tải hàng không; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch...

(Nguồn: Bộ Tài chính)

Rất vui được chậm nộp 5 tháng tiền thuế giá trị gia tăng phát sinh của tháng 3 đến tháng 6/2020, anh N.V.Hiếu- Phó Giám đốc công ty sản xuất và xuất khẩu may ở Xuân Trường, Nam Định cho biết mỗi tháng sẽ có thêm khoảng 80 triệu đồng để trả lương cho công nhân... 

Tuy nhiên, khó khăn của DN vẫn chưa thực sự được giải quyết nếu chỉ dừng ở đó. Theo vị lãnh đạo DN này, nguồn nguyên liệu nhập về từ Trung Quốc đang bị gián đoạn nên doanh thu từ tháng 3 sẽ giảm mạnh trong khi các chi phí như trả lương, khấu hao máy móc, mặt bằng, nhà xưởng… vẫn phải duy trì. “Khó khăn chưa biết đến bao giờ vì dịch bệnh ngày càng phức tạp. Nếu được gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng của tháng 3, 4, 5 và 6 thì từ tháng 9 sẽ phải nộp thuế khoản thuế này. Cộng với số tiền thuế của các tháng 7, 8, 9, 10, 11 và 12 không được gia hạn thì gánh nặng sẽ rất lớn đối với DN” - anh Hiếu giãi bày.

Giám đốc của một công ty vận tải tại Hà Nội cũng thừa nhận, mọi hoạt động đình trệ, doanh thu 2 tháng đầu năm giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Chưa bao giờ DN khó khăn như hiện nay trong khi mọi thách thức ngày càng nặng nề. DN mong muốn được giãn khoản thuế thu nhập DN mà DN này còn phải nộp của năm 2019. Đồng thời, miễn giảm tiền thuế giá trị gia tăng những tháng còn lại của năm nay và toàn bộ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp của cả năm. “Chỉ có như vậy mới có tác động tức thì, giúp DN có dòng tiền để xoay xở làm ăn”- vị này nhấn mạnh.

 Một chuyên gia về thuế thuộc Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho rằng những đơn vị mà doanh thu, lợi nhuận không có thì có gia hạn, hay miễn thuế thì cũng không có ý nghĩa gì. Các DN đang cố gắng gượng để vượt qua khi khó khăn do dịch bệnh rất đặc biệt và thiệt hại nặng nề. “Nên lúc này cần sự động viên, chia sẻ cả tinh thần và vật chất đối với thị trường bằng việc miễn, giảm tiền thuế giá trị gia tăng và thu nhập DN chứ không chỉ gia hạn thuế” - vị này đề xuất.

Không nên “cào bằng” chính sách

Trong lúc tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì việc hỗ trợ để doanh nghiệp (DN) có thể tồn tại được rất quan trọng. Tuy nhiên, không nên “cào bằng” chính sách. Chúng ta nên có chính sách cụ thể, với các DN ảnh hưởng trực tiếp sẽ được hưởng chính sách ưu đãi như thế nào; các DN gián tiếp thì sao. Chẳng hạn DN bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 hay với DN nhỏ và siêu nhỏ, chính sách có thể phải linh động hơn bởi sức khỏe của nhóm DN này rất yếu, cần nhiều thời gian hơn mới có thể hồi phục trở lại.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế

img

Nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách

Các ngân hàng sẽ có nguồn lực tài chính ngay trước mắt để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang kiệt quệ bởi Covid-19 nếu được giãn thời gian nộp thuế. Vào lúc này doanh nghiệp quá khó khăn, ảnh hưởng đến hàng triệu người lao động, hàng triệu hộ kinh doanh thì việc hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ giảm bớt đi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, số hộ kinh doanh đóng cửa. Trên thực tế, không ít doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản, nếu để họ chết bây giờ thì mất nguồn thu ngân sách cho nhà nước, không phải chỉ trước mắt mà có thể về lâu dài.

TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương

img

Chưa xem xét “giải cứu” ngân hàng

Do nguồn lực ngân sách hiện nay còn hạn chế nên chúng ta cần phải tập trung nguồn lực này cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19. Vì vậy, Bộ Tài chính chưa xem xét đến các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp hay chưa tính đến việc gia hạn thời gian nộp thuế cho các tổ chức tín dụng. Về lâu dài, nếu như dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngân hàng bị tác động và ảnh hưởng mạnh tới kết quả kinh doanh thì lúc đó có thể tính đến việc “giải cứu” cho các ngân hàng thương mại thông qua chính sách này cũng chưa muộn.

TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính
(Học viện Tài chính)

Huyền Anh (ghi)