Đây chính là ý kiến của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đưa ra tại cuộc họp báo thông tin về việc ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tổ chức mới đây.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề xuất Bộ Tài chính xem xét giãn thuế cho các tổ chức tín dụng. Ảnh: Lê Thúy
Ông Tú nói, ông vừa nhận được dự thảo về giãn thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, không thấy các tổ chức tín dụng nằm trong đối tượng được áp dụng chính sách giãn thuế này. Theo ông Tú, bản thân ngân hàng cũng cần được đối xử như các DN khác. sPhó Thống đốc phân tích, trong thời gian qua và trong thời gian tới, các tổ chức tín dụng rất tích cực, chủ động và có trách nhiệm đối với DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như việc cơ cấu lại nợ như giãn giảm lãi vay, tái cơ cấu nợ là giải pháp thiết thực nhất, cấp thiết nhất đối với DN trong bối cảnh hiện nay. Đây là những chia sẻ rất lớn của ngành ngân hàng với các DN. Điều này cũng đặt "gánh nặng" lên vai các ngân hàng thương mại.
Theo đánh giá sơ bộ, 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dẫn đến trả nợ không đúng hạn, chiếm tỷ lệ hơn 11% trong tổng dư nợ. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhận được nhiều văn bản, đơn từ của các hiệp hội cà phê, Vietjet, hiệp hội da giày, cơ sở giáo dục công lập... đề nghị xem xét tháo gỡ khó khăn cho DN.
Đến nay, các ngân hàng đã bước đầu xem xét cơ cấu nợ cho 21.753 tỷ đồng cho các DN gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Thực hiện miễn giảm lãi thực sự đối với 8.000 khách hàng, với dư nợ trên 350 tỷ. 185.000 tỷ dư nợ đang được xem xét miễn giảm lãi vay và cho vay mới với doanh số dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng còn hy sinh lợi nhuận xây dựng gói tín dụng lên đến 285.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5-1,5%/năm cho các DN.
"Tổ chức tín dụng tích cực, trách nhiệm với DN như thế và bản thân cũng là DN nên cũng cần được hưởng chế độ chung như các DN khác. Việc giãn thuế cho các tổ chức tín dụng, tôi cho rằng đó là sự khách quan đồng thời sẽ là cơ sở để hỗ trợ thêm cho các tổ chức tín dụng, tạo dư địa lớn hơn cho các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn đối với các DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19"- ông Tú nói.
TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính - ngân hàng, nêu quan điểm: Để hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cần có chính sách đồng bộ. Hệ thống ngân hàng đang nỗ lực cơ cấu, giãn, hoãn nợ, giảm lãi và cho vay mới với lãi suất ưu đãi hơn. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu có những động thái hỗ trợ thêm như giảm nhẹ lãi suất điều hành, tăng cường cho vay cấp vốn...
"Với tình hình cơ cấu lại nợ như hiện nay và kể cả cho vay mới theo các gói mà các ngân hàng thương mại cam kết lên đến 285.000 tỷ đồng, nhiều khả năng nợ xấu tăng lên, đó cũng là rủi ro cho các ngân hàng. Vì vậy, Bộ Tài chính cần nghiên cứu giãn nộp thuế cho các ngân hàng"- ông Lực cho hay.
Đồng quan điểm, theo TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính nên xem xét giãn thuế, giảm thuế cho các ngân hàng thương mại bởi ngân hàng cũng là DN họ cũng cần phải có lãi để tồn tại, có tiền để "giải cứu" DN"- ông Doanh nhấn mạnh thêm.
Ngược lại, chuyên gia tài chính- ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu thì lại cho rằng, tại thời điểm này chưa tính đến chuyện giãn, giảm thuế cho các ngân hàng bởi "sức khỏe" của các ngân hàng hiện vẫn còn tương đối tốt. Trong khi đó, các DN thì đã rất “lao đao”. Vì vậy, chính sách thuế nên áp dụng cho các DN trước.