Dân Việt

Bắt giam kẻ “nổ” là nhân viên y tế chế vaccine giả ngừa Covid-19

Thăng Bình 21/03/2020 16:02 GMT+7
Tại cơ quan công an, bà Tiêu Thị Tuyết Sương khai nhận, dù chỉ mới học hết lớp 9 nhưng bà tự xưng là nhân viên y tế, còn vaccine giả tiêm phòng ngừa Covid thực chất là nước cất, kháng sinh được bơm vào các vỏ thuốc để đi lừa lấy tiền của người dân.

Ngày 21/3, lãnh đạo Công an TP.Quy Nhơn (Bình Định) cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Tiêu Thị Tuyết Sương (46 tuổi, ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

img

Dù mới học đến lớp 9, bà Tiêu Thị Tuyết Sương đã “nổ” là nhân viên y tế rồi đến các bệnh viện ở tỉnh Bình Định làm quen với các bệnh nhân, thực hiện hành vi lừa đảo tiêm phòng vaccine giả.

Trước đó, Công an TP.Quy Nhơn đã thực hiện lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp và khám xét nơi ở của bà Tiêu Thị Tuyết Sương để tiến hành điều tra.

Tại đây, cơ quan công an thu nhiều vỏ thuốc mà bà Sương đã bơm nước cất, kháng sinh để giả các loại vaccine tiêm phòng cho trẻ, ngừa ung thư, đột quỵ và ngừa cả bệnh dịch Covid-19.

Làm việc với cơ quan điều tra, bà Sương khai nhận đã dùng nước cất pha với kháng sinh để “tiêm phòng” các loại bệnh cho khoảng 30 người ở huyện Tuy Phước và TP.Quy Nhơn với giá thấp nhất khoảng 700.000 đồng/mũi. Vì không phải chờ lâu, giá rẻ, lại được đến tận nhà để tiêm nên người này giới thiệu người kia. Nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, bà Sương thường đến các bệnh viện, giả danh là nhân viên Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bình Định để “tư vấn”, mồi chài nạn nhân.

Vợ chồng bà B.T.H.Y (phường Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn) đến Khoa khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định thì bà Sương liền tiếp cận làm quen. Bà Sương tự giới thiệu là nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định rồi “tư vấn” cho vợ chồng bà Y phòng ngừa bệnh đột quỵ. Sau đó, bà Y hẹn bà Sương về nhà tiêm phòng ngừa đột quỵ cho cả 2 vợ chồng với giá 1,4 triệu đồng.

img

Khởi tố, bắt giam kẻ “nổ” nhân viên y tế chế vaccine giả ngừa Covid-19.

Sau khi vụ việc trên xảy ra, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định Lê Quang Hùng đã yêu cầu phòng y tế các địa phương tăng cường biện pháp quản lý đối với cơ sở y tế hành nghề khám chữa bệnh, đặc biệt phối hợp với địa phương để kịp thời phát hiện, ngăn chặn trường hợp hành nghề không phép, có dấu hiệu lừa đảo.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định phải có biện pháp phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh việc tuyên truyền, để người dân nắm thông tin nhằm tránh bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo.

Đặc biệt, cung cấp cho người dân nắm được, chỉ có các cơ sở y tế đã thực hiện công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng vaccine và được Sở Y tế tỉnh Bình Định công khai danh sách trên trang thông tin điện tử của Sở thì mới được tiêm vaccine phòng bệnh. Chỉ được tiêm vaccine tại cơ sở đã công bố đủ điều kiện, không được tiêm tại nhà người dân như trường hợp bà Tiêu Thị Tuyết Sương đã làm.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định Lê Quang Hùng cũng giao Thanh tra sở phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời phát hiện, ngăn chặn cơ sở hành nghề không phép, có dấu hiệu lừa đảo để bảo vệ sức khỏe, tài sản của người dân.