Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, Mỹ luôn coi nước này là một trong những đối tượng trọng điểm của hoạt động tình báo. CIA và các cơ quan tình báo khác của Mỹ theo dõi, giám sát nhất cử nhất động của Trung Quốc. Ngoài việc chiêu mộ người bản địa làm việc cho Mỹ để thu thập các tài liệu cơ mật của Trung Quốc, CIA còn tiến hành giám sát, theo dõi Trung Quốc bằng một số biện pháp sau: Thông qua vệ tinh bay trên vùng trời Trung Quốc; thông qua các trạm theo dõi cơ động được bố trí ở các khu vực xung quanh Trung Quốc như Mông Cổ, Pakistan; các trạm thu tín hiệu lớn ở Đài Loan, Nhật Bản; một số tàu ngầm dưới lòng biển...
Mỹ từng có những đánh giá tình báo sai lầm về Trung Quốc.
Năm 1966, CIA đã thành lập một ban chuyên trách đảm nhiệm việc thống kê, phân tích tỉ mỉ quá trình phát triển kinh tế, kỹ thuật của Trung Quốc, bổ sung các số liệu chính thức còn thiếu. Đối với các thủ đoạn trinh sát, máy bay trinh sát U-2 đóng vai trò rất quan trọng. Trong những năm 50 của thế kỷ XX, đây là vũ khí trinh sát chủ yếu của Mỹ đối với tình hình Trung Quốc, tuy chỉ có khoảng 15 chiếc nhưng chúng đã thu thập được một khối lượng lớn tin tức có giá trị.
Để tránh cho các phi công Mỹ bị bắt, bộ phận chuyên trách của CIA đã thành lập đội bay U-2 ở Đài Loan, huấn luyện cho các phi công của Đài Loan thực hiện trinh sát kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Trong khoảng thời gian xảy ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đội bay U-2 của CIA được giao nhiệm vụ theo dõi con đường viện trợ quân sự của Trung Quốc cho miền Bắc Việt Nam. Ngoài ra, ở Đài Loan và căn cứ không quân Utapao, Thái Lan, CIA còn thiết lập một phân đội bay truy kích U-2.
Mặc dù CIA đã thu thập được rất nhiều tin tức tình báo liên quan đến các trang thiết bị và con người của Trung Quốc, nhưng trong số đó có một số tin chưa chính xác, dẫn đến việc Chính phủ Mỹ đưa ra quyết sách sai lầm đối với Trung Quốc. Thực tế là Trung Quốc đã thực hiện tuyên truyền và quản lý lĩnh vực thông tin rất có hiệu quả, từ đó ngăn chặn khả năng phát tán các tin tức cơ mật liên quan đến chính sách và chính trị quốc gia.
Mặt khác, sự khác biệt về văn hóa cũng khiến cho các chuyên gia phân tích tình báo Mỹ có những phán đoán sai lầm đối với những tin tức thu thập được. Ví dụ điển hình, vào năm 1960, 4 sân bay quân dụng bỏ hoang gần Quảng Châu đột nhiên mọc lên rất nhiều nhà kho. Tình báo Mỹ đã tăng cường quan sát, kết quả vẫn không phát hiện được bất kỳ hoạt động mang tính quân sự nào, nhưng CIA vẫn ra lệnh tiếp tục điều tra mục tiêu trọng điểm này, bằng mọi cách để đưa ra lời giải đáp. Cuối cùng, một cuốn sách có tựa đề “Nhân dân công xã” đã giúp Mỹ giải tỏa được những nghi vấn, hóa ra đó là các trại nuôi gà.
Quan trọng hơn cả, chính do khả năng hạn chế của các tổ chức trong CIA đã dẫn đến việc một số tin tình báo không chính xác. Lúc đó, Triều Tiên và Trung Quốc có mối quan hệ tốt với nhau, vậy mà đa phần các gián điệp được phái đến Triều Tiên chủ yếu làm nhiệm vụ thu thập tin tình báo liên quan đến Trung Quốc.
Hơn nữa, chỉ có khoảng 200 trong số 1.500 gián điệp làm cho Mỹ ở Triều Tiên là người Mỹ, phần lớn trong số họ không thể nói thông thạo tiếng Hàn, số còn lại là người Triều Tiên. Mặc dù trước kia họ đã từng cung cấp những tin tức rất tốt cho Mỹ như số lượng biên chế toàn bộ quân đội của Triều Tiên và Trung Quốc ở tiền tuyến, nhưng thực tế sau này mới phát hiện ra là, phần lớn những bản báo cáo đó đều do hư cấu, thậm chí một số bản còn bị cố tình làm giả để lừa nhân viên tình báo của Mỹ.
Bên cạnh đó, ngay bản thân nội bộ CIA cũng có sự cạnh tranh quyết liệt, chạy đua về số điệp viên được tuyển mộ. Vì thế, nhiều người đi tuyển mộ đã tìm cách hướng dẫn cho những người được tuyển mộ biện pháp ứng phó với cuộc kiểm tra của CIA. Đây là điểm khinh suất của CIA và họ đã tuyển dụng "được" rất nhiều điệp viên hai mang. Đương nhiên, những tin tức họ cung cấp có thể là thực nhưng nó lại vô hại đối với Trung Quốc.