Hành vi trốn cách ly, không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 của người đàn ông 55 tuổi, ngụ tại TP.HCM (ca bệnh Covid-19 thứ 100 của Việt Nam) đang bị chuyên gia y tế đề nghị xử phạt "nóng".
Cụ thể, theo kết quả xét nghiệm nhận được lúc 20h ngày 22/3 từ Viện Pasteur TP.HCM, xác định bệnh nhân mang quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở quận 8, dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là trường hợp có tiền sử bệnh đái tháo đường và viêm khớp.
Ca bệnh thứ 100 đã được ngành y tế TP.HCM chủ động thực hiện xét nghiệm phát hiện.
Ngày 18/3, mặc dù bệnh nhân chưa có dấu hiệu bệnh nhưng được Trung tâm Y tế Quận 8 lấy mẫu giám sát theo nhóm đối tượng dự lễ hội từ Malaysia. Ngay sau khi về nước, bệnh nhân đã được hướng dẫn tự cách ly tại nhà vì những yếu tố nguy cơ có liên quan đến sự bùng phát dịch bệnh tại nước bạn sau thánh lễ Hồi giáo.
Tuy nhiên, người bệnh đã không tuân thủ các khuyến cáo cách ly của cơ quan chức năng. Trong thời gian từ ngày 4-17/3, bệnh nhân đã liên tục đi lễ tại Thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar - số 157B/9 Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8, TP.HCM.
Hành vi trốn cách ly, gia tăng nguy cơ phát tán dịch bệnh, xem thường sức khỏe, sinh mạng của cộng đồng đang gây tâm lý bức xúc cho xã hội và các chuyên gia trong lĩnh vực y tế.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – chuyên gia trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm đang công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho rằng: “Rõ ràng ca bệnh thứ 100 đã có hành vi trốn cách ly làm gia tăng nguy cơ phát tán dịch Covid-19. Đây là hành vi nguy hiểm, đe dọa an toàn của cả cộng đồng, dù đang mắc bệnh nhưng hành vi này của người bệnh cần phải xử phạt nóng để làm gương cho những người khác”.
Cũng nói về việc này, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính pháp (Hà Nội) cho biết, đây là hành vi vi phạm pháp luật bởi theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 10 của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 nêu rõ, nếu đối tượng nằm trong diện cách ly không tự nguyện chấp hành hoặc bỏ trốn khỏi nơi cách ly thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính 5-10 triệu đồng và tiếp tục bị buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
Trong trường hợp dẫn đến lây nhiễm bệnh cho người khác, sẽ bị xử lý hình sự và bị phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm theo Điều 240 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định.
Đặc biệt, làm lây lan dịch bệnh có thể bị phạt tù 5-10 năm, nếu phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết người.
Bị phạt tù 10-12 năm nếu phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên.
Từ những phân tích trên, luật sư Cường nhấn mạnh, dù chưa có kết quả của việc lây nhiễm và đang trong thời kỳ điều trị nhưng trước mắt cần xử phạt “nóng” bệnh nhân số 100 (như Hàn quốc đã áp dụng) với mức 5-10 triệu đồng. Nếu sau này phát hiện để xảy ra sự cố lớn, có thể sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.