VAMA - Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam vừa có báo cáo gửi Chính phủ và các cơ quan chức năng, tổng kết những tác động của dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp ô tô.
Đối với hoạt động đầu tư mở rộng nhà máy của các doanh nghiệp thành viên, hiện kỹ sư, chuyên gia nước ngoài và cán bộ tay nghề cao được cử sang nhưng chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam. Một số máy móc thiết bị để mở rộng nhà máy cũng chưa thể vận chuyển được. Vì vậy, gây ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án.
Đối với hoạt động cung ứng linh kiện, vật tư và sản xuất tạm thời vẫn đang được duy trì. Nhưng trong thời gian tới dự báo sẽ có nhiều nhà sản xuất linh kiện và nhà sản xuất xe bị ảnh hưởng trực tiếp do nhiều nước đã phong tỏa một hay nhiều khu vực, thậm chí cả quốc gia để đối phó với dịch Covid-19. Do đó, nhiều doanh nghiệp có thể buộc phải điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất, thậm chí tính tới việc phải đóng cửa nhà máy trong một giai đoạn nhất định cho tới khi tìm được nguồn cung thay thế.
Tầm ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, khiến nhiều chuyên gia, kỹ sư, thậm chí cả tổng giám đốc của một số doanh nghiệp thành viên không thể nhập cảnh vào Việt Nam theo quy định mới nhất. Một số cán bộ nhân viên của các nhà sản xuất ô tô hoặc nhà cung ứng đã và đang phải cách ly theo đúng quy định, hoặc được bố trí làm việc ở nhà để giảm bớt sự lây lan của dịch bệnh.
Tính tới thời điểm hiện tại, các hoạt động này chưa gây tác động tiêu cực nghiêm trọng tới việc sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trước khả năng dịch có thể tiếp tục lây lan nhanh chóng xảy ra ở một số địa bàn dẫn đến việc có thể bị cách ly cả công ty, nhiều nguy cơ doanh nghiệp phải đột ngột dừng hoạt động. Hệ lụy kéo theo là hàng trăm ngàn lao động phải tạm nghỉ việc.
Không chỉ riêng mảng ô tô, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như du lịch, dịch vụ, giải trí, giao thông vận tải,... phải giảm thiểu hoặc tạm dừng hoạt động dẫn tới sụt giảm đáng kể nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa. Do đó, số lượng khách hàng tới tìm hiểu xe tại các đại lý cũng đã giảm theo, kéo theo số lượng hợp đồng ký mới giảm tương ứng.
Các yếu tố trên đã trực tiếp ảnh hưởng tới doanh số bán hàng trong tháng 3 cũng như trong thời gian tới khi mà dịch Covid-19 có thể kéo dài. Thị trường cả năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự báo ban đầu. Theo số liệu thống kê, hiện số lượng xe đến các gara để sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng giảm khoảng 30 đến 40%. Dự báo về lâu dài có thể giảm sâu tới 60 đến 70% nếu tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh và chưa có dấu hiệu thuyên giảm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, cung ứng,... các doanh nghiệp đề nghị được giảm hoặc giãn thời gian nộp thuế.
Đại diện Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) cho biết, để phục vụ lắp ráp xe trong nước, MBV phải nhập khẩu bộ linh kiện từ Đức. Tuy vẫn sản xuất hết công suất bởi chưa bị thiếu linh kiện, phụ tùng nhưng trước tình hình dịch bệnh kéo dài sẽ khiến khách hàng e ngại ra ngoài mua sắm, kéo theo giá xe cũng như doanh số bán hàng sụt giảm.
Đại diện Ford Việt Nam cho biết, dự án mở rộng nhà máy nâng công suất từ 14.000 xe/năm lên 40.000 xe/năm khởi công cuối năm 2019 đang gặp khó khăn do nhiều chuyên gia từ nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam, cùng với đó là các trang thiết bị máy móc cũng cũng đang bị dừng nhập khẩu, khiến tiến độ chậm trễ. Việc nhập khẩu linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất với những mẫu xe hiện tại, cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt. Tình hình kéo dài Ford Việt Nam đã tính đến việc tạm dừng hoạt động một thời gian và cho lao động nghỉ việc.
Một số doanh nghiệp ô tô chia sẻ khó khăn khi chỉ còn nguồn phụ tùng tồn kho đủ để sản xuất cầm chừng trong nửa tháng tới. Nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và nguồn cung tiếp tục bị ảnh hưởng, doanh nghiệp cũng buộc phải tạm dừng sản xuất một phần và nhiều kế hoạch kinh doanh khác cũng sẽ bị lùi vô thời hạn.
Theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) vào cuối tháng 2/2020, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhiều nhất là từ Hàn Quốc với 1,14 tỷ USD (chiếm 28,5%), Nhật Bản 0,72 tỷ USD (18,04%) và từ Trung Quốc là 0,7 tỷ USD (18%). Riêng với ô tô tải, hơn 70% linh kiện, phụ tùng nhập từ Trung Quốc. Các tính toán cho thấy, đến khoảng cuối tháng 3, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ thiếu linh kiện phục vụ sản xuất.
Tại TP.HCM, một doanh nghiệp lắp ráp ô tô tải đang tạm dừng hoạt động chia sẻ: các doanh nghiệp sản xuất linh kiện tại Trung Quốc đã đi vào hoạt động, nguồn cung bắt đầu về nước nhưng vấn đề nằm ở chỗ đầu ra. Vì hoạt động vận tải giảm sút mạnh do dịch Covid-19 nên khách hàng mua xe rất ít. Không bán được hàng thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, nhà máy dù có đủ nguồn cung linh kiện vẫn phải dừng hoạt động, thậm chí kéo dài sẽ phá sản.
Nếu các nhà máy ô tô đồng loạt đóng cửa, sẽ ảnh hưởng hàng trăm nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp phải nghỉ việc, thất nghiệp, giảm thu nhập.
Trước tình hình trên, VAMA - Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam đề xuất Chính phủ giảm 50% thuế suất, thuế Giá trị gia tăng, 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô; giãn nộp thuế Giá trị gia tăng và Thuế tiêu thụ đặc biệt từ tháng 03 tới 09/2020; giãn nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp đến kỳ quyết toán năm 31/03/2021; giãn thời gian nộp thuế tại khâu nhập khẩu trong năm 2020. Người lao động có thể giảm công việc, giảm thu nhập, vì vậy cần giảm thuế thu nhập cá nhân. Bên cạnh đó, cần ban hành gói kích cầu chung phát triển kinh tế, gia hạn các gói vay thương mại để các doanh nghiệp có thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và trả nợ.
Nếu đề xuất của VAMA được Chính phủ chấp thuận, giá ô tô tại thị trường Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới.