Đến xã Sơn Thủy, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình (trước khi sáp nhập tiền thân là xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), chúng tôi được ông Hà Văn Kền, cán bộ khuyến nông xã dẫn đi thăm một số nương khoai sọ.
Ông Kền cho biết, thời vụ trồng giống khoai sọ địa phương này khoảng tháng 12 năm trước đến tháng giêng âm lịch năm sau, tốt nhất là giữa tiết lập Xuân; thu hoạch vào tháng 5- 6 dương lịch; năng suất đạt 70-80 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt trên 100 tạ/ha.
Giống khoai sọ này còn được gọi là khoai Mán, khoai vàng, khoai tầng, ăn rất dẻo và ngọt. Gọi là khoai sọ Mán bởi khoai thường được trồng ở bản người Dao ở huyện Mộc Châu.
Cây khoai sọ có đặc tính rất ưa đất lạ, đất mới, hoặc ít nhất có hai vụ chưa trồng khoai, chịu được hạn, sống khỏe ngay trên đất nghèo dinh dưỡng, độ đốc cao, dễ trồng, dễ chăm sóc, thích nghi được với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và ít bị sâu bệnh.
Do là giống khoai địa phương nên bà con nông dân canh tác theo lối truyền thống, chủ yếu là chuẩn bị tốt khâu làm đất và chọn giống. Đất được làm sạch cỏ, tơi xốp trước khi trồng khoảng hai tuần, sau đó đem khoai giống để trồng, không cần bón phân hóa học, nếu có phân chuồng ủ thì càng tốt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thỉnh thoảng làm sạch cỏ. Sau mỗi vụ, bà con tự chọn giống để trồng vụ tiếp theo.
Do sử dụng giống khoai sọ địa phương, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên khoai sọ ở đây có mùi vị rất đặc trưng, khác ăn các giống khoai sọ tròn bởi hương vị thơm ngon, dẻo quánh, tạo nên thương hiệu nổi tiếng của khoai Sơn Thủy (Phúc Sạn).
Củ khoai cũng có hình thù xù xì, không nhỏ và thon như khoai sọ ta, cũng không to và tròn giống bát ăn cơm như khoai sọ Nậm Lầu (Thuận Châu) mà thường từ 1 thân củ đẻ ra 5-7 nhánh, mấu như củ gừng, củ giềng. Nhiều người cho biết, giống khoai này gọt rất ngại, vì lắm mấu, gọt mất công, nhưng gọt đến đâu thấy ruột khoai vàng đến đó, bổ ra lại càng thấy vàng hơn, lúc hấp, nướng hay hầm lên thì vàng ruộm như ai nhuộm bằng nghệ.
Món ăn phổ biến từ giống khoai này là hầm xương. Miếng khoai thường bở tung chứ không sượng, mềm và ngọt, đặc biệt khi nhai lại thấy khoai dẻo dính như muốn níu 2 hàm răng lại, vị ngọt thấm sâu rất kích thích giác vị người ăn.
Miếng khoai sọ bở tung, có màu vàng ươm rất hấp dẫn. Ảnh: I.T
Cũng theo ông Kền, hiện nay nhu cầu tiêu thu khoai sọ trên thị trường là rất lớn, bà con thu hoạch đến đâu bán hết luôn đến đó. Tuy nhiên, diện tích khoai trồng tại xã mới chỉ xoay quanh gần 50ha, do đặc thù quỹ đất của xã còn hạn hẹp, việc mở rộng diện tích là rất khó khăn. Cũng vì thế sản phẩm khoai sọ đặc sản này mới chủ yếu được tiêu thụ thị trường trong tỉnh, các khu du lịch, khách du lịch.
Ông Đinh Công Hanh, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho biết, để mở rộng quy mô sản xuất, tiêu thụ, phát triển sản phẩm khoai sọ đáp ứng nhu cầu thị trường, trước hết người dân cần phải thay đổi tập quán canh tác, cần có sự đầu tư về khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, tận dụng quỹ đất vốn đã hạn hẹp.
Cần xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Khoai sọ Sơn Thủy (Phúc Sạn)”. Đây sẽ là yếu tố căn bản để xây dựng một thương hiệu mạnh cho sản phẩm, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giúp nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng khoai.