Đi đầu bê tông hóa giao thông nông thôn
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, với sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng đóng góp sức người, sức của toàn dân, Hà Nam đã đạt được những kết quả đáng được khích lệ, tự hào. Trong đó, triển khai hiệu quả việc quy hoạch, đề án xây dựng NTM gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội – môi trường, quy hoạch sử dụng đất, phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng hiện đại, làm cơ sở để quản lý và định hướng cho nông nghiệp, nông thôn phát triển theo quy hoạch.
Một góc thành phố Phủ Lý (Hà Nam) nhìn từ trên cao hướng từ cầu Lam Hạ về trung tâm thành phố.
Đặc biệt, việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tỉnh tập trung đầu tư, hướng đến đồng bộ, nhờ đó mà diện mạo NTM được đổi thay rõ rệt. Trong đó, việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, coi đây là động lực quan trọng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn.
Theo đó, Hà Nam đã hỗ trợ 318.000 tấn xi măng để thực hiện bê tông hóa hơn 1.900km đường giao thông nông thôn, xóm; 500km đường trục xã; hỗ trợ đá cấp phối để cứng hóa hơn 1.000km đường nội đồng. Ngoài ra, công tác giáo dục, văn hóa cũng được tỉnh rất chú trọng, bằng việc đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa hơn 3.010 phòng học các cấp, triển khai xây mới và nâng cấp đưa vào sử dụng 32 nhà văn hóa xã và 451 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, xóm.
Người dân xã Hoàng Đông (Duy Tiên, Hà Nam) tham gia làm đường giao thông nông thôn (Năm 2019 huyện Duy Tiên đã về đích NTM).
Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Mặc dù những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, cũng như các khu công nghiệp, ngành nghề dịch vụ đang ngày càng chiếm tỷ tỷ trọng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh. Tuy nhiên, Hà Nam đang rất chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng sản xuất quy mô lớn, an toàn thực phẩm, sản xuất theo chuỗi liên kết. Mô hình này đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với tổng diện tích lên đến gần 700ha.
Trong xây dựng NTM, tỉnh Hà Nam xác định, nông nghiệp là một thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là trọng tâm phát triển trong thời gian tới; đồng thời tỉnh cũng luôn khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn liên kết chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. 100% số HTX nông nghiệp được chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012; thành lập mới 41 HTX theo mô hình ít thành viên và các tổ hợp tác tham gia sản xuất nông sản an toàn làm vệ tinh liên kết chuỗi giá trị, hoạt động của các HTX ngày càng hiệu quả.
Cùng với Lễ đón nhận Huyện Nông thôn mới, huyện Duy Tiên còn vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Ðây là một trong những nội dung quan trọng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo bằng việc ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 8/4/2016 về đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035 và các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể gắn với các đề án, mô hình phát triển sản xuất, xây dựng thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tăng sản lượng và giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.
Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế như: Mô hình trồng hoa, cây xanh hai bên đường giao thông xã, thôn, nơi công cộng điển hình như các xã của huyện Thanh Liêm, Kim Bảng, Duy Tiên, thành phố Phủ Lý.
Công tác tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tỉnh rất chú trọng. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, góp phần giảm nghèo nhanh theo hướng bền vững. Thu nhập bình quân đầu người tằng từ 10 triệu đồng/người/năm (2010), lên 46 triệu đồng/người/năm (2019), giảm tỷ lệ nghèo đa chiều theo chuẩn NTM năm 2019 còn 0,75%. Trong đó, có nhiều mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ tham gia liên kết chuỗi sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.
Hàng chục cá nhân, tập thể xuất sắc đã được vinh danh trong buổi lễ tổng kết 10 năm xây dựng NTM của tỉnh Hà Nam.
Trong quá trình thực hiện, Hà Nam chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy vai trò chủ thể của người dân, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân; thực hiện tốt quan điểm "dựa vào nội lực là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ", từ đó xóa dần tư tưởng trông chờ, thụ động trong triển khai thực hiện. Ða dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp theo từng thời kỳ, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền về những kinh nghiệm hay, điển hình tốt trong xây dựng nông thôn mới để nhân rộng.
Huy động gần 15.000 tỷ đồng xây dựng NTM
Nhờ có sự đồng thuận cao từ cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến nay, tổng nguồn vốn tỉnh Hà Nam đã huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM là hơn 14.633 tỷ đồng, bình quân một năm huy động từ các nguồn cho Chương trình được xấp xỉ 1.626 tỷ đồng. Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, UBND tỉnh Hà Nam đã công nhận 98 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100% số xã, vượt 49 xã so với mục tiêu Nghị quyết (mục tiêu Nghị quyết đến năm 2020 là 50% số xã) và Thủ tướng Chính phủ công nhận 4 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; còn 2 huyện Lý Nhân và Bình Lục đang hoàn thiện một số chỉ tiêu trong bộ tiêu chí huyện và phấn đấu về đích trong năm nay.
Với phương châm chọn điểm mang tính đột phá theo hướng dễ làm trước, khó làm sau và có lộ trình cụ thể để tạo động lực thực hiện. Ngay từ những năm đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Hà Nam đã tập trung cao cho công tác xây dựng quy hoạch. Tỉnh xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, là tiền đề và phải đi trước một bước trong thực hiện xây dựng NTM.
Con đường hoa ở xã Liêm Phong (Thanh Liêm, Hà Nam) đã tô đẹp thêm vẻ đẹp của làng quê, ngày một khang trang, giàu đẹp.
Thời gian tới, Hà Nam tiếp tục triển khai Chương trình xây dựng NTM theo hướng nâng cao toàn diện chất lượng các tiêu chí. Xây dựng NTM Hà Nam có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của đời sống nhân dân. Ðồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất; đẩy mạnh việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông sản làm vệ tinh liên kết chuỗi với các cơ sở, các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Ðẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm mới, ổn định có thu nhập cao cho người dân; phát huy và bảo tồn những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống; không ngừng củng cố hệ thống chính trị, giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Phấn đấu hết năm 2020, tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 0,65%; các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí NTM bảo đảm bền vững. Với những kết quả đã đạt được, tin rằng Hà Nam sẽ về đích trước hẹn.