Dân Việt

Giữa bão dịch Covid-19 ngẫm chuyện tư lệnh ngành y

Quốc Phong 31/03/2020 12:47 GMT+7
Đó là sự linh hoạt trong công tác tổ chức của Đảng, chọn được người tài năng để nắm giữ các vị trí quan trọng, phù hợp với tình hình cán bộ và dẫn dắt ngành trong những thử thách quan trọng của mỗi giai đoạn.

Trong thực tế, không phải cứ người đứng đầu một ngành, một bộ nhất nhất phải có chuyên môn thì mới cáng đáng được nhiệm vụ. Trên thế giới, đã có nhiều  trường hợp lãnh đạo bộ ngành không hẳn có chuyên môn như thế và họ quản lý rất tốt với tư cách một chính khách. Muốn thành công, họ cần bộ máy giúp việc có chuyên môn giỏi. Tuy nhiên, nếu họ không phải là người có tầm nhìn chiến lược, người tài năng được tổ chức, đảng phái tin tưởng giao trọng trách thì chắc chắn họ sẽ thất bại.

Trước cơn đại dịch khủng khiếp như hôm nay, người dân đánh giá rất cao những gì  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã và đang làm với tư cách Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, cùng đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia y tế nước nhà. Ông đã làm rất chuyên nghiệp dù không trực tiếp làm Bộ trưởng Y tế  trong giai đoạn giao thời  Quốc hội chưa họp để chọn ra người thay thế bà Nguyễn Thị Kim Tiến.  

Có một điều thật bất ngờ, nhiều cán bộ trong ngành y tế đếu nói rằng, đó là điều quá may cho ngành   khi đại dịch bùng phát mà  có một Phó Thủ tướng  đứng ra chèo lái. Nếu trước đây, với cương vị của bộ trưởng y tế như những người khác, vị tư lệnh ngành thật khó có những quyết định chỉ trong tích tắc, khó phối hợp với các bộ ngành khác lại triển khai nhanh và hiệu quả  đến như thế. Chúng ta cũng nhận thấy  ông Vũ Đức Đam đang điều chỉnh, uốn nắn ngành y tế theo một tư duy mới khá bài bản và khoa học so với trước, mà cán bộ trong ngành cũng thừa nhận đang khởi sắc hơn...

Nguyên Bộ trưởng Y tế, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến là trường hợp ngược lại với ông Đam, bà có chuyên môn rất giỏi nhưng đã không được tái cử vào BCH Trung ương khóa 12. Nhưng Trung ương Đảng ta khi đó đã có một cách nhìn rất cởi mở, có tình, có lý khi đánh giá cao những gì mà bà Kim Tiến làm trong suốt nhiệm kỳ bộ trưởng trước đó, đem lại những chuyển biến mạnh mẽ cho ngành y tế, nên đã ủng hộ, giới thiệu để Quốc hội xem xét để bà tiếp tục làm tư lệnh ngành.

Đó là sự linh hoạt trong công tác tổ chức của Đảng, chọn được người tài năng để nắm giữ các vị trí quan trọng, phù hợp với tình hình cán bộ và dẫn dắt ngành trong những thử thách quan trọng của mỗi giai đoạn.

img

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, tại lễ ra mắt ứng dụng khai báo y tế điện tử kiểm soát dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN.

 Trong ngành y tế của nhà nước chúng ta, có lẽ trường hợp người giữ cương vị bộ trưởng Y tế nhưng không tham gia Trung ương Đảng như bà Kim Tiến trong khoá 12  không phải là hiếm. Có thể kể sơ lược ra các vị tiền nhiệm, ví dụ như bác sỹ Phạm Ngọc Thạch; giáo sư, bác sỹ Nguyễn Văn Hưởng; bác sỹ, Anh hùng LLVTND Vũ Văn Cẩn; bác sỹ, tiến sỹ Đặng Hồi Xuân. Họ là những thày thuốc và  cũng từng được Đảng, Nhà nước, Quốc hội tin tưởng, giao trọng trách Bộ trưởng Y tế. 

Trường hợp Phó giáo sư Tôn Thất Bách, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, không phải là đảng viên, nhưng ông luôn được các lãnh đạo đảng nhìn nhận rất trân trọng. Tôi còn nhớ, ngay sau cái hôm phó giáo sư Tôn Thất Bách đột ngột ra đi trong một chuyến công tác ở Lào Cai thì vô tình tôi có hân hạnh cùng nhà báo Nguyễn Công Khế  có mặt tại văn phòng của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ở phố Phan Đình Phùng. Đó là hôm 27/3/2004.

Ông Lê Khả Phiêu lấy trên bàn một xấp giấy đánh máy đưa chúng tôi xem. Thì ra đó là bài viết của chính ông  gửi báo Nhân Dân về sự ra đi bất ngờ của PGS Tôn Thất Bách, Nhà giáo dân dân, Viện  sĩ Viện Hàn lâm ngoại khoa Pháp, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học New York, Tiến sĩ danh dự Trường Đại học Lille – Pháp, Viện sĩ danh dự trường Đại học Odessa – Ukraina, thành viên Hội ngoại khoa quốc tế. PGS cũng  từng giữ các chức vụ Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt -Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội , Đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam các khoá IX, X và XI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Việt Nam khoá XI. 

Khi chúng tôi đọc xong bài viết, nguyên TBT Lê Khả Phiêu tâm sự: Tôi rất quý và trân trọng tài năng, nhân cách  của Tôn Thất Bách dù PGS Bách  không là đảng viên. Anh ấy rất đặc biệt. Đã có lúc tôi bày tỏ quan điểm của mình trước Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, không nhất thiết bộ trưởng, thậm chí cấp cao hơn cả bộ trưởng của bộ máy Nhà nước chúng ta cứ phải là  trung ương uỷ viên, là đảng viên. 

Tôi nói cái ý này cũng có ý nhắm đến việc định đưa Tôn Thất Bách lên làm bộ trưởng Y tế - ông Phiêu giải thích thêm. Tiếc rằng nhiệm kỳ khoá 8 của Đảng mà tôi là người kế nhiệm từ đồng chí TBT Đỗ Mười, tư tưởng này vẫn chưa thể làm được vì cũng có những ý kiến không đồng thuận.

Chúng tôi hôm đó không hề bất ngờ về chuyện nguyên TBT tâm sự. Bởi đây cũng chính là chuyện ông đã từng phát biểu khi xuống thăm một cơ sở là Thành Đoàn TNCS HCM thành phố Hà Nội, và báo chí đã cho đăng ngay ngày hôm sau khiến dư luận xã hội xôn xao. Đó là vào quãng năm 1996 gì đó.

Cái bất ngờ với chúng tôi hôm đó, chính là bài báo mà ông viết về PGS Tôn Thất Bách. Tôi hiểu rằng, mấy khi lại có chuyện một vị cựu TBT của Đảng mà  trực tiếp viết bài cụ thể về một cá nhân, mà người đó cũng không phải là chính khách đặc biệt. Nó chỉ có thể lý giải rất rõ một chuyện, ông Lê Khả Phiêu có những đánh giá rất khác thường với PGS Tôn Thất Bách.

Từ câu chuyện nhân sự của ngành y tế trước cơn đại dịch hôm nay, tôi càng cảm nhận được vì sao Đảng ta không câu nệ người đứng đầu ngành này nhất thiết phải  tham gia BCH Trung ương Đảng, thậm chí, luôn dùng cán bộ trong ngành y làm tư lệnh ngành. Trong khi đó, với nhiều ngành khác, việc chọn cán bộ không hoàn toàn nhất thiết như vậy. Điều đó  không phải là không có lý do.

Chính vì điều này, trong quá trình lịch sử của nhà nước ta, Trung ương Đảng đã rất cân nhắc trong việc lựa chọn người ra làm tư lệnh ngành y tế. Tôi đánh giá cao quan điểm này. Hôm nay càng thấy rõ, ta cần là cần những người lãnh đạo có chuyên môn cao, quản lý giỏi để chèo chống con tàu y tế chở gần trăm triệu dân vượt qua bão dịch.

Trong thực tế những tháng qua, công tác nhân sự  của ngành y tế cũng có những cách làm mới của tổ chức cấp trên, đó là việc đưa trở lại ngành cả người đã từng là cựu lãnh đạo bộ về nhận nhiệm vụ. Đó  cũng là điều rất nên khi ngành đang rất cần kinh nghiệm dập dịch ở họ.

Chúng ta hơn lúc nào hết, càng trân trọng và đánh giá cao các vị lãnh đạo của ngành y tế hôm nay từ cấp cơ sở cho đến cấp bộ. Tất cả họ đều đã và đang xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của nhân dân cả nước. Tuy nhiên, để đi tới dập dịch thành công, mọi người dân chúng ta không thể đứng ngoài cuộc. Phải chung tay, chung lòng , chung sức, chung ý chí và tin tưởng tuyệt đối vào những người “chiến binh áo trắng”. Chỉ có như vậy thì chúng ta  mới có thể đi tới thắng lợi cuối cùng, tránh tổn thất về mọi mặt cho đất nước.