Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Thọ hiện là giáo sư kinh tế tại Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản đề nghị Chính phủ chuẩn bị cho sản xuất ngay một số lượng máy trợ thở cần thiết, bổ sung cho số thiếu hụt hiên tại và sản xuất một số lượng dự phòng.
Trả lời báo chí, GS Thọ cho biết, một số hãng truyền hình có thông tin không chính xác về việc ông và đồng nghiệp tại Nhật tài trợ máy trợ thở này.
Theo GS Thọ, ông đã đến gặp GS Trần Ngọc Phúc (cựu du học sinh tại Nhật), người sáng lập công ty Metran chuyên sản xuất máy trợ thở cho người bị bệnh về đường hô hấp, để bàn về tính khả thi của đề án này. Nhà phát minh Trần Ngọc Phúc đồng ý chuyển giao công nghệ này về Việt Nam. Trước mắt sản xuất 2.000 chiếc, sẽ tăng lên 10.000 trong vòng 3 tháng tới.
Nhà phát minh Trần Ngọc Phúc (phải) giới thiệu chiếc máy thở không xâm lấn, không nội khí quản JFLO. Ảnh: VTV4
Một bác sĩ đang công tác tại BV Xanh Pôn cho biết, thông tin Giáo sư Trần Văn Thọ và Giáo sư Trần Ngọc Phúc sẽ tặng Hà Nội và Sài Gòn 2000 máy trợ thở, máy thở là hiểu nhầm.
“Một là nhầm lẫn giữa máy thở và máy trợ thở, cả 2 vị giáo sư chỉ nói về MÁY TRỢ THỞ, không phải MÁY THỞ. Hai là các giáo sư không tặng 2000 máy, mà chỉ chuyển giao kĩ thuật, giúp đỡ Việt Nam ngay lập tức tự sản xuất 2000 máy trợ thở, sau 3 tháng sản xuất 10.000 máy, tiến tới sản xuất hàng loạt để bán ra thế giới”, vị BS nói.
Theo BS này, điều trị Covid-19, đảm bảo Oxy cho bệnh nhân là một trong những yếu tố quyết định sự sống và cái chết, với nhiều biện pháp bao gồm liệu pháp Oxy thông thường, liệu pháp Oxy áp lực cao, thông khí không xâm lấn, thông khí xâm lấn, ECMO (tim phổi nhân tạo) và các biện pháp liên quan khác.
Đặc biệt, trong “Phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi do virus Corona chủng mới” đã hướng dẫn điều trị các trường hợp nặng và nguy kịch bệnh nhân cần được hỗ trợ hô hấp sớm.
Cụ thể theo phác đồ: Thông khí không xâm lấn trong 2 giờ, nếu tình trạng của bệnh nhân không thay đổi, hoặc xuất hiện các triệu chứng như không dung nạp với thông khí không xâm lấn, thì cần được chuyển kịp thời sang chế độ thông khí xâm lấn. Về mặt hỗ trợ hô hấp, thông khí xâm lấn đã trở thành phương tiện chính để duy trì nhịp thở cho những bệnh nhân này.
“Hiểu theo cách đơn giản là: Khi bệnh nhân khó thở, ngay lập tức sử dụng MÁY TRỢ THỞ 2 tiếng, nếu không cải thiện chuyển sang MÁY THỞ, phác đồ nhấn mạnh MÁY THỞ là phương tiện chính”, BS nhấn mạnh.
Để hạn chế lây nhiễm chéo, bệnh nhân Covid-19 khi dùng máy trợ thở, cần thiết phải nằm trong buồng điều trị áp lực âm đồng thời tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc chống nhiễm khuẩn. Đó cũng là lí do để phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi do virus Corona chủng mới” nhấn mạnh: MÁY THỞ là phương tiện chính.
Về thông tin máy trợ thở có thể thay cho máy thở với bệnh nhân Covid-19, BS này dẫn phần trả lời của đại diện cho nhà sản xuất Rochester Oxygen & CPAP: “Không thể. Máy trợ thở, chỉ đơn giản cung cấp không khí với áp lực đường thở dương liên tục, nó không thay thế được cho thở máy. Máy trợ thở thường được sử dụng cho chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, một lần nữa tôi khẳng định, máy trợ thở chỉ cung cấp một áp lực dương và hỗ trợ cho việc thở".
Còn MÁY THỞ là máy đẩy không khí vào phổi, sau đó người bệnh thở ra, không khí luôn nằm trong một ống kín, luồng khí vào và khí ra luôn được lọc các tác nhân gây bệnh trong đó có virus.
Theo các chuyên gia, máy trợ thở có nhiều loại, có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu. Trong khi máy thở thì đắt hơn rất nhiều, có loại lên đến hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay các bệnh viện trong nước chủ yếu nhập khẩu các thiết các bị này từ nước ngoài trong đó có các loại máy thở, chưa tự sản xuất được.
Trước những diễn tiến phức tạp của bệnh dịch Covid-19 những đóng góp hỗ trợ của GS Thọ và cha đẻ của máy thở dùng cho trẻ sơ sinh có ý nghĩa rất lớn đề phòng cho những tình huống xấu, khi số ca mắc tiếp tục tăng.
Tại Việt Nam, với hơn 200 ca mắc Covid-19, hiện chưa xảy ra tình trạng thiếu máy thở. Trao đổi với báo chí trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết hiện cả nước có khoảng gần 4.000 máy thở. Nếu trong trường hợp xảy ra ở cấp độ từ 3.000 người thì Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động được với số lượng máy thở và các trang thiết bị để theo dõi điều trị cho người bệnh. Bộ Y tế cũng đang trình Chính phủ mua sắm thêm những trang thiết bị như máy thở, máy theo dõi bệnh nhân… để đủ số lượng đáp ứng cho giai đoạn 3. |
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |