Trong cuộc chiến chống Covid-19, máy thở là thiết bị y tế cần thiết để cứu sống những người bệnh đã ở giai đoạn hai lá phổi bị virus tấn công, tàn phá nghiêm trọng.
Nhiều nước có nguy cơ thiếu hụt máy trợ thở để điều trị cho những bệnh nhân nặng nhiễm Covid-19
Các quốc gia trên TG đang lo ngại về nguy cơ thiếu hụt máy trợ thở để điều trị cho những bệnh nhân nặng của Covid-19. Mỗi máy trợ thở có giá trị hàng nghìn USD và được sử dụng để hỗ trợ hô hấp cho người bệnh.
Nhu cầu về máy trợ thở để chống lại Covid-19 tăng lên mỗi ngày, trong khi một số hãng sản xuất thiết bị y tế cố gắng tìm cách đáp ứng đủ nhu cầu máy thở nhưng vẫn thiếu trầm trọng. Do đó, các chính phủ đã phải "cầu cứu" sự hỗ trợ của quân đội, đề nghị các nhà sản xuất khác như các hãng sản xuất ô tô tham gia sản xuất máy thở để tăng tối đa lượng thiết bị.
Ở châu Âu, Volkswagen tuyên bố sẽ sản xuất 200.000 máy trợ thở nhóm FFP-2 và FFP-3, sau khi hoàn tất việc cải tạo dây chuyền sản xuất ô tô sang mục đích mới.
Về phần mình, Daimler - tập đoàn mẹ của Mercedes-Benz - dự kiến sẽ cung cấp 110.000 mặt nạ phòng độc cho chính quyền bang Baden-Wuerttemberg (Đức). BMW cũng sẽ cung cấp 100.000 máy trợ thở.
Không thua kém đối thủ Đức, ở Italia, Ferrari và Fiat cũng cam kết sẽ cung cấp máy trợ thở cho các bệnh viện của đất nước hình chiếc ủng, nơi các bệnh viện đang quá tải vì số lượng bệnh nhân Covid-19 khổng lồ.
Trong khi đó, các hãng xe của Anh như Vauxhall, Rolls-Royce đều đã công bố kế hoạch sản xuất vật tư y tế. Hai đội đua F1 của nước này là McLaren và William đã điều động toàn bộ nhân sự của mình để tham gia sản xuất trang bị y tế, tập trung cung cấp cho Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS).
Theo Reuters, ngày 30/3, Chính phủ Anh đã đặt mua hơn 10.000 máy thở từ hiệp hội các doanh nghiệp, tổ chức hàng đầu thuộc lĩnh vực hàng không, kỹ thuật và các đội đua Công thức 1. Nhóm các công ty Airbus, BAE Systems, Ford và 7 đội đua xe Công thức 1 đã hợp tác để đẩy nhanh tiến độ sản xuất một loại máy thở hiện có của Hãng Smiths Group là mẫu máy Smiths Medical paraPAC plus.
Trước đó ngày 16/3, Chính phủ Anh đề nghị các nhà sản xuất xe hơi đang hoạt động trong nước gồm Ford, Honda và Rolls-Royce tham gia sản xuất máy thở. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhấn mạnh vai trò thiết yếu của các nhà sản xuất trong việc góp sức vào công cuộc chống dịch COVID-19 của cả nước. Các công ty, trong đó có Rolls-Royce và Meggitt, đã phải rút bớt nhân viên từ những dự án đang triển khai để dồn thêm nhân lực đáp ứng theo lời hiệu triệu ngày 30-3 của chính phủ.
Chính phủ của nhiều nước đã đề nghị các nhà sản xuất khác như các hãng sản xuất ô tô tham gia sản xuất máy thở
Tại Mỹ, Tổng thống Trump sau khi chỉ trích gay gắt Hãng xe hơi General Motors (GM) ngày 27-3 và đã kích hoạt cả Đạo luật sản xuất quốc phòng (DPA) để buộc hãng này sản xuất máy thở thì ngày 29-3 bất ngờ đổi sang ca ngợi công ty này vì "GM đang làm xuất sắc. Tôi không nghĩ chúng ta cần lo lắng về họ".
Trên thực tế, theo Reuters, sau những chỉ trích của ông Trump, ngày 29-3, Hãng GM cam kết sẽ bắt tay gấp rút sản xuất máy thở. Họ cũng công bố những hình ảnh cho thấy công việc sản xuất này đang diễn ra như thế nào tại nhà máy ở Kokomo, bang Indiana. Giám đốc sản xuất của GM cho biết tới mùa hè năm nay, họ dự kiến đạt năng suất 10.000 máy thở một tháng.
Tương tự, Ford tuyên bố "sẵn sàng giúp chính quyền bằng mọi cách có thể, bao gồm cả khả năng SX máy trợ thở và các thiết bị khác. Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận sơ bộ với chính phủ Mỹ và đang xem xét tính khả thi". Ông Kudlow ca ngợi thiện chí của hai nhà SX ô tô trong bối cảnh họ cũng phải đang đóng cửa nhà máy vì Covid-19.
Ở châu Á, trong bối cảnh đang từng bước khôi phục hoạt động, một số hãng ô tô nội địa của Trung Quốc đã nhân cơ hội điều chỉnh dây chuyền sản xuất để sản xuất trang bị y tế.
Trong số đó phải kể tới Liên doanh SGMW ở Quảng Tây giữa GM, SAIC Motor và một đối tác nội địa (2 triệu khẩu trang/ngày); tập đoàn xe tải Shaanxi Automobile Group (3.000 kính y tế/ngày); nhà sản xuất ô tô chạy điện lớn nhất Trung Quốc BYD (5 triệu khẩu trang/ngày; 300.000 chai nước rửa tay khô/ngày).
Hãng ô tô Hàn Quốc KIA, tập đoàn ô tô Ấn Độ Mahindra… cũng quyết định đi theo hướng này.