Dân Việt

Sau lệnh cấm ăn chim trời, Huế hướng dẫn xử phạt nạn săn bắt

Trần Hòe 04/04/2020 08:06 GMT+7
Sau khi ra văn bản nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức ăn thịt động vật rừng, các loài chim trời, tỉnh Thừa Thiên- Huế ban hành công văn hướng dẫn xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã.

Ngày 4/4, theo tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, UBND tỉnh vừa ban hành công văn số 2669/UBND-NN hướng dẫn xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD), bao gồm các loài chim trời.

Theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, trong thời gian qua, chính quyền các cấp, các ngành chức năng của tỉnh đã tích cực tuyên truyền các quy định về bảo vệ các loài ĐVHD, nhưng vấn nạn săn bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt và chế biến trái phép ĐVHD, đặc biệt là các loài chim trời như vịt trời, chim cu, chim cuốc, trích cồ, cổ rắn, vạc, cò trắng... vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Tình trạng này diễn ra tại nhiều khu dân cư, tuyến đường giao thông, trong các chợ và các trung tâm thị trấn, thị xã và thành phố. Hàng ngày, việc giết mổ ĐVHD trái phép làm món ăn vẫn diễn ra tại các nhà hàng, quán ăn.

img

Tình trạng tận diệt chim trời đang xảy ra ở nhiều địa phương. Ảnh: Phan Phương. 

Trước tình trạng trên, công văn số 2669/UBND-NN của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã hướng dẫn chi tiết việc xử phạt hành chính các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD.

Theo đó, hành vi quảng cáo để kinh doanh ĐVHD, bộ phận, sản phẩm ĐVHD trái quy định của pháp luật sẽ bị phạt từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, hoặc từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng tùy theo mức độ. Săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng.

Vận chuyển lâm sản trái pháp luật mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 360.000.000 đồng. Tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật (đối với động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng) mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 360.000.000 đồng. Vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản trong vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến lâm sản mức phạt từ 500.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Vi phạm quy định về quản lý các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, hoặc phạt từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cùng với tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 3 tháng đến 6 tháng tùy theo mức độ vi phạm. Vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản (đối với trường hợp không sử dụng tàu cá) mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện, ngư cụ.

Vi phạm quy định về thu gom, mua bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng, tịch thu tang vật vi phạm và  từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng tùy theo mức độ vi phạm. Vi phạm các quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại  phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.

Ngoài ra, các hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép; vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; vi phạm liên quan đến các loài thủy sản sẽ bị xử lý hình sự.  

Trước đó, vào tháng 1/2019, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành chỉ thị số 01/CT-UBND yêu cầu tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim trời trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị của ông Thọ yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn chỉ đạo chính quyền các xã, phường, thị trấn tăng cường các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy các loài chim, thú sống trong các khu dân cư, công viên, các ao, hồ, đầm phá. 

Các cơ quan này cũng được giao thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã, các loài chim trời và các biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài chim trời.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải tổ chức triển khai cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết về việc không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo các loài chim trời; kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời và nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của nhà nước về săn, bắn, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ các loài chim trời.

Các sở NNPTNT, TNMT và  Công an tỉnh được giao chỉ đạo các chi cục trực thuộc sở và công an các huyện, thị xã, thành phố, công an xác xã, phường, thị trấn lập kế hoạch, quy chế phối hợp kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về săn, bắn, bẫy, mua bán, vận chuyển các loài chim trời;  nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh quản lý các hoạt động liên quan đến các loài chim cảnh.

Đặc biệt, chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nghiêm cấm việc cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương, tổ chức, đơn vị ăn thịt cũng như sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng, các loài chim trời…