Cả Công Vinh và Văn Quyến đều được các đối thủ Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan tôn trọng và ghi nhận tài năng (ảnh Viettimes).
Công Vinh - chàng trai sinh năm 1985 có một tuổi thơ bất hạnh, bố dính án ma túy phải ngồi tù 8 năm, mẹ phải lăn lộn nuôi 3 con ăn học. Năm 1999, Công Vinh khăn gói vào Vinh tập luyện ở đội trẻ SLNA và không được đánh giá cao vì thể hình mỏng, cũng không có kỹ thuật gì đặc sắc so với bạn cùng trang lứa.
Tuổi thơ không yên ả
Mẹ ở xa, một thân một mình ở khu tập luyện trẻ đường Đào Tấn (TP Vinh) cậu bé 14 tuổi không khỏi nhớ nhà, nhiều lần định bỏ về nhà. Nhưng nhìn lại hoàn cảnh gia đình mình, dù còn ít tuổi nhưng Công Vinh thừa hiểu, chỉ quyết tâm tập luyện và tập luyện theo nghề cầu thủ mới hòng đổi đời. Thời điểm đó, trở thành cầu thủ bóng đá đang là mốt của không ít gia đình khá giả nhưng với Công Vinh đã là mưu sinh trên cơ sở đam mê.
CV9 đã vinh dự được nhận 3 Quả bóng vàng Việt Nam: 2004, 2006 và 2007, Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm 2004 (ảnh NV cung cấp).
Không ít bạn bè cùng trang lứa khi đến Trung tâm đào tạo trẻ của SLNA gia đình có xe hơi, bật máy lạnh mát rượi. Tập luyện xong có khăn lau lạnh lau mặt, có nước giải khát để sẵn sàng cạnh. Người ta bắt đầu mơ về cuộc đời của các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, đi xe hơi đắt tiền, xung quanh những người đẹp ái mộ, những bộ quần áo hàng hiệu đắt tiền.
Nhưng bóng đá vốn không đồng hành với những người ít chịu khổ luyện. Đến giờ những “cậu ấm” đá bóng như thế đều sớm chia tay với sân cỏ. Trong khí đó, với cách sống chuyên nghiệp và nghiêm túc với nghề, đã biến Vinh từ một thằng bé ít năng khiếu thành một cầu thủ giỏi và thành đạt.
“Tôi không trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất lịch sử đội tuyển Việt Nam chỉ vì sự sa ngã của người khác”, Lê Công Vinh đã viết điều đó trong một chương dành riêng để nói về Phạm Văn Quyến trong cuốn tự truyện của mình. “Tôi giành Quả bóng vàng đầu tiên vào năm 2004, năm 19 tuổi, chỉ một năm sau khi anh Quyến giành danh hiệu này. Khi anh còn thi đấu, tôi vẫn được các HLV cho đá chính và chúng tôi đã tạo thành một cặp song sát. Tôi đâu có ngồi dự bị và chờ khi anh trượt ngã mới có cơ hội. Tôi không trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất lịch sử đội tuyển Việt Nam chỉ vì sự sa ngã của người khác”. “Với tôi, anh thực sự là đàn anh, người truyền cảm hứng tuyệt vời. Và sự nghiệp của tôi không bao giờ thoát khỏi những so sánh với anh. Tôi chấp nhận chuyện đó, và tôi xem sự so sánh ấy là động lực để vươn lên”. |
Nhưng đó cũng là cách sống khôn ngoan và biết chế ngự cảm xúc Vinh ra khỏi giới quần đùi áo số vốn "ít bạn nhiều bè". Nói về Công Vinh những bạn bè cùng trang lứa đều cho rằng: "thằng nớ khun (khôn) trước tuổi, khun từ trong trứng khun ra".
Đơn giản như Công Vinh chính là cầu thủ SLNA đầu tiên (và có lẽ là duy nhất) có người đại diện truyền thông. Chàng trai xứ Nghệ này cũng là người lo đến việc bảo hiểm đôi chân… Khi có tiền, Công Vinh lập tức nhờ người chị kết nghĩa tìm mua nhà chung cư ở khu Trung Hòa- Nhân Chính (Hà Nội) để cho thuê.
Khi nổi tiếng, Công Vinh tìm đến làm đại diện cho các nhãn hàng thể thao nổi tiếng như ADIDAS, không vội tìm đến thú vui hàng hiệu như bạn bè cùng trang lứa sau khi “thoát nghèo”.
CV9 được nhìn nhận là người đàn ông khá chỉn chu (ảnh NV cung cấp).
Công Vinh bắt đầu nổi lên trong màu áo SLNA từ giải giao hữu JVC Cup 2003. Ngay mùa giải đầu tiên tham gia bóng đá chuyên nghiệp V.League 2004 Công Vinh đã được nhận giải Cầu thủ Trẻ xuất sắc nhất, đồng thời nhận luôn giải Cầu thủ xuất sắc nhất năm của bóng đá Việt Nam.
Như sao Hôm, sao Mai
Vào thời điểm đó, xứ Nghệ còn có 1 ngôi sao khác, đó chính là Văn Quyến, nhiều hơn Vinh 1 tuổi và có lối sống hoàn toàn khách CV9. Tuổi thơ của 2 ngôi sao xứ Nghệ cũng có những nét tương đồng, những câu chuyện không vui về người cha. Chàng trai Hưng Nguyên này là được đánh giá có lối đá tài hoa như các bậc đàn anh Phan Thanh Tuấn, thậm chí khả năng ghi bàn còn được đánh giá cao hơn.
“Công Vinh có cố gắng nhưng nếu nói năng khiếu đặc biệt ở thời điểm đó thì Văn Quyến mới là người đặc biệt. Đó là người mà khi đã ra sân đá thì khắp cả nước, đi sân nào, người ta cũng xem đông như Công Phượng, còn hơn Công Phượng bây giờ. Tuy thể hình thấp nhưng Văn Quyến rất khéo, sút bóng tốt. Cậu ta hạ thủ môn Hàn Quốc ở vòng loại Asian Cup 2004 trên sân Oman. Năm đó, chúng ta lấy đội U23 làm nòng cốt thi đấu vòng loại Asian Cup”, HLV Nguyễn Thành Vinh nhận xét về tài năng của Văn Quyến và Công Vinh. |
Năm 1999, khi đội U16 SLNA tham gia giải bóng đá U16 toàn quốc và giành huy chương bạc, Phạm Văn Quyến trở thành cầu thủ xuất sắc nhất giải. Năm 2000, anh được gọi vào đội tuyển U16 quốc gia và nổi lên như diều gặp gió khi đó không mấy ai biết đến Công Vinh, kể cả khán giả SLNA.
Tại vòng chung kết U16 châu Á tổ chức tại Đà Nẵng, đội Việt Nam đứng thứ 4 và Phạm Văn Quyến được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất giải. Năm 2002, anh được gọi vào đội tuyển U20 quốc gia dự vòng loại U20 châu Á.
Một năm sau, anh được gọi vào đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam tham dự SEA Games 22 và cái tên Văn Quyến đã lọt ra khỏi biên giới Việt Nam. Năm 2005, Phạm Văn Quyến tiếp tục tham gia đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam dự SEA Games 23 tại Philippines bắt đầu cho bi kịch nghiệp quần đùi áo số.
Tháng 12 năm 2005, với những bê bối liên quan đến việc nhận tiền để làm thay đổi kết quả trận đấu gặp Myanmar của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam tại vòng bảng SEA Games 23, Phạm Văn Quyến bị bắt và bị khởi tố.
Văn Quyến đoạt danh hiệu Quả bóng vàng 2003 khi mới 19 tuổi. Ảnh: H.Hùng.
Năm 2007, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt Phạm Văn Quyến hai năm tù, nhưng cho hưởng án treo. Riêng Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã ra quyết định treo giò cầu thủ này trong tất cả các giải do Liên đoàn tổ chức trong 4 năm (tính từ ngày 20 tháng 3 năm 2007).
Được giảm án, Văn Quyến trở lại sân cỏ từ V.League 2009 trong màu áo SLNA. Rồi ra thi đấu cho Vissai Ninh Bình 4 năm sau đó rồi kết thúc sự nghiệp sân cỏ cuối năm 2014 một cách lặng lẽ. Nếu như trước đó thăng hoa bao nhiều thì những năm tháng “hậu SEA Games 23” của Văn Quyến lại chìm lặng bấy nhiêu.
Điều đó lý giải vì sao cùng thời nhưng ít khi Công Vinh - Văn Quyến cùng khoác áo ra sân. Thậm chí họ như “sao Hôm, sao Mai” để rồi fan của Văn Quyến cho rằng nếu thần tượng của họ không dính scandal thì còn lâu Công Vinh mới nổi.
Những cuộc tranh cãi liên miên không dứt, kiểu như người Brazil nói Pele là vua bóng đá, còn xứ sở Tango lại cho rằng Maradona mới là số 1. Nhưng điều người ta công nhận chung khi nói về 2 ngôi sao sân cỏ xứ Nghệ: “Văn Quyến là bẩm sinh, Công Vinh là khổ luyện”.
Những dấu ấn lớn của bóng đá Việt Nam
Trong cuộc đời cầu thủ Văn Quyến đã có bàn thắng để đời ghi được trong trận thắng lịch sử của đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển quốc gia Hàn Quốc trong trận đấu tại Oman ngày 19/10/2003 trong khuôn khổ lượt về Vòng loại Asian Cup 2004. Nên nhớ đội hình của Hàn Quốc lúc đó có 9 cầu thủ từng dự World Cup 2002.
Công Vinh là 1 trong 5 huyền thoại bóng đá Đông Nam Á Trong bài viết mới đây của Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC), Lê Công Vinh là cái tên duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong nhóm 5 huyền thoại Đông Nam Á. AFC giới thiệu Công Vinh là người ghi bàn trong cả 2 lượt chung kết lượt đi và về AFF Cup 2008, giúp Việt Nam lên ngôi vô địch, đồng thời ca ngợi anh với tư cách chân sút ghi nhiều bàn nhất lịch sử tuyển Việt Nam. Bốn cái tên còn lại đều ngôi sao lẫy lừng của bóng đá khu vực gồm Neil Etherigde (Philippines), Soh Chin Aun (Malaysia), Kiatisak Senamuang (Thái Lan) và Bambang Pamungkas (Indonesia). |
Nhưng Công Vinh bằng pha đánh đầu vào lưới Thái Lan đã đem về chiếc cúp vàng AFF Cup 2008 lần đầu tiên cho Việt Nam. Nếu nói về tài năng giữa 2 ngôi sao xứ Nghệ, sẽ vẫn còn tranh cãi thì riêng về cống hiến cho đội tuyển thì CV9 hơn hẳn.
20 năm ăn tập và 12 năm chinh chiến cùng đội tuyển và bóng đá Việt Nam, CV9 đã vinh dự được nhận 3 Quả bóng vàng Việt Nam: 2004, 2006 và 2007, Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm 2004, Cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu tại một giải VĐQG châu Âu (Leixoes, 2009), Cầu thủ Việt Nam ghi nhiều bàn nhất ở AFF Cup (15 bàn).
Cả Công Vinh và Văn Quyến đều được các đối thủ Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan tôn trọng và ghi nhận tài năng. Ngay cả khi còn chế ngự bóng đá ASEAN thì đây vẫn là những cái tên mà các cầu thủ Thái phải dè chừng. Văn Quyến đã bẻ sườn không biết bao nhiêu hậu vệ Thái, dù thời gian đá cho đội tuyển không nhiều.