Dân Việt

"Giải cứu" nông thuỷ sản không xuể, tỉnh Quảng Ninh bàn kế lâu dài

Nguyễn Quý 09/04/2020 09:00 GMT+7
Gần 30 tấn nhuyễn thể đã được tỉnh Quảng Ninh kêu gọi các công ty thành viên Tập đoàn TKV “giải cứu” trong tháng 3; hàng chục tấn nông sản khác được tiêu thụ chớp nhoáng trong các chương trình xúc tiến của tỉnh... Tuy nhiên, đây chỉ là lượng rất nhỏ trong số hàng nghìn tấn nông sản đang tồn đọng.

Giải pháp tình thế

Theo số lượng thống kê từ các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 38.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, trong đó có 1.539 cơ sở thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa từ Việt Nam, đồng thời sản lượng tiêu thụ nội địa của lĩnh vực du lịch giảm mạnh, dẫn đến tiêu thụ sản lượng nông, lâm, thủy sản đến thời điểm thu hoạch, gặp khó khăn.

img

Vựa nghêu, ngao ở huyện Hải Hà đang trong thời điểm khó khăn nhất. 

Hiện, nhiều loại nông sản đang tồn đọng với số lượng lớn. Trong đó, sản lượng ngao 2 cùi gần 3.000 tấn; hàu Thái Bình Dương là 4.500 tấn; trứng gà là 18.000 quả/ngày, tập trung chủ yếu tại 3 huyện Vân Đồn, Hải Hà, Quảng Yên.

Ngoài ra, trong thời gian tới, một số sản phẩm sẽ vào vụ thu hoạch chính như chè khô tồn đọng khoảng 700 tấn, tôm khoảng 400 tấn; hàu cửa sông 3.000 tấn và các loại thủy sản khai thác khoảng 2.500 tấn.

Trong khi đó, việc tiêu thụ hiện nay chủ yếu còn nhỏ lẻ, tại các chợ lớn và siêu thị trên địa bàn tỉnh. Một số đơn vị ngành than đã đưa ngao, hàu… vào bếp ăn tập thể nhưng sản lượng còn thấp, chỉ khoảng 10 tấn.

Trong thời điểm nông dân gặp khó khăn do tiêu thụ nông sản, Tập đoàn TKV có 14 đơn vị đăng ký tham gia kết nối và hỗ trợ tiêu thụ cho các cơ sở nuôi trồng đang gặp khó khăn.

Cụ thể, đến thời điểm này, các đơn vị của TKV đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 11 tấn hàu, ngao hai cùi; ước tính trong tháng 3/2020 tiêu thụ gần 30 tấn nhuyễn thể. Bên cạnh đó, các đơn vị ngành Than đều có chương trình phối hợp, ký hợp đồng thu mua nông sản từ các địa phương trong tỉnh với tổng tiền giao dịch gần 850 tỷ đồng/năm.

img

Người nuôi ngao 2 cùi ở Vân Đồn cũng chung cảnh ngộ vì tồn đọng ngao thương phẩm với số lượng lớn.

Không chỉ ngành Than, các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh cũng tích cực vào cuộc, tháo gỡ khó khăn cho những cơ sở sản xuất nông sản trên địa bàn.

Trong đó, Công đoàn Viên chức Quảng Ninh đã vận động đoàn viên các công đoàn cơ sở tham gia tiêu thụ trứng gà Tân An - một trong những sản phẩm OCOP Quảng Ninh. Chỉ trong ngày đầu triển khai, Công đoàn Viên chức tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ gần 40.000 quả trứng gà, với giá 2.000 đồng/quả.

Bên cạnh đó, hơn 3,5 tấn nhuyễn thể gồm hàu Thái Bình Dương, ngao hai cùi cũng đã được cán bộ, công chức, người lao động của Cục Hải quan Quảng Ninh mua ủng hộ với tổng trị giá 135 triệu đồng.

Cùng với sự ủng hộ của các đơn vị trong tỉnh, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) đã phối hợp với Công ty TNHH Thủy sản và Thương mại Quảng Ninh đẩy mạnh việc tiêu thụ trong nhân dân, thông qua chương trình “Xúc tiến lưu động đẩy mạnh tiêu thụ hàu, ngao Vân Đồn” tại các chợ trung tâm, truyền thống trong, ngoài tỉnh Quảng Ninh.

img

Ngao 2 cùi một thời biến nhiều nông dân Quảng Ninh thành tỷ phú.

Cần “giải” hơn cần “cứu”

Thực tế cho thấy, không phải chỉ đến khi những ảnh hưởng của dịch Covid-19 mới dẫn đến câu chuyện ùn ứ, dư thừa nông sản mà trong nhiều năm qua, việc “giải cứu” nông sản đã diễn ra ở nhiều nơi, nhiều thời điểm khác nhau khiến biện pháp giải quyết đầu ra cho nông sản thông qua “giải cứu” đã trở nên quen thuộc. Thực tế, người nông dân vẫn chịu thiệt hại nặng nề do giá bán sản phẩm không bù đắp nổi chi phí sản xuất.

Với chính quyền Quảng Ninh, việc "giải cứu" nông sản là cần thiết trong thời điểm khó khăn hiện nay, giúp người nông dân giảm phần nào thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, phương án này chỉ mang tính tình thế và không mang hiệu quả lâu dài cho sản xuất và xuất khẩu nông sản.

Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho biết, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tập trung tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn.

Trong đó, chủ động tổ chức các hội nghị kết nối giao thương cung cầu giữa các cơ sở sản xuất với các đơn vị tiêu thụ, phân phối trong và ngoài tỉnh; tổ chức hội nghị hướng dẫn quy định của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam cho các cơ sở sản xuất, chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cập nhật thông tin truy xuất nguồn gốc, kết nối cung cầu về nông sản thông qua các hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc của tỉnh.

img

Hơn 10 tấn ngao thương phẩm của anh Phạm Văn Mạnh (xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) vẫn nằm im lìm dưới bãi vì chưa thể tiêu thụ. 

Đối với hoạt động xuất khẩu nông sản, hiện cửa khẩu Bắc Luân, cửa khẩu Bắc Luân II và cầu phao Km4 Thành Đạt đã thông thương trở lại. Tuy nhiên, trong thời gian đầu phía Trung Quốc mới cho thông quan các loại hàng như: Hoa quả, nông sản, bột sắn, hạt điều, thủy sản tươi sống. Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với UBND TP.Móng Cái và các cục chuyên ngành của Bộ NN&PTNT theo sát diễn biến để kịp thời khuyến cáo đến người sản xuất cũng như các cơ sở thu mua, chế biến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở sẽ hoàn thiện thủ tục bổ sung danh mục hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc; tăng cường năng lực chế biến, đóng gói hàng hóa của các đơn vị trong tỉnh, nhất là đối với mặt hàng thế mạnh như thủy sản. Đây được coi là giải pháp lâu dài và bền vững, để nâng cao giá trị và thời gian sử dụng các mặt hàng nông sản.

Cùng với Sở NN&PTNT, Sở Công Thương đã đẩy mạnh phối hợp với các địa phương, cơ sở phân phối, đơn vị liên quan thực hiện triệt để những hoạt động hỗ trợ, kết nối tiêu thụ các sản phẩm thủy sản, trước mắt là: Ngao hai cùi, hàu và một số sản phẩm khác như chè, tôm, trứng gà.

Đồng thời tiếp tục kết nối đưa các loại nông sản vào hệ thống siêu thị Big C, Vinmart…; chủ động tìm kiếm các thị trường mới, tận dụng tốt thời cơ các Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (nhất là Hiệp định EVFTA) để đẩy mạnh tiêu thụ.

img

Nông dân Vân Đồn xuống giống nuôi ngao vụ mới với số lượng nhỏ lẻ, dè dặt.

Tại một cuộc họp mới đây bàn tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản của tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ ra những điểm cụ thể. Theo đó, để giải quyết bài toán này, đòi hỏi phải kết hợp nhiều hình thức, nhiều giải pháp và gắn với từng sản phẩm cụ thể.

Đối với sản phẩm trứng gà, hàu, ngao hai cùi cần tích cực đưa vào tiêu thụ tại các bếp ăn tập thể của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị tiêu thụ xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản dài hạn để cơ sở chủ động cung cấp về số lượng và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tích cực tìm kiếm thị trường, kêu gọi các đối tác trong và ngoài tỉnh tiêu thụ nông sản, tập trung đưa vào các siêu thị lớn. Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất với tỉnh cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với các đơn vị cấp đông, sơ chế, chế biến các mặt hàng thủy sản. Đối với sứa, tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo huyện Cô Tô khuyến cáo người dân hạn chế khai thác. Đồng thời, yêu cầu ngành Công Thương tiếp tục liên hệ với các cơ sở chế biến sứa trong và ngoài tỉnh để hợp tác tiêu thụ lượng hàng tồn đọng.

Ông Đặng Huy Hậu cũng đề nghị tuyên truyền, tạo thói quen cho mỗi người dân, mỗi hộ gia đình Quảng Ninh ưu tiên lựa chọn, tiêu thụ nông sản của tỉnh. Điều này thể hiện tính nhân văn rất lớn, không chỉ cùng các hộ nông dân vượt qua giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh; mà còn góp phần đảm bảo môi trường, nhất là ở các khu vực nuôi trồng thủy sản.