Bỏ 7 học bổng Mỹ ở lại Việt Nam, mong muốn thắp cảm hứng cho cộng đồng
"Tan ta cộng với tan mình/ Bằng sin hai đứa chia cos mình cos ta/ Tan ta trừ đi tan mình/ Bằng sin lấy hiệu chia cos ta cos mình,...", Lê Đình Nam lấy hơi hát một đoạn rap dài rồi tủm tỉm bảo, cả nhạc và lời đều do em sáng tác làm "thần chú" cho các bạn khi học lượng giác.
Chàng trai sinh năm 2002 của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Vũng Tàu) cứ một chốc lại khiến người đối diện "chết lặng" vì những ý tưởng xuất phát từ sự lo lắng cho người khác như thế.
Lê Đình Nam có thể “sáng tác” rap với lời là các bài học lượng giác để giúp các bạn dễ ôn tập
Rất nhiều người thấy buồn cười khi chứng kiến nhiều học sinh lắc đầu trước câu hỏi "Quang Trung với Nguyễn Huệ có quan hệ gì?", còn Lê Đình Nam thì không. Cậu cho rằng, lỗi một phần do cách trình bày Lịch sử trong sách chưa hay và ấp ủ làm một ứng dụng sinh động, dễ nhớ nhất về lịch sử Việt Nam. Không chỉ vậy, chàng trai 18 tuổi còn lên ý tưởng số hóa sự giao thoa lịch sử các nước để người học nhìn được sự tương quan lịch sử Việt Nam trong dòng chảy lịch sử thế giới. “Đấy là nền tảng để xã hội phát triển”, Nam nói về dự án của mình.
Lê Đình Nam tin rằng, từng người tận dụng năng lực tốt nhất của mình để làm những việc làm nhỏ như vậy thôi, nhưng sẽ tạo ra "những đốm lửa, những con sóng" tốt đẹp lan tỏa ra cộng đồng. "Em muốn mọi người nhìn vào đó để có động lực, tự làm ra những điều giúp ích cho xã hội”, Nam chia sẻ nhẹ nhàng, không hề có vẻ khiên cưỡng.
Cũng chính vì niềm tin ấy mà chàng trai từng giành Giải Nhì Olympic quốc gia môn Toán đã có một quyết định khiến nhiều người ngạc nhiên. Sau khi nhận được thông báo cấp học bổng từ 7 trường ĐH của Mỹ, trong đó có ĐH Depauw (Indiana) cam kết mức học bổng lên tới 44.000 USD/năm, Nam lại chọn VinUni. Các giáo sư của trường Đại học tinh hoa này đánh giá Nam ở mức “Rất tài năng” và trao cho cậu học sinh Vũng Tàu học bổng toàn phần khối ngành Kỹ thuật và Khoa học Máy tính trị giá 36.500 đô la/năm (hơn 800 triệu đồng).
“Bố mẹ em và rất nhiều người khuyên em nên tới Mỹ để có điều kiện tốt và đặc biệt là có tầm nhìn mới. Nhưng VinUni chắc chắn không hề thua kém ĐH ở Mỹ với đội ngũ giảng viên được tuyển chọn trong top các trường hàng đầu thế giới”, Nam lí giải.
Đặc biệt, ngành Khoa học Máy tính mà Nam sẽ theo học tại đây cũng chính là một trong những thế mạnh của Cornell và Pennsylvania - hai ĐH trong nhóm Ivy League (Mỹ) là các đối tác chiến lược của VinUni.
Điều quan trọng hơn, theo Nam, ở VinUni cậu cảm nhận niềm tin và khát vọng để làm nên những điều khác biệt cho người Việt. Điều đó trùng hợp cũng là những gì cậu mong đợi.
Sống vì cộng đồng - Tố chất của những nhà lãnh đạo tương lai
Cậu học trò tràn đầy năng lượng Lê Đình Nam là một trong những ứng viên được Hội đồng tuyển sinh của VinUni đánh giá rất cao sau 2 vòng phỏng vấn. Điểm nổi trội mà các giáo sư của VinUni nhận ra ở nhưng bạn trẻ như Nam là sự quan tâm tới cộng đồng và mong muốn thay đổi xã hội.
Theo GS. Doumanidis Charalabos Constantinos, Viện trưởng Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính, điều này phần nào thể hiện qua những suy nghĩ và hành động của Nam khi sáng lập nên các câu lạc bộ tâm lý nhằm giảm thiểu việc tự tử ở trẻ vị thành niên, hay mục tiêu trở thành một giáo sư AI để tìm ra những điều mới mẻ cho thế giới.
Đó là những điều vô cùng quan trọng với một Đại học tinh hoa như VinUni. "Chúng tôi muốn đào tạo những người có tính tiên phong, những nhà lãnh đạo có thể thay đổi xã hội, tạo được khát vọng cho người khác", GS. Doumanidis Charalabos Constantinos nói.
GS. Doumanidis Charalabos Constantinos nhấn mạnh, VinUni mong muốn đào tạo những người có tính tiên phong, tạo được khát vọng cho người khác
Không chỉ riêng Lê Đình Nam, những sinh viên vừa giành học bổng toàn phần của Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính ở VinUni cũng đang ấp ủ khát vọng ấy.
Đơn cử như Trần Hương Lan, cô học sinh trường PTTH chuyên Bắc Ninh, giành giải trong Olympic Tin học quốc gia, có thể "ôm máy tính" với hàng núi code từ sáng tới tối nhưng vẫn dành thời gian cho một dự án kêu gọi giảm rác thải nhựa mang tên Citsalp (chữ Plastic viết ngược).
Là một trong những sáng lập viên của dự án, cứ mỗi cuối tuần, cô gái nhỏ nhắn lại "mất tích" khỏi ký túc xá để mướt mồ hôi với những hoạt động thu gom rác thải tại các khu vực công cộng. Lan cũng có một chiến dịch bài bản hơn với một loạt các cuộc nói chuyện, chia sẻ kiến thức, các cuộc thi sáng tác tranh, ảnh về bảo vệ môi trường.
Trần Hương Lan cùng nhóm bạn trong dự án kêu gọi giảm rác thải nhựa mang tên Citsalp mà em là sáng lập viên (ảnh giữa, ngồi ghế).
"Nhiều khi em không biết phải thực hiện như thế nào, không kiếm được nguồn lực, muốn bỏ cuộc nhưng sau tất cả, em luôn nhớ động lực khi bắt đầu là vì cộng đồng, vì môi trường sống của chính những người xung quanh. Thế rồi, em lại cố gắng, và hiện dự án đã chạy được hơn một năm với rất nhiều các bạn trong thành phố cùng tham gia", Lan tâm sự.
Đỗ Huy Hoàng, cậu học trò trường THPT Chuyên Khoa học Tự Nhiên (Hà Nội) cũng có những suy nghĩ như thế. Hoàng học cực giỏi với điểm trung bình môn cao đến khó tin: 9,6; giành giải Nhì cuộc thi Vật lý Quốc gia và Huy chương Bạc tại Olympic Vật lý châu Âu 2019. Ngoài thời gian học, cậu lại cần mẫn chỉnh sửa cho Wikipedia phiên bản tiếng Việt để xây dựng một từ điển các thuật ngữ và khái niệm kỹ thuật, giúp cho sinh viên Việt Nam tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn. Hoàng có một quan điểm sống gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh của VinUni: "Hãy theo đuổi sự xuất sắc. Thành công sẽ theo đuổi bạn".
Sự thành công với những sinh viên “tinh hoa” tương lai của VinUni rất đơn giản, nhưng lại rất lớn lao. Đó là hành trình đi trả lời cho câu hỏi: Bạn đã cống hiến được gì cho xã hội. Bạn đã làm được gì cho thế giới này? Đây là những trăn trở của những bạn trẻ “thế hệ Z” (sinh từ 1990 - 2010) - một thế hệ đa năng đa nhiệm, sống thực tế có khả năng xoay xở và sẽ tự mình kiến tạo tương lai. Tất cả, đang đợi những con người trẻ tuổi, giàu khát vọng và tài năng ấy.