Nói đến triều đại Tây Sơn, người ta nghĩ ngay rằng thủ phủ của cuộc khởi nghĩa chính là vùng đất xã Kiên Mỹ, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Nhưng ít ai biết rằng, những ngày đầu anh em họ Nguyễn đã chọn vùng đất Tây Sơn Thượng đạo để tập hợp nhân lực, đồn trữ binh lương và chuẩn bị khởi nghĩa.
Hình minh họa. Ảnh cắt từ video
Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chỉ ghi một dòng ngắn ngủi: "Năm 1771, Nguyễn Nhạc thiết lập đồn trại tại đất Tây Sơn thượng đạo". Thời điểm đó đã đi vào lịch sử như những năm đầu khởi nghĩa Tây Sơn.
Ông Lê Hoài Lương, nhà nghiên cứu lịch sử Bình Định cho biết: "Những năm đầu của khởi nghĩa Tây Sơn, không thể không nhắc đến vùng Tây Sơn thượng đạo, bây giờ thuộc An Khê. Từ năm 1771-1773, nếu như quân Tây Sơn không có căn cứ địa đó, nơi đồng bào dân tộc thiểu số hỗ trợ voi, ngựa,... thì rất khó có cuộc phất cờ khởi nghĩa năm 1773".
Trên căn cứ Tây Sơn thượng đạo, hiện nay còn lưu giữ lại được một số di tích có giá trị phản ánh việc tổ chức căn cứ địa, những hoạt động của nghĩa quân và sự tham gia của nhân dân.
Chỉ huy sở được xây dựng rất kiên cố gồm An Khê đình, còn gọi là đỉnh trong và An Khê trường hay gọi là đỉnh ngoài.
An Khê trường là một trong những di tích thuộc Tây Sơn thượng đạo. Ngày nay vẫn còn nguyên vẹn nhiều công trình như trụ Kính Thiên, có họa tiết mình rồng, bức bình phong có hình kỳ lân...
Còn An Khê đình là ngôi đình đầu tiên của người Kinh trên đất Tây Sơn thượng đạo, được xây dựng vào cuối thế kỷ 17 trong những năm đầu khởi nghĩa. Khi ba anh em nhà Tây Sơn mất, phía trước sân đình, người dân địa phương có đặt ba am thờ hướng mặt về phía Nam. Các am này có lối kiến trúc truyền thống, kết hợp giữa người Kinh và người Ba-na bản địa.
Phần trụ mang dáng dấp nhà sàn Ba-na, phần mái mang hình ảnh thu nhỏ ngôi nhà mái của người Kinh. Với lối kiến trúc này, nó thể hiện sự đoàn kết dân tộc đã có từ lâu đời, nhất là trong phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Đây không chỉ là nơi hội họp của nghĩa quân mà còn là nơi đưa ra những quyết định quan trọng hoặc các lễ cúng tế lớn.
Ngoài ra, trong quần thể Tây Sơn thượng đạo phải kể đến cả Miếu Xà. Tích xưa kể rằng, khi Nguyễn Nhạc đang dẫn quân đi công thành thì bắt gặp một con rắn ô long chặn ngang đường, ông cho quân dừng lại, đích thân xuống ngựa chém chết rắn, rồi dẫn quân tiến thẳng về chiếm thành Quy Nhơn. Sau chiến thắng lịch sử này, Nguyễn Nhạc trở về, lập nên Miếu Xà nơi đây để thờ thần rắn.
Sử sách chưa từng ghi lại bất cứ trận đánh nào của nghĩa quân Tây Sơn bách chiến bách thắng ở vùng đất Tây Sơn thượng đạo này nhưng bất kỳ chiến thắng nào nghĩa quân giành được đều có căn nguyên từ những năm tháng gian nan này.
Qua bao thăng trầm lịch sử, quân thể di tích Tây Sơn thượng đạo luôn là niềm tự hào của bao lớp người sinh ra và trưởng thành tại nơi đây.