Quan Vũ thả Tào Tháo tại Hoa Dung Đạo.
Liên quan đến điển tích Quan Vũ tha chết cho Tào Tháo ở Hoa Dung Đạo, từ xưa đến nay luôn có rất nhiều cách diễn giải. Có người cho rằng Tào Tháo số chưa tận, thiên bất vong. Ông trời có ý giữ lại tính mạng của Tào Tháo, để hình thành nên thế chân vạc Tam Quốc kinh điển trong lịch sử.
Tuy nhiên, cách giải thích hợp lý và phổ biến nhất cho tới bây giờ chính là do bản tính trọng tình trọng nghĩa của đại tướng quân Quan Vũ. Tất cả cũng là vì báo đáp lại hậu ân mà trước đó Quan Vũ đã nhận từ Tào Tháo, lúc ông bị "bắt" ở lại trong doạnh trại quân Tào.
Năm đó, Tào Tháo đánh bại Lưu Bị tại Từ Châu, Lưu Bị bỏ chạy sang Hà Bắc theo Viên Thiệu, Trương Phi trốn về Nhữ Nam, gia quyến Lưu Bị đều bị bắt; Quan Vũ không có đường chạy, buộc phải đầu hàng Tào Tháo, theo về Hứa Xương.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa có viết, Tào Tháo cúi người quỳ gối xuống, tự tay cột lại giày cho nhân vật Quan Vũ trước mặt ba quân khiến Quan Vũ vừa bối rối vừa vô cùng cảm động. Sau đó, Tào Tháo không chỉ ban tặng mỹ nữ, rượu ngon, bạc vàng tơ lụa, mà ngay cả con ngựa Xích Thố mà Lã Bố cưỡi khi xưa cũng được Tào Tháo tặng cho Quan Vũ. Nhận được đại ân như vậy, Quan Vũ sao có thể không báo?
Tha cho Tào Tháo là một kế hoạch nhằm bảo đảm sự an toàn cho Lưu Bị.
Cách nói trên rất có cơ sở, lại rất phù hợp với đại cục khi đó. Cho dù thay thế Quan Vũ bằng Trương Phi hay Triệu Vân thì quả quả lịch sử cũng vẫn như vậy. Chỉ là vì sao Gia Cát Lượng lại chọn Quan Vũ chặn Tào Tháo ở cửa ải cuối cùng tại Hoa Dung Đạo mà thôi?
Thế nhân đều rõ, Quan Vũ lấy chữ "nghĩa" làm gốc, không chỉ trọng nghĩa quân thần mà còn trọng nghĩa bằng hữu huynh đệ. Lúc ở Hứa Xương, dù nhận được ân tình rất lớn của Tào Tháo, nhưng ngay khi nắm được thông tin của Lưu Bị, Quan Vũ đã để lại một lá thư cáo biệt và bỏ đi. Trong thư Quan Vũ biểu đạt ý rằng ân tình của Tào Tháo ông mãi khắc ghi trong lòng, sau này có có hội nhất định sẽ báo đáp.
Một người tuyệt đỉnh thông minh như Gia Cát Lượng, chắc chắn rất hiểu con người đặc biệt của Quan Vũ, vì vậy việc sắp xếp Quan tướng quân chặn ở Hoa Dung Đâọ hoàn toàn là có chủ đích. Gia Cát Lượng thực chất đã lợi dụng chính cái tư tưởng "nhận ân phái báo" của Quan Vũ, để gián tiếp thực hiện kế sách tha chết cho Tào Tháo. Nếu không thì lúc Trương Phi hay Triệu Vân truy kích, Tào Thào đã bỏ mạng trước khi tới Hoa Dung Đạo rồi.
Gia Cát Lượng thực sự khiến người đời phải khâm phục trí thông minh tuyệt đỉnh của mình.
Gia Cát Lượng hiểu rằng, dù Tào Tháo đại bại tại Xích Bích, tổn thất nặng nề nhưng nền móng thế lực vẫn không bị lung lay, sức mạnh quân Tào vẫn không thể đánh giá thấp và thậm chí vẫn còn mạnh hơn 2 nhà Tôn - Lưu.
Thậm chí, giết Tào Tháo lúc này không khó, nhưng nhiều khả năng sẽ đẩy thế cục một lần nữa rơi vào cảnh đại phân tranh, Trung Nguyên sẽ lại chìm trong loạn lạc.
Mặt khác, Đông Ngô sau Xích Bích thế lực chuyển mình, lực lượng hiện tại của Lưu Bị hoàn toàn không thể so bì, nếu Tào Tháo chết, Lưu Bị cũng sẽ đối mặt với cục diện cực kỳ bất lợi và rất dễ bị Tôn Quyền xóa sổ.
Gia Cát Lượng không thể để Tào Tháo chết lúc này, nhưng cũng không thể lộ liễu trực tiếp thả Tào Tháo trước mặt Đông Ngô, vì vậy chỉ có thể lợi dụng chữ "nghĩa" của Quan Vũ để thực hiện kế hoạch này.
Tào Tháo dù không bỏ mạng nhưng lực lượng tổn thất nặng nề, trong một khoảng thời gian tới khó mà có thể tiếp tục nam chinh. Mặt khác, sự tồn tại của Tào Tháo là một sức ép buộc Tôn Quyền phải duy trì liên minh Tôn - Lưu. Như vậy, Lưu Bị hoàn toàn có thể nắm bắt cơ hội để phát triển thế lực.
Có thể nói, Gia Cát Lượng đã vạch ra một kế hoạch tuyệt đỉnh, một mũi tên trúng bốn đích. Không chỉ giúp Quan Vũ báo được ân tình, mà còn khiến Tào Tháo phải sợ hãi. Đồng thời còn thắt chặt được liên minh Tôn - Lưu, tạo ra thế chân vạc bền vững. Cuối cùng giúp Lưu Bị có được hội xây dựng lực lượng, thực hiện Long Trung đối sách, chiếm cứ Xuyên Thục, rồi đạt đến giai đoạn cực thịnh sau này.