Cuộc tháo chạy của ngài tỷ phú
Roman Abramovich, một đứa trẻ mồ côi gốc Do Thái từ năm 2 tuổi, chưa bao giờ là một học sinh ưu tú trên ghế nhà trường. Nhưng với những ai lớn lên cùng Roman Abramovich ở Ukhta, thị trấn nhỏ cách thủ đô Moscow gần 120km về phía Đông Bắc, Roman sớm bộc lộ năng khiếu buôn bán.
Abramovich nhìn thấy cơ hội làm giàu vào thập niên 80 thế kỷ trước, khi Liên Xô mở cửa thị trường. Ông kinh doanh tất cả những gì có thể, từ búp bê đồ chơi tới dịch vụ vệ sỹ. Nhưng bước ngoặt của cuộc đời Abramovich tới từ dầu mỏ.
Ở Nga, những người như Abramovich được gọi với cái tên Oligarch, nghĩa là các tài phiệt giàu lên nhanh chóng nhờ trục lợi từ quá trình tư hữu hóa tài sản. Đầu những năm 90, Abramovich thu mua dầu mỏ với giá rẻ và đầu cơ năng lượng bán ra chợ đen.
Dựa vào mối quan hệ của bạn làm ăn Boris Berezhovsky, tỷ phú gần gũi với chính quyền Tổng thống Yeltsin đương thời, Abramovich thâu tóm 51% cổ phần của tập đoàn năng lượng quốc gia Sibneft với giá chưa tới 200 triệu USD và trở thành một trong những người giàu nhất nước Nga, sau bán lại số cổ phần ấy với giá 13 tỷ USD.
Nhưng cuộc bầu cử năm 1999 đưa Vladimir Putin lên nắm quyền đã thay đổi số phận của hơn 500 trùm sỏ dầu khí. Tổng thống Putin phát đi thông điệp: “Các Oligarch phải rút chân rết khỏi chính trường nếu muốn bảo vệ tài sản”.
Nhưng cốt lõi trong việc làm ăn của những đại gia giống Abramovich là dựa vào chính quyền và lỗ hổng của nền kinh tế chớm bắt đầu chuyển mình. Vì thế, tị nạn chính trị là con đường tốt nhất cho Abramovich nếu ông không muốn điện Kremlin truy thu toàn bộ tài sản.
Với tài sản 10 tỷ USD, Abramovich quyết định đầu tư bóng đá, ngành công nghiệp giải trí hấp dẫn với những chỉ số minh bạch. Có hai lý do dẫn tới lựa chọn này. Một, bóng đá là phúc lợi xã hội, chủ đầu tư sẽ được nhà nước ưu đãi. Hai, Abramovich yêu bóng đá. Ông từng bay tới Amsterdam để mua lại một tạp chí bóng đá của Dert Sauer - chủ sở hữu ấn phẩm Playboy nổi tiếng phiên bản Nga, chỉ vì “cuốn tạp chí ấy kể lại nhiều câu chuyện thú vị”.
Đường tới London
Abramovich đã tới Italia tìm hiểu, nhưng đại đa số các CLB ở Serie A được vận hành theo kiểu “cha truyền con nối”, còn Tây Ban Nha với đặc thù địa chính bị chia thành quá nhiều khu tự trị khiến Abramovich cảm thấy “ái ngại” khi phải điều hành những CLB giàu màu sắc chính trị.
Tháng 4/2002, Abramovich tới Manchester dự khán một trận đấu của M.U. Hai nhà báo Midgley và Hutchins tiết lộ, Rio Ferdinand đã đích thân lái xe đưa tỷ phú người Nga ra sân bay sau trận đấu. Trên hành trình ấy, Abramovich được cho là đã cởi bỏ khuôn mặt lạnh lùng để hòa vào tiếng hát cùng Ferdinand.
Đấy được xem như chỉ dẫn đầu tiên đưa Abramovich tới bóng đá Anh. Đúng một năm sau, ông quay lại Anh. Vẫn là Manchester, vẫn là Old Trafford, trong trận lượt về tứ kết Champions League năm đó giữa M.U và Real Madrid.
Tất nhiên, người ta hiểu rằng Abramovich tới Manchester hoàn toàn với mục đích thăm dò. Nhưng những nhân vật ngồi cạnh ông trên khán đài VIP đã đưa câu chuyện sang ngã rẽ hoàn toàn khác.
Pini Zahavi, tay cò khét tiếng người Israel giới thiệu Peter Kenyon, giám đốc điều hành lúc đó của M.U cho Abramovich. Kenyon sau khi nghe qua câu chuyện của Abramovich đã khuyên ông nên tìm tới ENIC, công ty thương mại thể thao hàng đầu nước Anh nếu muốn tìm hiểu bức tranh tổng quát về thị trường bóng đá châu Âu.
Cổ đông lớn nhất (chiếm 29,9% cổ phần) của ENIC là Daniel Levy, chủ tịch của Tottenham. Một trong những ưu điểm của mô hình bóng đá Levy áp dụng vào Tottenham là tính xã hội hóa. Ông tạo cơ chế để nhiều doanh nghiệp chung tay đầu tư cho Tottenham, và đó là lý do Tottenham là CLB hoạt động dựa trên các nguyên tắc thương mại cao nhất.
Tự ái của Levy & bước đi của Abra
Khi điện thoại của Levy reo lên, ông đang tận hưởng tuần trăng mật ở Nam Phi. Tuy nhiên, kỳ lạ là bên kia đầu dây lại không phải Abramovich. Tay cò Zahavi đã đóng giả trong vai nhà đầu tư ngân hàng dò hỏi về việc mua lại Tottenham.
Là doanh nhân có tiếng nói ở London và thậm chí là sinh viên tốt nghiệp loại ưu tú của đại học Cambridge danh giá, không khó để Levy nhận ra vai trò thật sự của Zahavi. Ông coi đấy là cách tiếp cận thiếu lịch sự và chủ động đưa ra cái giá “nực cười” để Zahavi cúp máy. Mức giá chuyển nhượng phần cổ phiếu ở ENIC mà Levy sở hữu là 50 triệu bảng, đồng nghĩa giá trị của Tottenham là 150 triệu bảng.
Đấy là con số phi lý dưới góc độ đầu tư tài chính, bởi trên sàn chứng khoán London thời điểm đó, 1 cổ phiếu của Tottenham chỉ có giá 18 pound, và định giá thị trường của “Gà trống” là 20 triệu bảng.
Abramovich đương nhiên là không bao giờ chấp nhận điều ấy. Ông thà bỏ ra 60 triệu bảng mua lại Chelsea, đội đã sở hữu một SVĐ hoàn thiện theo tiêu chuẩn UEFA và hai khách sạn 5 sao. Một tiêu chí khác để Abramovich chọn Chelsea, là có 13,2% cổ phần ở Tottenham vẫn là tài sản của cựu chủ tịch Alan Sugar nên hiển nhiên, đàm phán với một đội bóng đang nợ ngập đầu như Chelsea sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Tháng 6/2003, Abramovich ngồi trên chiếc trực thăng đáp xuống Knightsbridge, cách SVĐ Stamford Bridge vài phút đi bộ. Sau đó, ông tiếp tục di chuyển tới khách sạn Dorchester gặp Ken Bates, ông chủ của Chelsea khi đó. Họ không dùng trà hay café, mỗi người chỉ gọi một chai nước khoáng trước khi thống nhất giao dịch. Peter Kenyon, quan chức bóng đá đầu tiên Abramovich tiếp cận ở Anh cũng lập tức được ông mời về Chelsea, tạo ra bầu không khí căng thẳng giữa Chelsea và M.U.
Chelsea với sự chống lưng của Abramovich nhanh chóng trở thành một siêu cường bóng đá. Trong 15 năm qua, Abramovich đã chi hơn 1 tỷ USD cho Chelsea và giành vô số danh hiệu lớn nhỏ. Còn Tottenham phải kiên trì theo đuổi dự án đào tạo trẻ ở phố Abridge - một cam kết của Levy với hội đồng nhân dân quận Epping - để đổi lại những quỹ đất đắt đỏ nhất ở London.
“Với Abra, bóng đá là liều ma túy” Giai đoạn đầu nắm quyền ở Chelsea, Abramovich ít khi trao đổi với Mourinho bởi HLV người Bồ Đào Nha có cái tôi rất cao. Vì thế, ông tự mình thuê tuyển trạch viên lão làng của bóng đá Hà Lan là Piet de Visser làm trợ lý riêng cho mình. Họ cùng nhau đi khắp châu Âu, khi De Visser đưa ra từng khái niệm, lý thuyết nhỏ nhất trong bóng đá để Abramovich tự nắm được những điều cơ bản trong thế giới túc cầu. De Visser từng trả lời tờ Voetbal: “Bóng đá là liều ma túy, là cơn nghiện của Abramovich. Ông ấy luôn chủ động gõ cửa phòng tôi mỗi sáng, rủ tôi xem clip và đọc báo”. |
Trong 17 năm Abramovich làm chủ, Chelsea giành được 18 danh hiệu, gồm 5 Premier League, 5 Cup FA, 3 Cup Liên đoàn, 2 Siêu Cup Anh, 1 Champions League và 2 Europa League. Số danh hiệu này nhiều hơn hẳn thành tích trong 98 năm trước đó: 1 chức vô địch Anh, 3 Cup FA, 1 Cup Liên đoàn, 2 Siêu Cup Anh, 2 Cup C2 và 1 Siêu Cup châu Âu. |