Người được giao thực hiện nhiệm vụ này là tướng Tomoyuka Yamashita – lãnh chúa vùng Singapore, nhân vật chủ chốt trong các chiến dịch quân sự của quân Nhật ở khu vực này.
Năm 1944, Yamashita được cử đến Philippines để lo việc bố phòng chống lại tướng Mỹ Duglas Mac Arthur. Ông ta còn được trao một nhiệm vụ quan trọng hơn – tổ chức cho binh lính, tù binh cùng công nhân người bản xứ đào các hầm bí mật để cất giấu ở 172 địa điểm khác nhau một khối lượng lớn vàng và đá quý cướp được ở Myanmar, Malaysia, Mãn Châu Lí và New Guinea.
Sau khi hoàn tất công trình, quân Nhật đã giết chết tất cả những người tham gia. Người duy nhất biết vị trí các kho báu là tướng Yamashita. Tuy nhiên, ông này cũng mang bí mật đó theo mình xuống mồ khi bị treo cổ năm 1946.
Tướng Tomoyuka Yamashita tại tòa án. Ảnh: Wikipedia
Năm 1971, chàng thợ mộc trẻ tuổi Rohermo Rokhos được mấy người bạn Nhật biếu một tấm bản đồ được miêu tả là có đánh dấu vị trí kho báu. Dựa theo tấm bản đồ, 7 tháng liên tục Rokhos đào bới khắp ngoại ô Bagio - nơi trước đây tướng Yamashita đóng đại bản doanh, và tìm thấy nhiều thỏi vàng và một bức tượng Phật nặng 2.000 pound (hơn 900kg).
Trong nhiều ngày liên tiếp sau đó, ảnh Rokhos cùng bức tượng lấp đầy các trang báo xuất bản ở Manila. Nhưng đến một ngày tháng 4 năm sau, một tốp cảnh sát ập đến nhà Rokhos, chìa lệnh khám nhà và đến chiều tối thì nhóm người này biến mất, mang theo bức tượng. Sau đó, những cuộc tìm kiếm vẫn được tiến hành ráo riết, đồng loạt ở 260 vị trí, ngay Tổng thống Philippines lúc bấy giờ là Ferdinand Marcos cũng vào cuộc.
Khi nguy cơ buộc tội tham nhũng bắt đầu treo lơ lửng trên nóc dinh tổng thống; khi người ta bắt đầu thắc mắc, một người có nguồn gốc là con trai một giáo viên tỉnh lẻ sao lại có tài sản khủng đến thế, Marcos giải thích: “Trước đây tôi tìm ra kho báu của Nhật, đây là lí do để tôi có bạc tỷ…”.
Tay chân thân tín của Marcos cũng đồng thanh nói vậy, song kho báu tìm thấy ở đâu và bức tượng đi đâu rồi, thì không ai biết. Bẵng đi một thời gian, tờ Mainity Daily News bất ngờ đưa tin phần lớn kho báu được cất giấu dưới đáy vịnh Kalatagan, cách Manila 112km về phía nam. Tổng khối lượng vàng bạc lên đến 800 tấn, trị giá khoảng 8 tỷ USD.
Tờ báo cũng cho biết, trong các ngách san hô ở vịnh Kalatagan còn cất giấu nhiều tài liệu quan trọng, kể cả danh sách các tổ điệp báo của Nhật. Những tài liệu này được đặt trong các hộp không thấm nước.
Năm 1986, Chính phủ Philippines tổ chức thám hiểm vùng đáy vịnh Kalatagan, nhưng công việc không thành, vì bị một nhóm cướp không rõ danh tính phá đám. Chúng tấn công trại của nhóm thám hiểm và định bắt cóc người phụ trách. Đùng một cái, mọi sự chú ý dồn về pháo đài Santiago –nằm trên bờ sông Pasik, được xây dựng từ thế kỉ XVI và là một danh thắng nổi tiếng của Philippines.
Số là, một ông già Philippines tên là Pedro quyết định nói ra điều bí mật: Năm 1944, là tù nhân bị giam giữ trong pháo đài Santiago, ông được tham gia vào việc chôn giấu 140 hòm vàng của người Nhật. Ông cụ còn vẽ sơ đồ kho báu được chôn ở độ sâu 40m và được xác định là trị giá từ 1,7-7 tỷ USD.
Đến nay kho báu Yamashita vẫn là một bí ẩn. Ảnh: Warhistoryonline
Câu chuyện này được ông Pedro kể riêng cho Cố vấn tổng thống về An ninh quốc gia Emmanuel Soriano. Năm 1988, Tổng thống Corazon Aquino bí mật cho phép một nhóm các nhà thám hiểm Mỹ, do Robert Kertis đứng đầu, được tiến hành đào bới dưới lòng pháo đài. Trong một báo cáo, Robert Kertis khẳng định với Tổng thống “đã tìm thấy dấu vết của khoảng 400 tấn vàng”.
Thế nhưng, cuộc đào bới lần này cũng đi theo vết của những cuộc săn tìm trước đó. Cuối tháng 2/1988, hai người thợ Philippines bị chôn sống dưới cửa vào đường ngầm do bị sập hầm, và mọi bí mật bị lộ tẩy. Quốc hội Philippines cảm thấy bị xúc phạm vì một việc tày trời như thế mà cơ quan lập pháp không được biết. Các nghị sĩ cho rằng hoạt động tìm kiếm làm ô uế pháo đài – một di tích lịch sử của dân tộc.
Người ta cũng nghi ngờ tính vô tư của những người Mỹ tham gia “chiến dịch” và yêu cầu dừng hẳn công việc này, không chỉ ở các khu vực xung quanh thủ đô Manila, mà trong phạm vi cả nước.
Thoạt đầu, ông Emmanuel Soriano còn cố “cầm cự” bằng cách khẳng định rằng việc tìm kiếm kho báu là có cơ sở và khả năng thành công là “một nghìn phần trăm”. Nhưng trên thực tế, khả năng đó ngày càng ít dần, và đến khi Soriano rời chiếc ghế cố vấn tổng thống thì kế hoạch đó xem như chết hẳn. Toàn bộ hậu quả để lại là những đống đá và các miệng hố nằm rải rác trên mặt đất.
Nhưng cuộc săn lùng “Kho báu Yamashita” đến đây chưa phải đã hết. Dù không có được quy mô như trước, đây đó người ta vẫn tiếp tục âm thầm tìm kiếm, đào bới. Riêng những lời đồn đại thì vẫn bền bỉ như xưa. Có điều lạ là người Nhật vẫn im hơi lặng tiếng. Kho báu có tồn tại hay không, và nếu có thì được chôn giấu ở đâu – câu trả lời hiện vẫn còn để ngỏ.